UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn. Trong đó, thành phố đưa ra cơ chế mới là "đồng thuận cộng đồng theo đa số" nhằm cân bằng quyền lợi của Nhà nước và người dân.
Cụ thể, chính quyền sẽ thu hồi đất làm dự án và đất hai bên hạ tầng khi đạt tối thiểu 2/3 ý kiến đồng thuận của cư dân. Thiểu số còn lại có thể chọn đồng thuận hoặc bị thu hồi đất theo quy định.
"Đây là đề xuất tiến bộ và mang tính đột phá đối với quản lý đất đai tại TP.HCM. Khi đi vào thực tế, những bất công của chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện tại sẽ được hóa giải", Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), chia sẻ với Zing.
Phương án cũ còn thiếu công bằng
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét tại TP.HCM, công tác quản lý đất đai thời gian qua đã có phần tiến bộ hơn các thành phố lớn khi thu hồi đất 2 bên dự án rộng hơn, người ở mặt tiền cũ được bố trí tại mặt tiền mới, những hộ dân phía sau được bố trí tái định cư nơi khác. Phương án này giúp giảm kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng vẫn có phần thiếu công bằng.
"Phương án của TP.HCM đã khá tiến bộ khi so sánh với Hà Nội nhưng vẫn còn điểm thiếu công bằng. Ví dụ như những hộ dân ở mặt tiền cũ khi mở rộng đường sẽ được ở mặt tiền mới với giá đất tăng nhiều lần", ông Đặng Hùng Võ nhận xét.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT. Ảnh: Hoàng Hà.
Phương án cũ thiếu công bằng khi các hộ ở mặt tiền cũ sẽ được ở mặt tiền mới với giá đất tăng lên nhiều lần.GS Đặng Hùng Võ
So sánh chính sách của TP.HCM với một số thành phố lớn, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết Hà Nội đang thực hiện thu hồi đất theo phương án "thu hồi đất tới đâu, giữ nguyên tới đó".
"Phương án của Hà Nội là thu hồi đất làm đường tới đâu thì giữ nguyên ở đó. Tức là người đang ở mặt tiền đường được tái định cư nơi khác, những hộ bên trong đương nhiên được ra mặt tiền", GS Đặng Võ Hùng chia sẻ và cho rằng phương thức này có phần bất công đối với người dân bị thu hồi đất.
Đà Nẵng có phương án tiến bộ hơn Hà Nội và TP.HCM là thu hồi thêm đất cả 2 bên dự án, bán đấu giá, tuy nhiên, toàn bộ người bị thu hồi vẫn áp dụng tái định cư nơi khác. Phương án này đem lại hiệu quả cao cho Nhà nước, nhưng quyền lợi của người dân vẫn bị ảnh hưởng.
Công bằng đối với người dân
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.HCM hiện tại còn gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện dự án kéo dài do nguyên nhân chính là người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường và thiếu kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi lựa chọn được nhà đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng thừa nhận tổng thu ngân sách từ đất giai đoạn 2016-2020 còn quá khiên tốn khi chỉ đạt 3-5% tổng thu ngân sách địa phương.
Nhiều dự án tại khu trung tâm TP.HCM bị hủy bỏ do khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Quỳnh Danh.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc thu hồi mở rộng đất hai bên công trình theo đề án mới phê duyệt sẽ giúp TP.HCM giải được 2 bài toán cơ bản là có kinh phí cho Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi.
"Đề án mới của TP.HCM thực hiện theo tiêu chí tái định cư tại chỗ cho người dân, phần đất thừa sẽ đem đấu giá. Phần tiền đấu giá sẽ giúp thành phố có thêm kinh phí triển khai thực hiện việc quy hoạch lại hạ tầng, quyền lợi của người dân cũng được đảm bảo", ông Đặng Hùng Võ phân tích.
Phương án mới ngoài việc giúp thành phố mở rộng được đường còn giúp công tác quy hoạch 2 bên đường được khoa học hơn do có thêm không gian trống. Ông Võ đánh giá phương án này sẽ giúp thành phố tránh được những bất cập như nhà siêu méo, mất mỹ quan đô thị như thủ đô Hà Nội.
Phương án mới giúp quyền lợi người dân và lợi ích của Nhà nước được lồng ghép.
GS Đặng Hùng Võ
Bên cạnh đó, quyền lợi của người dân giáp mặt tiền cũ được đảm bảo khi được tái định cư tại mặt tiền đường mới khi nhận diện tích tái định cư tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm sau khi thực hiện dự án. Những người không ở mặt tiền đường được tái định cư tại chỗ lên chung cư ngay khu vực trước đây.
"Về nguyên tắc, phương án này giúp đảm bảo giá trị bồi thường là bình đẳng. Quyền lợi người dân và lợi ích của Nhà nước được lồng ghép, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng được giảm tải", nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nhận xét.
Ngoài ra, đề án mới được phê duyệt của TP.HCM còn có khả năng tạo sự đồng thuận lớn từ người dân khi phần đất dôi dư có thể giúp thành phố xây dựng những tiện ích, công trình công cộng như công viên, cải tạo cống thoát nước...
"Tuy nhiên, việc đảm bảo lợi ích từng hộ dân sẽ mất nhiều thời gian. Đơn vị thực hiện phương án này cầm mềm mỏng, xem xét vị trí từng thửa đất, hoàn cảnh từng hộ dân rồi mới đưa ra phương án cuối cùng, lấy ý kiến cộng đồng", GS Đặng Hùng Võ lưu ý.
Tránh được tham nhũng trong đất đai
"Với việc cần 2/3 hộ dân đồng thuận, sẽ khó xảy ra hiện tượng tham nhũng trong đất đai. Bởi, khi người dân cho ý kiến, họ đã nắm được những diễn biến tiếp theo, lợi ích mang lại không chỉ với mình mà với toàn bộ khu đất được thu hồi", ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Để đạt được kết quả này, ông Võ cho rằng đối với từng dự án, từng hộ dân phải được cung cấp đầy đủ thông tin về phương án thực hiện và hiệu quả mang lại. Một ban công tác cần được thành lập trong đó có đại diện người dân, chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và chuyên gia.
"Ban công tác này khi nắm được thông tin rõ ràng về phương án thu hồi đất sẽ đóng góp ý kiến việc thực hiện có ổn hay không. Vấn đề này nếu làm tốt, thể hiện sự tôn trọng người dân, tôi tin sẽ tránh được những bất cập không đáng có", Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định.
Theo ông Võ, một trong những vấn đề quan trọng là ban công tác phải làm việc một cách công tâm, không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Thành phần của ban công tác phải có những chuyên gia giỏi về quy hoạch để tránh sử dụng đất thiếu hiệu quả.
Với việc cần 2/3 hộ dân đồng thuận, sẽ khó xảy ra hiện tượng tham nhũng trong đất đai.
GS Đặng Hùng Võ
Ông Võ cũng chia sẻ phương án của TP.HCM không mới. Trước đây, Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị một số tỉnh Nam Bộ thực hiện theo đề xuất của TP.HCM. Trong đó, Trà Vinh là địa phương đã áp dụng thành công.
"Tại Trà Vinh, tôi có tham dự buổi lấy ý kiến, vận động người dân thực hiện một sự án. Khi nắm rõ hiệu quả và lợi ích mang lại, 100% người dân có mặt đã đồng thuận", nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nêu ví dụ.
UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, UBND TP nhận định hiện tại, thành phố không thể áp dụng giải pháp thuế để phân bổ giá trị đất tăng thêm do đầu tư hạ tầng mang lại. Giải pháp duy nhất có thể thực hiện là thu hồi đất rộng hơn hai bên hạ tầng, tái định cư tại chỗ cho người dân. Theo đó, mỗi người dân bị thu hồi đất hai bên đường nhận lại diện tính đất nhỏ hơn và tỷ lệ nghịch với giá trị đất tăng thêm do hạ tầng mới mang lại. Đất 2 bên hạ tầng và đất dôi dư được bán đấu giá để thu tiền phục vụ triển khai thực hiện. Phương án sẽ được phê duyệt khi 2/3 ý kiến cộng đồng dân cư bị thu hồi đất đồng thuận. Thiểu số còn lại sẽ lựa chọn ý kiến đồng thuận hoặc bị Nhà nước thu hồi đất theo quy định. |
-
Sức bật của bất động sản TP.HCM trong năm mới
Hành lang pháp lý là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp bất động sản yên tâm phát triển dự án.