Những sức ép về sự cạnh tranh khốc liệt và mạnh tay tái cấu trúc dường như không làm mất đi sự hấp dẫn khi đầu tư vào ngân hàng. Bởi, ngay cả trong thời điểm bị coi là khó khăn nhất, vẫn có nhiều người tiếp tục đổ vốn vào các nhà băng.

Nhộn nhịp vào - ra

Cách đây 3 năm, một "đại gia" từng kinh doanh ngân hàng khá thành công trong thời kỳ đầu của các ngân hàng cổ phần Việt Nam đã quyết định rút lui, xin thành lập một ngân hàng mới. Mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ để đón ngày khai trương, ra mắt thì Ngân hàng Nhà nước ra lệnh dừng cấp phép thành lập các ngân hàng.

Nhưng, mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này của ông không hề dừng lại. Ngay sau đó, ông được một ngân hàng cổ phần nhỏ mời về làm ủy viên hội đồng quản trị độc lập. Theo nhận định chung của giới đầu tư, đây chỉ là bước đầu để "đại gia" bỏ tiền và hiện thực hóa ý muốn tiếp tục đầu tư vào ngân hàng của mình. Tất nhiên, từ phía ngân hàng, ngoài việc muốn tận dụng kinh nghiệm, kiến thức cũng không thể bỏ qua tiềm lực tài chính của vị "đại gia" này.

Cuối năm ngoái, có rất nhiều thương vụ đổi tên ngân hàng. Trong đó, gây chú ý nhất là việc đổi tên VP Bank từ ngân hàng cổ phần doanh nghiệp nhỏ và vừa thành Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng. Việc đổi tên được ngân hàng này giải thích là phù hợp với chiến lược kinh doanh mới.

Tuy nhiên, song song với việc đổi tên cũng là sự thay đổi gần như toàn bộ các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc - điều đó cho thấy một sự thay đổi lớn trong lực lượng sở hữu của ngân hàng. Theo đó, một nhà đầu tư hay một nhóm đầu tư lớn đã sở hữu, chi phối ngân hàng này và tạo ra nhiều thay đổi trong chiến lược, hoạt động của ngân hàng.


Đầu tư ngân hàng: Đại gia vẫn thèm muốn
Nhìn vào hiệu quả hoạt động, nhất là lợi nhuận, đã khiến nhiều đại gia không thể bỏ qua


Nhìn vào hiệu quả hoạt động, nhất là lợi nhuận, đã khiến nhiều đại gia không thể bỏ qua (ảnh minh họa - Lao Động).

Đấy là chuyện của năm ngoái nhưng vẫn còn thời sự đến hôm nay. Còn trong năm nay, khi dư luận chưa thôi bàn tán với cú sáp nhập kèm đầu tư giữa Ngân hàng Liên Việt và Công ty tiết kiệm Bưu Điện, kèm theo là những khoản đầu tư tiền tỷ của VNPT vào ngân hàng thì đã có những thương vụ đầu tư mới đổ vào lĩnh vực này.

Mới đây, trước thông tin về việc PG Bank khó khăn trong việc tăng vốn, thì nguồn tin từ chính ngân hàng cho hay họ không hề gặp phải điều đó. Các nhà đầu tư rất sẵn sàng rót tiền, vấn đề ở chỗ cổ đông nhà nước đang mong muốn một cơ chế để duy trì vị thế của mình tại ngân hàng như điều mà Baovietbank đã làm được. Tăng vốn, tuy gặp khó khăn nhưng không thiếu những nhà đầu tư mới.

Điều này có vẻ đúng nhất với thương vụ đổi tên và tăng vốn mới nhất của Ngân hàng Gia Định thành Ngân hàng Bản Việt. Được biết, ngay sau khi cổ đông chiến lược là Vietcombank - nắm 30% vốn ở đây - bán hết cổ phần để rút lui thì Gia Định đã đón một cổ đông mới tầm cỡ không kém thế chân. Một nguồn tin tiết lộ, một nhóm cổ đông đã mua cổ phần của ngân hàng này với tỷ lệ tối thiểu 30% vốn điều lệ. Và tiếp theo, họ cũng không quá khó để tìm bán cổ phần tăng vốn điều lệ lên mức mới, từ 2.000 lên 3.000 tỷ đồng. Tên "Gia Định" cũng biến mất, thay vào đó là Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank).

Và như thế, một ngân hàng vốn nằm trong diện chậm tăng vốn điều lệ của năm ngoái đã thoát cửa ải tăng vốn nhờ nguồn đầu tư từ những đại gia mới.

Trong khi đó, giới đầu tư Hà Nội đang hướng quan tâm về một đại gia trong ngành bất động sản đang muốn mua cổ phần lớn để có chân trong một ngân hàng cổ phần trụ sở ở Miền Nam. Nếu thành công, đại gia này cùng nhóm thân hữu của mình không dấu tham vọng chuyển trụ sở của ngân hàng ra Bắc và phát triển theo chiến lược mới.

Rõ ràng, dù hệ thống ngân hàng đang khó khăn và có nhiều thông tin được những người ngoài cuộc cho là nhiễu, nhưng nhìn vào hiệu quả hoạt động, nhất là lợi nhuận và sự chi phối cũng như sự thuận lợi khi có một ngân hàng để làm ăn... đã khiến nhiều đại gia không thể bỏ qua. Ngân hàng xem ra vẫn là một lĩnh vực hút vốn vì có nhiều lợi thế và nhiều lợi nhuận.

Điều chỉnh nguồn lực cho tái cơ cấu

Hiên nay, các ngân hàng Việt Nam đang chuẩn bị cho một quá trình tái cơ cấu. Đó là một hành trình dài hướng tới sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả trong hoạt động cũng như gia tăng về quy mô. Quá trình đó sẽ rất phức tạp và kéo dài, nhưng như lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, thì ít nhất phải trải qua các giai đoạn: khắc phục những điểm yếu trước mắt, những khó khăn tạm thời; nâng dần tiêu chuẩn và năng lực của các ngân hàng yếu. Tiếp theo là có sự hỗ trợ để gia tăng về chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động ngày càng tốt hơn.

Về điều này, một chuyên gia ngân hàng nói rằng, dù muốn làm gì thì cũng phải nâng cao năng lực và chất lượng cho các ngân hàng. Điều này đều có chung đòi hỏi là TIỀN. Tiền để khắc phục những sai lầm và nợ nần trong kinh doanh, và tiền để đầu tư cho vốn, kỹ thuật và nhân lực. Và tiền ở đây mới là vấn đề.

Một chuyên gia từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận, vấn đề tiên quyết là làm sạch các bản báo cáo tài chính của ngân hàng. Có nghĩa, để tái cơ cấu ngân hàng phải làm sạch nợ xấu, hướng tới tài chính an toàn. Bản thân các ngân hàng sẽ không đủ sức để làm điều đó nếu không có một nguồn trợ lực khác.

Trước đây, chính phủ đã chấp nhận bỏ ra 19.000 tỷ để làm việc này. Tuy nhiên, thời điểm đó, số nợ ngân hàng còn ít và chưa có nhiều phức tạp, thị trường chưa thuận lợi để phát hành các loại trái phiếu đặc biệt cho mục tiêu đó. Nhưng, với tình thế hiện nay khi số nợ xấu lớn, tình hình lạm phát cao thì cách làm này khó thực hiện.

Điều trông chờ còn lại là sử dụng nguồn dự phòng rủi ro đã trích lập của các NHTM, cộng với tiền túi của các ông chủ nhà băng để khắc phục. Một khi nguồn dự phòng rủi ro không đủ, các ông chủ phải gánh chịu trách nhiệm này. Tất nhiên, với những ông chủ hiện tại thì khó có đủ sức để có thể bỏ thêm tiền để chi phối ngân hàng. Trong trường hợp đó, nguồn đầu từ những đại gia mới vẫn còn "máu me ngân hàng" là một nguồn lực đáng chú ý.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định không bao giờ để đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Còn các ngân hàng thương mại vẫn có niềm tin rằng, tái cơ cấu là việc phải làm nhưng chắc chắn sẽ không có ai đỗ vỡ hay phá sản và giải thể. Đó chính là cơ sở để những ai có tiền và còn "máu" đầu tư yên tâm mở hầu bao.

Kinh nghiệm nâng cấp các ngân hàng đô thị lên ngân hàng nông thôn trong thời gian qua cho thấy, ở đó có một lực tài chính lớn từ các "đại gia" không chỉ trong ngành ngân hàng tài chính mà chủ yếu từ công nghiệp, thương mại đầu tư sang một cách mạnh mẽ và thực tế họ đã gặt hái rất nhiều lợi nhuận và lợi thế.

Sau thời điểm của các ngân hàng nông thôn lên đô thị, kinh tế tiếp tục phát triển với những trào lưu chứng khoán, đất đai cùng với sự phát triển mạnh của thương mại, công nghiệp đã cho ra đời nhiều đại gia hơn và cũng có nhiều người ngắm nghía các ngân hàng đề bỏ vốn vì cơ hội lập ngân hàng mới gần như không còn. Dưới góc độ đầu tư thì đây là một nguồn lực có thể tính toán để tận dụng, nhưng vấn đề là phải có một định hướng cũng như quy định về điều kiện và tiêu chí khắt khe, tiếp cận với tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế để kiểm soát nhằm lợi dụng nguồn lực này một cách có lợi và loại bớt những hạn chế trước đây đã gặp phải. Đó cũng là một đòi hỏi sự khôn khéo và linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.

Theo Lê Khắc (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.