Thời gian qua, HĐND thành phố đã tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, nhiều bất cập đã bộc lộ.

Ví dụ, theo báo cáo của Sở TN-MT, từ năm 2009 đến nay, cơ quan này đã thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 81 tổ chức, trình UBND thành phố xử phạt với tổng số tiền tới gần 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lập hồ sơ đề nghị thành phố thu hồi đất của 29 tổ chức được giao dự án nhưng chưa thực hiện hoặc chậm triển khai. Tuy nhiên, trong số 29 dự án này, hiện mới chỉ thu hồi được 15 dự án. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã đề nghị thu hồi đất của 11 tổ chức khác với tổng diện tích lên tới trên 8,1 triệu mét vuông…

Một ví dụ khác, qua giám sát thực tế tại Phú Xuyên, lãnh đạo UBND huyện thừa nhận: Bốn năm gần đây trên địa bàn xảy ra 235 trường hợp lấn chiếm đất đai với tổng diện tích vi phạm trên 65.000m2; có 7 dự án lấn chiếm đất công; 6 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích; 50/98 dự án chưa làm cam kết về bảo vệ môi trường; 38/98 dự án xây dựng không đúng hồ sơ ban đầu và 11 trường hợp không làm tròn nghĩa vụ tài chính với Nhà nước… Còn theo Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Nguyễn Thị Thu Hà, trên địa bàn còn nhiều dự án không triển khai được dù chính quyền đã ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án có diện tích hơn 13ha nối giữa Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính với đường Vành đai 3. Ngoài ra còn 3 dự án khác chậm được triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó ô đất nhỏ nhất cũng có diện tích gần 1ha…

Lại một ví dụ khác. Ngày 5-9, báo cáo của đoàn giám sát, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, cơ quan này đã trình UBND thành phố xử lý, thu hồi 61 cơ sở nhà ở, đất sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, với tổng diện tích là 34.600m2 đất và 34.700m2 nhà. Đặc biệt là nhiều khu đất vàng thuộc diện sở hữu nhà nước ở những vị trí đắc địa được các đơn vị thuê với giá khoảng 80.000 đồng/m2 nhưng đã sử dụng không đúng mục đích hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê lại với giá hàng trăm triệu đồng…

Sơ sơ vài ví dụ với những con số cụ thể như đã nêu có thể thấy những tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công hiện nay. Trước hết là những lỗ hổng trong công tác quản lý cùng vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các ngành chức năng và từng cấp chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở đối với công tác này. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền cơ sở trong công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ, nếu không muốn nói là lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm. Không ít địa phương cho rằng, dự án của cấp nào thì cấp đó phải có trách nhiệm quản lý mà không nhận thấy trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở đối với các dự án trên địa bàn. Từ đó, đơn giản nhất là số liệu về cấp phép sử dụng đất, giao đất, quản lý quỹ đất các dự án chậm triển khai… giữa các sở, ngành với chính quyền cơ sở còn "vênh" nhau. Đặc biệt mới chỉ có 12/21 tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước với 1.100/2.360 cơ sở thực hiện kê khai việc thuê nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước… Và một số vấn đề nữa không thể không nhắc tới, đó là những bất cập về cơ chế, chính sách hiện nay trong phân định trách nhiệm của từng cấp, ngành; về mức giá cho thuê nhà, đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước; về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

Nếu không giải quyết đồng bộ những vấn đề trên thì rõ ràng không thể phát huy được hết lợi thế "tấc đất, tấc vàng" tại Hà Nội. Và đất đai vẫn là "chùm khế ngọt" để không ít người "trèo hái"! Và mỗi ngày qua đi, nguồn lực đó không phát huy được hiệu quả trong phát triển xã hội mà chỉ đem lại lợi ích cục bộ cho từng cá nhân hoặc những nhóm người nhất định.
Thái Sơn

Theo Thái Sơn (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.