26/12/2020 3:15 PM
Theo chuyên gia, khi làm sân bay, giá bất động sản theo đó mà tăng lên. Sân bay làm xong phục vụ cho chính các dự án của nhà đầu tư.

Việc UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Một câu hỏi chung được đặt ra là: một tỉnh như Quảng Trị - cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chưa đến 100km thì việc xây dựng sân bay có hợp lý không và việc đầu tư theo hình thức PPP (ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp) có phải là một cách hay, ai được hưởng lợi?

Máy bay vừa cất cánh đã hạ cánh?

Quan tâm đến câu chuyện này, trao đổi với Đất Việt về PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định quan điểm, cần có một quy hoạch về sân bay khách quan và đúng hướng, trong đó định rõ Việt Nam có bao nhiêu sân bay, đặt ở đâu thì phù hợp... Còn như hiện nay, đang có hiện tượng chạy theo nhu cầu của các tỉnh.

Trường hợp của Quảng Trị, chính Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030. Điều này khiến PGS.TS Nguyễn Văn Nam thấy hết sức lạ lùng, bởi đúng như dư luận đã thắc mắc, Quảng Trị đã ở giữa sân bay Đồng Hới và Phú Bài, cách nhau chưa đầy 100km, đi cao tốc chỉ mất chừng 1 tiếng, vậy làm sân bay để làm gì? Với khoảng cách đó, nếu cho làm sân bay, không lẽ máy bay cất cánh rồi hạ cánh luôn chỉ trong vài chục phút?

Vấn đề thứ hai vị chuyên gia đặt ra, đó là địa phương ấy có phải là một vùng trù phú không, có nhiều công trình công nghiệp, nhiều điểm du lịch thu hút khách đến đông không để đến mức để làm sân bay?

"Thực tế, rất nhiều sân bay bị thua lỗ bởi làm xong, khách đi lèo tèo. Tôi biết trước đây có địa phương phải bỏ tiền ra bù lỗ cho hãng bay thì họ mới lập chuyến bay đến tỉnh. Một tỉnh quy mô nhỏ, kinh tế chưa phát triển, thu nhập người dân còn thấp mà cứ đầu tư sân bay thì đó chẳng qua là một mong muốn hão huyền, muốn phô trương, tỉnh bạn có thì tỉnh mình cũng phải có mà thôi", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhận xét.

Khu vực dự kiến làm sân bay Quảng Trị ở huyện Gio Linh Quảng Trị. Ảnh: Tuổi trẻ

Từ thực tế phát triển sân bay ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cảnh báo, chiến lược phát triển giao thông của Bộ GTVT đang có vấn đề, mà trước hết là việc chỉ chăm chắm phát triển đường bộ với rất nhiều đường cao tốc dẫn tới tình trạng nhiều nhà đầu tư BOT kêu thua lỗ, còn gánh nặng chi phí đổ lên đầu người dân và doanh nghiệp

"Giao thông không phải chỉ có đường bộ. Ở tất cả các nước, rẻ nhất là đường thủy, rồi đến đường sắt, đường bộ, sau cùng mới là hàng không.

Nhưng ở Việt Nam, đường thủy, đường sắt đang bị bỏ rơi. Đường thủy vẫn để phát triển tự phát, thiếu quản lý chặt chẽ, luồng lạch không được nạo nét. Còn đường sắt cả trăm năm qua hầu như không thay đổi gì - cũ kỹ, lạc hậu. Bây giờ Bộ GTVT lại muốn làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam chỉ chuyên chở khách, trong khi vấn đề quan trọng của đường sắt phải là vận tải hàng hóa.

Vì sai lầm đó nên chi phí logistics ở Việt Nam bị đội lên rất cao, khiến giá thành hàng hóa đội lên, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt", vị chuyên gia nêu rõ.

Nhắc lại quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030, tới năm 2030 Việ Nam có 28 sân bay, ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm một loạt sân bay khác, trong đó có cả sân bay ở Quảng Trị, PGS.TS Nguyễn Văn Nam một lần nữa đặt câu hỏi: làm như vậy có lợi gì cho người dân?

"Cần có một quy hoạch chặt chẽ, không thể làm ồ ạt, tỉnh nào cũng đua nhau làm sân bay để rồi lại hoạt động èo uột, không đủ khách đi. Lãnh đạo địa phương có thể không muốn tỉnh mình thua kém tỉnh bạn, nhưng đó là tiền của người dân chứ không phải tiền của một số người nào đó, do đó phải biết chắt chiu, dùng đồng tiền phải tính kỹ", ông nhấn mạnh.

Nhà đầu tư lợi kép

Về phía nhà đầu tư, PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định, có lợi thì họ mới làm. Một số sân bay có thể thấy trước không hiệu quả, nhưng vì sao nhà đầu tư vẫn hăng hái? Theo ông Nam, đó là vì họ xác định kiếm lợi không phải từ sân bay mà là từ đất đối ứng của Nhà nước, từ đó có thể phát triển các dự án bất động sản, đẩy giá trị của chúng lên khi dự án sân bay hoàn thành.

"Tư nhân không bao giờ tính toán cái gì khác ngoài lợi ích của họ. Họ biết mong mỏi của lãnh đạo địa phương nên nương theo đó để kiếm lợi.

Làm một con đường hay một sân bay, nhà đầu tư sẽ nhận được khu đất đối ứng thường ở ngay bên cạnh dự án đó, khi dự án hoàn thành, giá trị bất động sản của khu đất tăng lên bởi về nguyên tắc, giao thông đi đến đâu, giá bất động sản lên đến đấy.

Nhà đầu tư sẽ quảng bá về những dự án ấy, đặc biệt là về dự án sân bay rồi làm nhà, người dân ào ào mua với một cái giá trên trời. Như vậy, nhà đầu tư được lợi đơn lợi kép, còn riêng sân bay có gì để phát triển? Nó không có tác động lan tỏa gì đến kinh tế địa phương vì không đủ sức làm việc ấy", PGS.TS Nguyễn Văn Nam thẳng thắn và một lần nữa nhấn mạnh, Việt Nam chỉ nên dồn lực đầu tư một số sân bay trọng điểm, không thể chạy theo nhu cầu của các tỉnh. Một khi cứ chạy theo như vậy, ông lo ngại rằng lợi ích sẽ rơi vào tay tư nhân.

Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đang được UBND tỉnh Quảng Trị cho đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn và tạo điều kiện cho phép đề xuất, khảo sát, nghiên cứu các dự án lớn khác trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng, cảng hàng không…

Trong đó nổi bật là dự án xây dựng Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,4 tỷ USD.

Về lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn T&T đã được tỉnh Quảng Trị chấp thuận cho đầu tư dự án Khu dịch vụ - Du lịch Gio Hải với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, tập đoàn cũng đã đề xuất đầu tư các dự án bất động sản lớn khác như: Khu đô thị phía Đông thành phố Đông Hà; dự án Khu du lịch - dịch vụ Triệu Vân, huyện Triệu Phong.

Đặc biệt, tập đoàn xin nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng đô thị dải ven biển và quy hoạch phân khu đô thị sân bay Quảng Trị.

Trao đổi với Đất Việt ngày 25/12 về việc Tập đoàn T&T được tỉnh Quảng Trị cho phép khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị, ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ đoanh nghiệp rất nhiều thông qua các hoạt động như: tiếp xúc, làm việc, đi thực tiễn, cung cấp thông tin...

Thành Luân (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.