So với thời điểm lên cơn "sốt", giá đất tại Ba Vì (Hà Nội) hiện đã giảm khoảng 30 - 40%, và hầu như không có giao dịch.
Một thời "nóng sốt"

Đất thuộc khu vực các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, thuộc huyện Ba Vì trong thời sôi động bán với giá cao ngất ngưởng. Hàng loạt nhà đầu tư đổ xô lên Ba Vì mua đất thổ cư, thậm chí đất nông nghiệp cũng bị "xẻ" bán với giá cao. Từ đầu làng tới cuối xóm, đâu đâu cũng bàn chuyện đất đai. Xe máy, ô tô từ các nơi đổ về, nhộn nhịp cả làng quê. Khi rò rỉ thông tin quy hoạch trung tâm hành chính Thủ đô sắp lên Ba Vì, ai cũng mong mua được đất tại đây, khiến giá đất đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, ngay sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được công bố, giá đất đã sụt giảm nhanh chóng, thị trường "đóng băng". Đây là bài học cho những nhà đầu tư "chạy trước quy hoạch".

Trong khoảng thời gian thị trường bất động sản (BĐS) Ba Vì "nổi sóng", giá đất tại một số khu vực như Vân Hòa, Tản Lĩnh, Yên Bài tăng 2 - 3 lần. Nếu như trước tháng 1/2010, giá đất khoảng 70 - 80 triệu đồng/sào, thì trong "cơn sốt" đã lên tới 250 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, nhiều nhà đầu tư đã "vỡ mộng" khi giá đất ở khu vực này tuột dốc. Từ chỗ có trong tay nhiều mảnh đất "vàng", nhiều nhà đầu tư đã "mắc kẹt" lại đây, nợ nần chồng chất. Hiện tại, đất tại Ba Vì được rao bán nhan nhản nhưng hầu như không có giao dịch. Hiện thị trường đang chào bán đất tại Yên Bài từ 1 - 2 triệu đồng/m2, giảm 3 - 4 triệu đồng/m2. Đất tại Tản Lĩnh còn 2 - 3 triệu đồng/m2. Khu vực Vân Hòa rao bán 1 - 2 triệu đồng/m2.
Mảnh đất ở Tản Lĩnh, Ba Vì rao bán đã lâu nhưng chưa có người mua. Ảnh: Khánh Hiền
Trở về giá trị thực

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Nam, Sàn Giao dịch BĐS trên đường 32 (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhận định: "Trước đây, giá đất khu vực ven đô liên tục bị đẩy lên cao hoàn toàn do giới đầu tư và những người dân địa phương lợi dụng thông tin về quy hoạch để thổi giá, còn thực tế giao dịch chỉ tăng thấp. Để thị trường đất ven đô, trong đó có Ba Vì sôi động trở lại, sẽ còn mất rất nhiều thời gian, không thể kỳ vọng 1 - 2 năm. Chỉ khi nào thị trường BĐS khu vực nội thành có chiều hướng đi lên, mới có thể vực dậy phần nào tại ngoại thành".

Nguyên nhân dẫn tới thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay không thể không nhắc tới yếu tố tâm lý, đầu tư theo xu hướng đám đông. Bên cạnh đó, thông tin về dự án và quy hoạch không rõ ràng, nhiều biến động càng khiến người mua "án binh bất động".

Theo các chuyên gia, về dài hạn 5 - 10 năm, khi hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, cơ sở dịch vụ phát triển, những mảnh đất ven đô có thể sẽ có giá trị sinh lời. Vì áp lực nợ nần, nhiều nhà đầu tư đang phải "cắt lỗ", bán những mảnh đất ở khu vực ven đô đã mua vào thời điểm "sốt" đất. Thời điểm này có lẽ là cơ hội tốt đối với lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường, khi kỳ vọng vào một thị trường BĐS sôi động trong tương lai.
Theo Thu Hiền - Thái San (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.