Quyết định số 1482/QĐ-UBND ngày 1/4/2010 của UBND thành phố Hà Nội đã kéo dài hơn 9 năm. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thu hồi
Qua tìm hiểu, được biết với lý do Quyết định này không còn hiệu lực, đặc biệt khi ra quyết định là chưa đúng quy trình thu hồi đất và thiếu căn cứ pháp lý.
Cụ thể, Trước khi UBND TP. Hà Nội ra Quyết định 1482/QĐ-UBND ngày 01/4/2010, trước đó UBND huyện Đông Anh đã ban hành liên tiếp 2 Thông báo gồm số 99/TB-UB ngày 26/5/2005 và Thông báo số 144/TB-UB ngày 5/8/2005.
Trong đó, Thông báo 144/TB-UB ngày 5/8/2005 có nội dung “kết luận một chiều về một sự việc không hề có trong thực tế”, khẳng định: “Việc xảy ra tranh chấp đất đai, trật tự xây dựng giữa một số công dân thôn Nghĩa Lại với gia đình bà Nguyễn Thị Hoà (Người được Công ty Công trình giao thông 1 tạm giao cho ở 1 gian nhà của cơ quan để trông coi) là do Công ty Công trình giao thông 1 buông lỏng quản lý, nhiều năm không sử dụng để cho các hộ ở nhờ tự ý xây dựng, vi phạm các quy định về quản lý đất đai và trật tự xây dựng”.
Cho phép Công ty này được “nhận toàn bộ tài sản nhà đất” tại Thửa đất số: 18; Tờ Bản đồ: 126, trên địa bàn xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
Sau đó UBND huyện Đông Anh kiến nghị UBND thành phố Hà Nội Quyết định thu hồi 1.622 m2 đất của Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 1, Hà Nội (tức thửa đất số 18 – Tờ bản đồ số 126 mang tên Hạt giao thông Đông Anh, trên địa bàn xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).
Lý do thu hồi đất được đưa ra là Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 1, Hà Nội sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước vi phạm điều 38 Luật đất đai.
Khi Quyết định số 1482/QĐ-UBND được đưa ra đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân
Tại buổi làm việc với ông Hoàng Anh - Chuyên viên Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT Hà Nội phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường được biết, riêng trường hợp của Công ty Công trình giao thông I, thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ, một trong những kết luận được Đoàn kiểm tra huyện Đông Anh đưa ra là: “Công ty Công trình giao thông I không cung cấp được hồ sơ pháp lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quyền sử dụng đất tại thôn Nghĩa Lại...”
Trong một diễn biến khác, theo ông Lê Hải Phong – Hạt giao thông Đông Anh cho biết: Ngày 16/2/2019, bà Vũ Thị Đông - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1, đã đến tại Hạt giao thông Đông Anh và tuyên bố với các hộ dân tại đây: “Đất đai là của Nhà nước, hiện nay Công ty đang xin các cấp để được thuê thửa đất này sử dụng 50 năm”.
Tuy nhiên, ông Phong khẳng định Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1, Hà Nội không có bất kỳ Giấy tờ, văn bản nào chứng minh Công ty này đang là chủ sở hữu của khu đất tại Hạt giao thông Đông Anh.
Một trong những vướng mắc dẫn đến Quyết định số 1482/QĐ-UBND ngày 1/4/2010 đến nay vẫn chưa thể thu hồi được, theo phản ánh của người dân Hạt giao thông Đông Anh là do trước khi ra Quyết định này UBND thành phố Hà Nội, cùng các Sở ngành liên quan chưa tiến hành quá trình tìm hiểu, xác minh thông tin, gặp gỡ và trao đổi với các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi.
Theo người dân nơi đây Quyết định số 1482/QĐ-UBND ngày 1/4/2010 là chưa đúng quy trình thu hồi đất và thiếu căn cứ pháp lý
Bà Nguyễn Thị Định và bà Nguyễn Thị Hoà – Hạt giao thông Đông Anh cho biết, toàn bộ diện tích 1.692m2 đất ở tại Thửa đất số: 18; Tờ Bản đồ số: 126, trên địa bàn xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh của chúng tôi là tài sản nhà đất hợp pháp, không có nguồn gốc từ “Nhà nước giao đất” hay “Đất mượn”; Và số tiền đã trả cho UBND xã Uy Nỗ với số tiền là “1.000 đồng” từ năm 1965, cũng không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (tức là: Tài sản không thuộc sở hữu Nhà nước và đã có nghĩa vụ đối với Nhà nước từ năm 1965).
Do đó, việc Công ty sửa chữa cầu đường ngoại thành đã tuyên bố công khai tặng cho chúng tôi (là cán bộ công nhân viên của Công ty) toàn bộ tài sản nhà đất tại Hạt giao thông Đông Anh vào thời điểm năm 1976 là không trái với pháp luật và đạo đức xã hội, thể hiện rõ ý chí của chủ sở hữu trong việc thực hiện quyền định đoạt đối với chính tài sản của mình;
Chúng tôi đã nhận tài sản (nhà ở trên khuôn viên 1.692m2 đất ở), vẫn liên tục quản lý, sử dụng, xây dựng nhà ở và không tranh chấp từ đó đến nay là hoàn toàn phù hợp với pháp luật giao dịch dân sự về nhà ở tại Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội ngày 20/8/1998.
Theo đó tại Điểm a khoản 2 Điều 07 Nghị Quyết quy định V/v: “Gải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991” như sau: “a) Nếu bên được tặng cho đã nhận nhà ở, thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của bên được tặng cho và bên được tặng cho phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu”.
Đặc biệt theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 và 2013 cho biết: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 (kể cả là đất lấn chiếm), mà không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở đã được xét duyệt, thì được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận.”.
Từ năm 2005, đến nay khu nhà ở tai Hạt giao thông đã bị xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào
Các hộ dân còn cho biết, chúng tôi có hộ khẩu thường trú và ở ổn định từ năm 1974 đến nay trên khu đất Hạt giao thông Đông Anh, đồng thời không tranh chấp với tập thể, cá nhân nào và phù hợp với luật đất đai đã quy định.
Đặc biệt, khu nhà ở của chúng tôi đã bị xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Hơn nữa năm 2005 một số người dân của thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh kéo nhau ra phá nhà ở và chiếm đoạt 88 m2 đất để xây dựng nhà trái phép, cho đến nay vẫn ngang nhiên tôn tại và chưa được chính quyền địa phương xử lý.
Bởi vậy, 6 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu tại Hạt giao thông Đông Anh đã liên tục có đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Người dân chúng tôi kính mong UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các hộ dân được ổn định cuộc sống.