BĐS tại Austraylia đang thu hút được khá nhiều nhà đầu tư Việt Nam.
Bán ki-ốt trên giấy
Ông Trần Đình Trí - Tổng giám đốc Cty TNHH Minh Lộc, đơn vị tư vấn và phân phối độc quyền 2 tầng thương mại (khoảng 53 gian) dự án Little Saigon Plaza cho biết, để sở hữu vĩnh viễn một gian hàng kinh doanh ẩm thực và các sản phẩm khác với diện tích khoảng 45m2 trong Little Saigon, khách hàng phải bỏ từ 450 nghìn đô-la Austraylia. Nếu không kinh doanh có thể bán, cho thuê hoặc cho Cty Minh Lộc khai thác và được hưởng lợi nhuận 6%/năm.
Bà Như Quỳnh nhà ở Q.8, TP.HCM có người thân bên Austraylia, sau khi xem hồ sơ dự án, bà liền đặt tiền cọc để lựa chọn được vị trí ưng ý. Bà cho biết: “Do có con cái ở Austraylia nên đầu tư vào đây chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Tôi thấy ẩm thực bên đó không có nhiều món ăn Việt Nam nên mua ki-ốt này để bán món phở”.
Tuy nhiên, chị Lê Hoàng Anh Thư - Tổng giám đốc Cty Truyền thông Oxy lại không tin tưởng vào dự án này vì thấy tính pháp lý không an toàn. Chị cho biết ít ra chủ đầu tư phải cho khách hàng thấy những giấy tờ pháp lý của bên Austraylia, chẳng hạn như giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép được kêu gọi đầu tư… Thêm nữa, hợp đồng mua bán lại không chặt chẽ, không thấy trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư khi không hoàn thành trách nhiệm của mình…
Bán BĐS hay tổ chức tour?
“Khách hàng sau khi chọn vị trí và đặt cọc 5 nghìn đô-la Austraylia sẽ được sang Austraylia coi đất (trong đó 3 nghìn tiền đi lại và 2 nghìn lo giấy tờ). Sang đó khách sẽ ký hợp đồng trực tiếp với Tập đoàn PT Property. Số tiền này sẽ được chủ đầu tư tài trợ và trừ vào kỳ thanh toán cuối cùng, còn nếu không mua thì đương nhiên sẽ mất tiền cọc”, ông Trí giải thích.
Nhìn nhận vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Thống (Văn phòng luật sư Dư Niên) cho rằng: Đối với cá nhân, để đầu tư mua BĐS ở nước ngoài là rất khó, vì nếu như không có tư cách pháp nhân thì việc chuyển tiền ra nước ngoài sẽ không được cho là hợp pháp. Hơn nữa, với những bản hợp đồng bằng tiếng Anh có bao nhiêu người hiểu được chi tiết? Nếu gặp rắc rối về pháp lý, về tiến độ… thì nhà đầu tư dẫu có khởi kiện và thắng kiện thì cũng “chờ được vạ thì má đã sưng” vì tốn rất nhiều chi phí. Do vậy trước một giao dịch BĐS, kể cả trong nước hay nước ngoài nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng về tính pháp lý, hợp đồng, về khả năng thanh toán…
Trong khi đó, phía luật sư tư vấn của các Cty môi giới và ông Trần Đình Trí thì hứa như đinh đóng cột rằng, chỉ trong vòng ba tháng là nhà đầu tư cá nhân sẽ có được giấy phép đầu tư nước ngoài. Và nếu khó khăn về vốn, ông Trí cũng hứa sẽ tư vấn để vay được tiền tại ngân hàng của Austraylia.
NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư 45 quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng khi thực hiện cho vay ra nước ngoài phải đáp ứng 8 điều kiện, trong đó có điều kiện phải thẩm định dự án cho vay, đánh giá rủi ro quốc gia và khả năng thu hồi vốn gốc, lãi của khoản cho vay ra nước ngoài đầy đủ và đúng hạn. Chỉ thực hiện cho vay ra nước ngoài cho các dự án, phương án SXKD phù hợp với phạm vi hoạt động của bên vay đầu tư ra nước ngoài... |