Quyết định thu hồi trên giấy, còn hiện thực?...
Chúng tôi về huyện Đan Phượng tìm hiểu về việc thu hồi 1.500m2 đất của Công ty TNHH Kĩ thuật chính xác Ngọc Đức (thu hồi năm 2011), đã không nhận được sự giúp đỡ từ Văn phòng UBND huyện và Ban quản lí cụm công nghiệp Đan Phượng. May sao người bảo vệ chỉ cho lô đất bỏ hoang đầy cỏ dại, là 1.500m2 của Công ty TNHH Ngọc Đức bị thu hồi theo Quyết định số 2125/QĐ-UBND ngày 12-5-2011 của UBND thành phố, nhưng nay mang tên Công ty TNHH Kĩ thuật Chin Lan Shing Ruber Hà Tây.
Trước một ngày Hà Tây có Quyết định sáp nhập về Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định số 2979/QĐ-UBND ngày 28-7-2008, giao 803 ha đất thuộc 6 xã trong huyện cho Tập đoàn Nam Cường xây dựng Khu đô thị Thạch Thất, đổi lại, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng tuyến đường giao thông cho tỉnh. Thế nhưng Tập đoàn Nam Cường đã không đủ sức để thi công con đường đổi đất lấy hạ tầng, vì thế khu đô thị Thạch Thất vẫn chỉ nằm trên giấy. Ngày 12-9-2012 UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định 4039/QĐ-UBND thu hồi dự án này. Người dân phản ánh hiện Tập đoàn Nam Cường còn nhiều dự án bỏ đất hoang sử dụng sai mục đích chưa bị thu hồi.
Dự án bỏ hoang, người dân lên tiếng
Trong các quyết định giao đất UBND thành phố Hà Nội đều nêu rõ: “Nếu giao đất trong vòng 12 tháng bỏ đất hoang và chậm tiến độ 24 tháng so với kế hoạch, sử dụng trái mục đích thì Sở Tài nguyên và Môi trường làm tờ trình để UBND thành phố ra quyết định thu hồi”, vậy mà đến nay nhiều dự án bỏ hoang còn “lọt lưới”. Điển hình là ba dự án của Công ty CP Tư vấn đầu tư dự án quốc tế ICC, được giao trên 17.320m2 đất, theo các Quyết định 8631, 9603, 5461 ngày 17-12-2002, 29-12-2004 và 22-10-2009, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn và Vũ Hồng Khanh kí, giao đất tại dự án số 2-4 Đội Nhân, quận Ba Đình; 317 Trường Chinh, quận Thanh Xuân và xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Công ty ICC được giao các dự án trên để xây trụ sở, khu siêu thị, văn phòng giao dịch và nhà ở bán. Việc giao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tư nhân (Công ty ICC), không đấu giá quyền sử dụng đất, gây thất thoát nhiều nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Hiện ba dự án này đất bỏ hoang từ 4-10 năm, sử dụng trái mục đích, (biến thành nơi trông giữ xe ô-tô, bán hàng) nhưng không bị thu hồi. Năm 2006, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định hủy các quyết định giao 28,38 ha đất tại Hòn Rớ II, vì Công ty ICC bỏ đất hoang, báo chí đã cảnh báo về việc UBND thành phố Hà Nội “gửi trứng cho ác”, thế nhưng bao lần rà soát, dự án của Công ty ICC vẫn lọt lưới, không hiểu do bàn tay ai che chắn? Hay vì ông Vũ Văn Hậu và ông Vũ Hồng Khanh chính là một trong những người đã kí trình, kí giao đất nên không thể ra quyết định thu hồi? Các cổ đông sáng lập của Công ty ICC và cả kẻ giết người Hoàng Kim Đồng trong vai Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty ICC, đã được “lãnh đạo thành phố tin” giao ba dự án với trên 17.320m2 đất, nay sứ mệnh xin đất đã xong, họ đã bán hết cổ phiếu ra khỏi Công ty ICC từ tháng 10-2010, thực chất là đã bán xong các dự án cho chủ nhân khác.
Dự án Làng nghề Triều Khúc mọc lên nhiều biệt thự
Làm việc với phóng viên Báo Người cao tuổi ngày 12-11-2012, ông Nguyễn Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, làng nghề Triều Khúc là một trong chín dự án trọng điểm của UBND thành phố Hà Nội. Việc GPMB bán đấu giá các lô đất trong dự án và xây dựng hạ tầng thuộc Ban quản lí dự án huyện Thanh Trì. Xã Tân Triều có tốc độ đô thị hóa nhanh, có 31 dự án thu hồi 130ha/180ha, đất canh tác còn lại hiện không có điều kiện sản xuất. Vì vậy nguồn thu nhập nông nghiệp của toàn xã chỉ chiếm 3% tổng giá trị thu nhập, nguồn sống chính của người dân dựa trên sản xuất ngành nghề và dịch vụ kinh doanh. Dự án nhằm giúp địa phương phát huy làng nghề, giải quyết việc làm cho 2.000 - 3.000 lao động, là mơ ước của người dân, thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp.
Biệt thự trong làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Dự án thu hồi hơn 10 ha đất từ năm 2004, có 66 hộ dân và các công ty, HTX thủ công nghiệp trúng thầu 80 lô đất. Ngày 24-7-2012, UBND xã Tân Triều ra Thông báo số 209 về kết quả kiểm tra quản lí sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường và chấp hành nghĩa vụ thuế với Nhà nước tại cụm sản xuất làng nghề tập trung Tân Triều, nêu rõ: “Các tổ chức và cá nhân để đất trống còn lớn chiếm tỉ lệ trên 50% diện tích đấu giá, vi phạm Điều 38 Luật Đất đai năm 2003. Các trường hợp chuyển nhượng đất đai của các cá nhân trúng đấu giá là do thiếu vốn đầu tư, trong số đó “chuyển nhượng” cho nhiều người không có hộ khẩu thường trú tại xã Tân Triều là vi phạm quy chế đấu giá và việc chuyển nhượng sử dụng đất dưới hình thức hợp đồng ủy quyền cho các chủ sử dụng đất là vi phạm Điều 114 Luật Đất đai năm 2003. Hiện 60 - 70% số hộ xây dựng không đúng so với giấy phép được cấp về mật độ và mục đích sử dụng đất”.
Theo Quyết định 7316/QĐ-UBND ngày 1-11-2004 của UBND thành phố thu hồi 105.777m2 của 165 hộ dân xã Tân Triều, dự án chia 80 lô đất đấu giá, 78 lô trúng thầu được UBND huyện ra quyết định công nhận, nhưng danh sách chỉ thể hiện 76 lô vậy 4 lô biến đi đâu? Theo danh sách những người trúng thầu có hộ ông Cao Duy Hiền xóm Chùa (lẻ) thôn Triều Khúc, trúng hai lô S11 và S12, nhưng sơ đồ lại có hai lô cùng mang kí hiệu (S5-12/47.5/505,7). Vậy còn lô S12 (kép) ai trúng thầu? Ông Cao Duy Hiền người có tên trong danh sách trúng thầu, cũng là màn kịch được dựng lên, còn thực tế ngày 12-10-2012 ông Hiền có bản xác nhận “Khẳng định gia đình tôi không có nhu cầu, không có trong danh sách tham gia đấu giá đất khu làng nghề Triều Khúc”. Vậy ai đã đứng tên ông Hiền để được trúng thầu lô S11 và S12. Vụ việc vỡ lở có cán bộ xã đánh tiếng đến nói, nếu ông Hiền đồng ý để tên ông trong danh sách trúng thầu thì ông sẽ được tặng riêng một lô đất (chắc là lô S12 kép), nếu ông không lấy đất thì ông sẽ được nhận vài tỉ đồng tiền chênh lệch giá. Từ vụ việc của ông Cao Duy Hiền cho thấy, trong số 80 lô đất hiện còn 6 lô đất ẩn danh (2 lô mang tên ông Hiền), được làm quà tặng hay đất nhà quan? Người dân bất bình vì những lô đất dành cho sản xuất dệt, nhuộm, sơ chế, lông vũ… lại biến thành những biệt thự và nhà ở.
Nhà ông Th. bán đất trong làng ra mua đất và xây dựng nhà ở trên diện tích 250m2, liền kề nhà ông còn 250m2 của hai chủ hộ đã mua, nay muốn bán lại với giá 16 triệu đồng/m2. Chị Nguyễn Thị Thủy mua 309m2 xây biệt thự (trên lô đất 1.199m2 D10-9 chủ lô đất trúng thầu là Phạm Văn Hùng) đã được Công ty đo vẽ bản đồ về đo, chia cho các chủ Nguyễn Thị Thủy, Vũ Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thủy, Đặng Sĩ Hùng, Nguyễn Bích Thủy, Nguyễn Văn Hùng và Trần Phi Long.
Theo các cò đất ở khu vực này, thời điểm “sốt” họ đã bán tới 27 triệu đồng/m2 giờ thì đòi đúng giá 16 triệu đồng/m2. Một lô đất khác 500m2 cũng được cò đất đưa chúng tôi đi giới thiệu, đòi đúng 12 triệu đồng/m2.
Những ai được trúng thầu 2 lô đất?
Theo danh sách trúng thầu ngoài một số công ty có 11 hộ được trúng thầu hai lô từ 1.000 đến 2.277m2. Theo ông Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Triều thì một số hộ này không đủ vốn đầu tư đã giao dịch liên kết với các chủ mới. Trong số này, có ông Phạm Văn Hùng đã chuyển nhượng (bán) cho bảy chủ mới. Một số hộ không có nhu cầu làm nghề cũng trúng thầu như gia đình ông Triệu Đình Linh (có vợ là bà Vân cán bộ xã), hiện chủ đang ở lô đất này, không phải là gia đình ông Linh. Sự mua đi bán lại đất đai ở dự án làng nghề Triều Khúc diễn ra nhiều năm nay, dưới chiêu bài chuyển nhượng quyền sử dụng và liên doanh liên kết, thì những người trúng thầu cũng thu nhiều tỉ đồng lợi nhuận. Do có sự chuyển nhượng, chia nhỏ đất đai nên 70% số hộ xây dựng dù có giấy phép vẫn sai phạm vì đã biến hồ sơ xin xây dựng nhà xưởng, thành biệt thự.
Sai phạm mua bán và xây dựng không đúng giấy phép bỏ đất hoang tại cụm làng nghề Triều Khúc đang nhức nhối ở địa phương. Đề nghị cơ quan Công an điều tra vụ việc tham nhũng đất đai tại dự án này
-
Kì 1: Đất đai Hà Nội, “miếng da lừa” theo các dự án treo
Các dự án "treo" để hoang trong nhiều năm qua, chính là nguyên nhân gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây khiếu kiện kéo dài, tiếp tay cho tham nhũng, giảm lòng tin của nhân dân với chính quyền.