Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Nhiệm kỳ nữa cũng chưa trả hết nợ ngành giao thông
Sáng ngày 3/6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số vấn đề về việc phân bổ nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Theo ông Dũng, trong giai đoạn vừa qua, các đại biểu hết sức chú ý đến vấn đề kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước đây.
Bộ trưởng cho biết, trong 9.600 dự án đang triển khai theo kế hoạch đầu tư năm nay thì có đến 8.000 dự án là chuyển tiếp; chỉ khởi công mới 400 dự án, còn lại là trả nợ và thanh toán.
“Trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng hiện nay vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỉ đồng. Nếu như vậy còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết nợ của ngành giao thông”, vị bộ trưởng phát biểu.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, chúng ta đã dừng hoãn rất nhiều công trình không có khả năng. Nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay đang còn rất lớn, Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua đã thắt lưng buộc bụng, tập trung vào trả nợ, tập trung vào cho các dự án chuyển tiếp và hạn chế tối đa các dự án khởi công mới.
“Các công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia hiện nay như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam chỉ còn hơn một năm nữa nhưng chúng ta đang để ở đó hơn 80.000 tỉ không giải ngân hết, điều đó là chắc chắn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng.
Theo ông, chúng ta có thể chỉ ra được nguồn vốn để phân bổ cho các dự án nhưng để rà soát, chỉ rõ phân bổ được dự án nào, bao nhiêu tiền thì ở thời điểm hiện nay chúng ta không làm được.
“Tại sao nói Chính phủ không trình được cho Quốc hội khoản đó, vì chúng ta đang ở năm thứ 4 và đang triển khai kế hoạch, chúng ta không thể bóc tách được chính xác dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được”, Bộ trưởng cho biết.
Lại chuyện “con gà, quả trứng”
Ông Dũng phân tích, giống như các quốc gia khác trên thế giới, cơ chế triển khai các hoạt động đầu tư công của chúng ta thực hiện đầu tư trên nguyên tắc dự kiến nguồn lực trong năm kế hoạch.
Theo đó, dự kiến trước nguồn vốn và danh mục dự án để bước vào kế hoạch là có thể triển khai thực hiện được ngay. Thanh toán giải ngân thông qua việc thực hiện cân đối đảm bảo thu chi ngân sách nhà nước trong kỳ kế hoạch. Trong trường hợp hụt thu có thể bù đắp bằng bội chi trong hạn mức cho phép hoặc để chuyển tiếp sang kế hoạch của nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu vượt thu có thể bổ sung cho kế hoạch.
Do vậy, việc phân bổ khoản dự phòng này là dự kiến trước kế hoạch để triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư mà không phải đợi đến khi có nguồn lực rồi mới phân bổ để thực hiện các thủ tục đầu tư.
Đây là việc cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý về vốn để các bộ, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cũng như phê duyệt, quyết định các chủ trương đầu tư dự án mới hoặc điều chỉnh các dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn.
“Khi Luật Đầu tư công thông qua đã yêu cầu xác định được khả năng ngân sách và khả năng cân đối thì mới quyết định được chủ trương đầu tư. Nhưng chúng ta lại vướng câu chuyện "con gà, quả trứng", tức là vốn trước hay dự án trước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Về vấn đề này theo Bộ trưởng, phải xác định có nguồn vốn trước, phải chỉ ra được nguồn vốn đó ở đâu? Khả năng là bao nhiêu? Rồi phân giao lại cho các địa phương của ngành theo các mục tiêu Quốc hội cho phép, sau đó chuẩn bị dự án. Chuẩn bị dự án xong thì căn cứ vào ngân sách thực tế hàng năm cho đầu tư phát triển, dựa trên các dự án đã đủ thủ tục mới giao ngay tiền thực tế hàng năm.
Theo đó, chúng ta có thể chuẩn bị tốt trước và giải ngân ngay, đây cũng là khắc phục việc giải ngân chậm mà Quốc hội đã nêu rất nhiều trong mấy ngày qua. Tức là công tác phân bổ phải được thực hiện trước, sau đó triển khai các thủ tục tiếp theo.
Bộ trưởng nêu rõ, thời điểm phù hợp nhất để có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn của nó là bao nhiêu sau đó sẽ phân bổ là cuối năm nay.
-
Chưa thống nhất được thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn
CafeLand - Sáng ngày 3/6, Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu về 3 nội dung còn nhiều ý kiến khác của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), bằng phương thức biểu quyết thông qua hệ thống điện tử.