Tuần đầu tiên của năm 2012, giá vàng thế giới không biến động nhiều. Nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều và giá giữa các loại thương hiệu vàng cũng khác nhau. Điều này gợi sự băn khoăn về thị trường vàng năm nay.

Kinh doanh BĐS: Muôn đường cắt giảmNgày 5/1, giá vàng SJC mua vào niêm yết ở mức 43,4 triệu đồng/lượng, bán ra 43,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 42,45 triệu đồng/lượng và bán ra là 42,75 triệu đồng/lượng.

Mức chênh lệch vô lý này đã tồn tại nhiều tháng qua, dù “vàng nào cũng là vàng”. Nguyên nhân cũng dễ hiểu bởi theo Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chỉ có SJC được "độc quyền" sản xuất vàng miếng.

Cần một giải pháp căn cơ

Một chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm về thị trường vàng chia sẻ, trên thế giới, ngân hàng trung ương một số nước định kỳ cung ứng cho thị trường một khối lượng tiền vàng nhất định theo tiêu chuẩn quốc gia. Các loại tiền vàng này không có chức năng thanh toán và chỉ được giao dịch tại các ngân hàng do nhà nước chỉ định.

Tiền vàng quốc gia do xưởng đúc tiền quốc gia sản xuất theo tiêu chuẩn nhà nước quy định. Việc sản xuất và kinh doanh vàng miếng do các doanh nghiệp thực hiện và được điều tiết bằng cung và cầu của thị trường. Không ngân hàng trung ương nào trên thế giới sản xuất vàng miếng bán cho dân và cũng không có quốc gia nào trên thế giới chỉ cho phép lưu hành một thương hiệu vàng miếng.

Cụ thể, ở những nước phát triển như Thụy Sĩ, ngoài 4 nhà máy tinh luyện vàng ký, vàng miếng lớn (Pamp SA, Valcambi SA, Metalor, Heraeus), những ngân hàng thương mại lớn như UBS với thương hiệu vàng miếng 3 chìa khóa, hay Credit Suisse có thương hiệu vàng Credit Suisse, mặc dù những ngân hàng này không có nhà máy sản xuất.

Ấn Độ có trên 25 thương hiệu vàng miếng, trong đó mỗi thương hiệu do một ngân hàng hay một doanh nghiệp đăng ký với chính quyền của bang sở tại để sản xuất và lưu thông.

Ở Trung Quốc hay Hồng Kông, hầu như doanh nghiệp nào sản xuất và kinh doanh vàng đều có thương hiệu vàng miếng riêng và tự chịu trách nhiệm về mẫu mã, trọng lượng, chất lượng của vàng miếng trước pháp luật và người tiêu dùng.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng với vai trò can thiệp và bình ổn thị trường theo đúng chức năng quản lý nhà nước, chứ không nên tổ chức sản xuất vàng miếng theo cơ chế kinh doanh.

Việc sản xuất vàng miếng cungx không nên để cho một doanh nghiệp độc quyền, bởi một doanh nghiệp không thể đảm bảo được tính minh bạch và bản chất hoạt động của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải vì mục tiêu bình ổn thị trường.

Ngoài ra, khi nhu cầu mua vàng trong nước tăng cao, thì một doanh nghiệp sản xuất vàng miếng khó có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong khi lại bỏ lãng phí sơ sở vật chất của các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia trên phân tích thêm, thực tế cho thấy, việc can thiệp thị trường vàng bằng chính sách hạn ngạch chỉ có tác dụng nhất thời mà lại tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng.

"Nên thành lập Quỹ vàng để có thể can thiệp thị trường khi cần thiết"


Vì vậy, nên thành lập Quỹ vàng để có thể can thiệp thị trường khi cần thiết. Quỹ này có thể sử dụng nguồn vàng huy động của các NHTM theo tỷ lệ nhất định. Làm được điều này sẽ góp phần huy động được nguồn vàng dự trữ trong dân, đồng thời tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Ngoài ra, cần tiến tới thành lập Quỹ đầu tư vàng thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng để tiến tới xóa bỏ giao dịch vàng miếng trên thị trường tự do theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Việc phát hành chứng chỉ vàng cần có Quỹ đầu tư vàng có uy tín và nguồn lực tài chính đủ mạnh. Nhiều nước trên thế giới đã thành lập các Quỹ đầu tư vàng từ nhiều năm và các chứng chỉ quỹ đầu tư vàng đã trở thành các danh mục đầu tư được giao dịch trên thị trường tài chính thay cho mua bán vàng vật chất.

Hay cần mục tiêu rõ ràng

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban vốn và kinh doanh vốn BIDV nhận xét, vàng cũng là một dạng hàng hóa được giao dịch trên thị trường và là một kênh đầu tư nên giá vàng tất yếu sẽ phụ thuộc vào cung và cầu. Đương nhiên, khi cung cầu có biến động, cung ít cầu nhiều thì giá tăng, cung nhiều cầu ít thì giá giảm. Tuy nhiên, với đặc thù về tập quán, văn hóa riêng của Việt Nam thì vàng có thể được xem là dạng hàng hóa “đặc biệt” vì có sự tham gia mua bán, đầu tư thường xuyên của một bộ phận đáng kể và đa dạng các đối tượng, tầng lớp dân cư, nên tính biến động của thị trường vàng lớn hơn các thị trường khác.

Vì vậy, theo ông Quỳnh, đầu tiên cần phải xác định rõ mục tiêu, từ đó mới có thể đề ra được các giải pháp đúng. Vì trong điều hành một nền kinh tế hay một thị trường, có nhiều yếu tố, nhiều cấu phần có quan hệ hữu cơ và liên kết với nhau. Trong từng giai đoạn nhất định, cần xác định mục tiêu ưu tiên, đâu là chính, đâu là phụ để có thể “hy sinh” vì kết quả chung. Trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, với tập quán, qui mô của thị trường vàng thì sẽ rất khó có thể vừa ổn định thị trường vàng lại vừa ổn định thị trường ngoại tệ, đồng thời lại đảm bảo dân có quyền tự do mua bán, đầu tư kinh doanh vàng.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì đi tìm giải pháp, cần phải tìm xem mục tiêu là gì. Mục tiêu của nhà quản lý trong từng giai đoạn phải cụ thể rõ ràng, phải dựa trên đánh giá, phải có tầm nhìn dù rằng nó có thể sai hay đúng. Đối với người làm kinh doanh, phải có định hình trong đầu, đang ở điểm A và đi đến điểm B hay điểm C như thế nào? Để đến những điểm đó, có bao nhiêu con đường đi? Trong những con đường đó thì con đường nào chi phí ít nhất, ngắn nhất, an toàn, thuận tiện nhất?

“Có những con đường ngắn nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro, có con đường dài nhưng an toàn hơn. Vấn đề là cần định hướng được điểm đến của mình là điểm nào và mức chấp nhận rủi ro đến đâu, để từ đó chọn ra con đường phù hợp. Sẽ không có con đường nào là không ẩn chứa rủi ro nên người có quyền ra quyết định sẽ chỉ có thể ra quyết định phù hợp với khả năng, mong muốn của mình và sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Những người không có quyền ra quyết định cũng cần hiểu, chia sẻ điều này”, ông Quỳnh nói.

Theo Nhuệ Mẫn (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.