Theo bà Dương Thùy Dung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường và phát triển CBRE, mặc dù đầu tư vào bất động sản vui chơi giải trí có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử tại Phú Quốc thì cứ 220 dự án cấp phép đầu tư vào bất động sản du lịch, chỉ có một vài dự án đầu tư vào du lịch vui chơi giải trí.
"Nguyên nhân khiến việc đầu tư vào khu du lịch vui chơi giải trí chưa thu hút nhiều nhà đầu tư là do lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn, dài hơi nhưng khả năng thu hồi vốn chậm", bà Dung nói.
Trước đây, từng có nhà đầu tư lập kế hoạch về dự án vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng Happly Land ở Long An với vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, dự kiến khai trương vào năm 2014 nhưng vì không đủ tài chính nên phải thay đổi công năng. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư cũng chưa đồng bộ, thiếu cụ thể đối với đầu tư phát triển bất động sản du lịch vui chơi giải trí.
Ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công ty Du lịch Long Phú chia sẻ: "Đầu tư vào khu vui chơi đã khó, làm du lịch sinh thái còn khó gấp nhiều lần. Một mặt, phải liên tục đầu tư, bảo tồn, mặt khác còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khách quan. Đơn cử hiện nay, Khu Du lịch sinh thái Đảo Hoa Lan, mỗi năm chúng tôi phải tiếp tục đầu tư cả tỷ đồng để tôn tạo thêm hệ sinh thái, rừng ngập mặt, bảo tồn lan rừng, lưu giữ 1.300 mẫu động thực vật. Thế nhưng việc bảo tồn cảnh quan khu du lịch sinh thái đang rất khó. Hiện nay, tình trạng đánh bắt hải sản bằng dã cào (lưới có mắt cực nhỏ) khá phổ biến hoặc lồng bè nuôi cá không theo quy hoạch, cho cá ăn bừa bãi làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sinh vật biển, cây rừng thì bị người dân chặt làm than, ảnh hưởng đến thảm xanh, không giữ được mạch nước ngầm".
Riêng Đảo Khỉ, lãnh đạo ở đây cũng cho biết: "Việc đầu tư, tôn tạo vô cùng khó khăn vì nơi đây toàn cát san hô nên tạo được một thảm xanh phải mất nhiều năm. Bên cạnh đó, việc tôn tạo cảnh quan, đầu tư công trình phụ phục vụ vui chơi giải trí cũng không dễ vì liên tục bị khỉ phá. Vì vậy, để thu hút du khách, chúng tôi phải tổ chức xiếc khỉ, cho khỉ ngồi lưng chó đua, khỉ bơi đua... Và dĩ nhiên, kinh phí đầu tư cũng bị tăng theo, ngay cả thời điểm chưa có lãi.
Đại diện Safari Vinpearl Phú Quốc cũng chia sẻ khó khăn trong việc bảo tồn thú quý hiếm, vị này nói: "Chưa kể kinh phí vận chuyển các loại thú quý hiếm từ các nước về bảo tồn ở đây, chỉ tính riêng việc nuôi và chăm sóc cũng đã mất mỗi ngày cả trăm triệu đồng. Cũng do thay đổi môi trường sống, chế độ dinh dưỡng nên động vật hoang dã rất dễ bị giảm sức đề kháng, thậm chí bị stress, đổ bệnh, vì vậy, tỷ lệ thú thất thoát do không thích nghi cũng là tổn thất lớn cho nhà đầu tư”.
Ngoài những khó khăn trên, nhiều khu du lịch vui chơi giải trí còn thiếu phối hợp của chính quyền địa phương hoặc do người dân quanh khu vực gây khó. Đơn cử như khu trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái của Hoa Sen Group tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ đón khách vào năm 2015 nhưng đến nay không như tiến độ dự kiến vì giá mua đất ban đầu theo giá thỏa thuận từ 61,5 triệu đến trên 300 triệu/ha nhưng sau đó, một số hộ dân đòi tăng giá bất thường, lên 400 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha.
Đã vậy, trong thời gian triển khai dự án, có người đã gây khó dễ, một số người vào rừng chặt cây mum, lấy mật ong, khiến dự án liên tục bị vướng khi triển khai.
Theo ông Lê Đăng Khoa - TGĐ Công ty Bamboo: "Xét về kinh doanh thì đầu tư xây dựng khu du lịch vui chơi giải trí là mô hình kinh doanh mạo hiểm, bởi phụ thuộc vào quỹ đất, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng. Với mô hình kết hợp du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, ẩm thực còn đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn nhân lực chuyên nghiệp để vận hành. Bên cạnh đó, phải có nhiều kinh phí để quảng cáo, liên tục đầu tư mới để hấp dẫn khách đến và trở lại.
Ấp ủ dự án một khu du lịch nông nghiệp sinh thái tại Đồng Tháp, ông Lại Minh Duy - Tổng giám đốc Công ty Du lịch TST khẳng định: "Rất khó. Ở các nước như Thái Lan, Nhật Bản, mô hình du lịch kết hợp nông trại rất phát triển và hút khách, ngay cả khách Việt Nam cũng rất thích mô hình này. Tại Việt Nam, mô hình này càng có lợi thế do có nhiều cây trái ngon, có nhiều sản vật nông nghiệp. Thế nhưng, đầu tư vào mô hình này đòi hỏi số vốn rất lớn trong khi hầu hết các ngân hàng không mặn mà cho vay, ngay cả các quỹ đầu tư cũng không muốn nhả tiền vào lĩnh vực này do hiệu quả kinh doanh phải sau nhiều năm, chỉ riêng đầu tư trồng cây ăn trái cũng phải mất ít nhất 3 - 4 năm nên thu hồi vốn chậm".