Từ năm 2008 đến nay, TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 45 dự án và đang tiếp tục rà soát trên 100 dự án để thu hồi những dự án bỏ đất hoang, sử dụng trái mục đích, bàn giao cho Trung tâm phát triển Quỹ Ðất thành phố, sử dụng vào mục đích công cộng, xây dựng trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe ô-tô, bệnh viện...
Từ 5,2 triệu / m2 đến 45 dự án với hàng nghìn ha đất bỏ hoang, sử dụng trái mục đích bị thu hồi
Dẫu biết, cứ mất đi 1ha đất nông nghiệp sẽ kéo theo hơn 10 nông dân thất nghiệp và đất đai Hà Nội có giá trị cao gấp nhiều lần các địa phương khác, nhưng vì sự phát triển Thủ đô, người dân đã giao đất cho các dự án. Thật đau lòng, hơn 10 năm qua có cả trăm dự án, hàng nghìn ha đất bị bỏ hoang, trong đó có hàng chục dự án đã được thu hồi, tuy nhiên vẫn còn hàng chục dự án, với nghìn ha đất chưa bị phát giác, chưa bị thu hồi vì rất nhiều lí do. Việc sử dụng đất công sai mục đích, lãng phí là một trong những nguyên nhân khiếu kiện kéo dài ở Thủ đô.
Trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, theo thông báo tại cuộc họp HĐND thành phố tháng 4-2008, Hà Nội đã thu hồi hơn 4/5,1 triệu m2 đất thuộc diện này mà nhân dân tố cáo chưa thấy trong danh sách thu hồi của thành phố. Sau có thêm các dự án từ Hà Tây cũ chuyển về và dự án mới do UBND thành phố Hà Nội cấp, con số này còn “đội lên” hơn nhiều. Đến nay, Hà Nội đã thu hồi đất tại 45 dự án, riêng năm 2012 đã ra quyết định thu hồi 8 dự án trong đó có dự án "Xây dựng khu đô thị Thạch Thất", giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường từ năm 2008, diện tích hơn 803 ha trên địa bàn 6 xã. Theo ông Trần Anh Dũng, Chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã có hơn 100 dự án nằm trong danh sách bị rà soát kiểm tra, con số này còn tăng.
Các dự án đất bỏ hoang ở Hà Nội. |
Nguồn gốc của các dự án giao đất bỏ hoang, sử dụng lãng phí, sử dụng sai mục đích
Hà Nội là một trong số các địa phương có diện tích đất bỏ hoang và các dự án "treo", các dự án chậm triển khai theo kế hoạch đứng đầu cả nước. Cùng với việc lập hồ sơ đề nghị thu hồi đất của các dự án vi phạm Luật Đất đai ở các huyện ngoại thành, Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiểm tra, lập hồ sơ các khu đất "vàng" bị bỏ hoang trên địa bàn Thủ đô để thu hồi trong thời gian tới. Danh sách này đã chỉ tên các "đại gia" ngân hàng và xây dựng như Vietcombank, Vinaconex, Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Hacinco… Những khu đất "vàng" trên đường Lê Văn Lương, đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân); phố Đội Nhân (quận Ba Đình); đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy); khu đô thị Mỹ Đình II, khu đô thị Mễ Trì Hạ (Từ Liêm), đất ở Tây Hồ… bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích cũng đã bị chỉ mặt. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, kiểm tra 32 khu đất của 23 chủ đầu tư ở bốn quận, huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm thì có 19 khu đất diện tích 309.368m2 đang bị bỏ hoang, 10 khu đất gần 159.328m2 chủ đầu tư sử dụng sai mục đích chuyển làm sân bóng đá, bãi đỗ xe, ga-ra sửa xe ô-tô, thu gom phế liệu, quán ăn...
Ở các nông, lâm trường, UBND, HTX nông nghiệp, tình trạng sử dụng sai mục đích, để đất hoang, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng, xây dựng trái pháp luật diễn ra phức tạp, nhức nhối kéo dài, khó xử lí. Hầu hết hồ sơ nguồn gốc đất của các nông lâm trường, thiếu chính xác, chênh lệch lớn giữa diện tích thực tế quản lí với diện tích được giao. Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì chênh lệch 169 ha; Xí nghiệp chè Lương Mỹ 110,3 ha; Công ty Cổ phần Chè Long Phú hơn 45 ha... Không chỉ không nắm đúng diện tích thực đang quản lí với diện tích được giao, các nông, lâm trường còn tự động chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điển hình như Công ty Cổ phần Giống gia cầm Ba Vì tự ý giao 20,81 ha đất cho các hộ gia đình sử dụng làm nhà ở, làm vườn và kí hợp đồng có thu tiền giao đất cho một số tổ chức thuê với thời gian 30 năm. Trạm Nghiên cứu và Sản xuất tinh đông lạnh Môn-ca-đa tự chuyển đổi mục đích 20,48 ha đất nông nghiệp giao cho 209 hộ làm nhà, vườn. Công ty Giống gia súc Hà Nội cho Công ty CP Chiến Thắng thuê hơn 5,8 ha từ năm 2006-2016, v.v
Nông trường, trạm, trại thì như vậy, quỹ đất công của các địa phương cũng sử dụng sai trái. Khi giao ruộng cho nông dân theo Nghị định 64, Hà Nội dành quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích 5%, tổng diện tích khoảng 13.858 ha. Thực tế nhiều quận, huyện để quỹ này gấp 2 lần quy định. Cụ thể: Huyện Chương Mỹ để 1.677ha, chiếm 13,8%; huyện Mỹ Đức 1.183ha, chiếm 11,78%, Ứng Hoà 1.469 ha, chiếm 11,5%; Mê Linh 956 ha, chiếm 10,61%...
Trong số này có trên 80 ha đất bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lấn chiếm. UBND nhiều xã đã bán, cho thuê không đúng đối tượng và thời gian thuê đất, vi phạm Luật Đất đai 2003. Một số diện tích bị địa phương tự ý cho thuê, chuyển làm nhà xưởng, nhà kho, văn phòng giao dịch, nhà ở... kéo dài nhiều năm, chưa được xử lí kiên quyết, triệt để. Một số diện tích khác để hoang hóa, không sử dụng, bị lấn chiếm, gây lãng phí, có biểu hiện sai phạm kinh tế... Kết quả kiểm tra tại 3 xã Tân Triều, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ UBND xã cho thuê đất trái thẩm quyền, trái Điều 37 Luật Đất đai.
Quyết tâm của chính quyền...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định quyết tâm của thành phố sẽ thu hồi các cơ sở nhà, đất công cho thuê, sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả để xây dựng trường học và các công trình công cộng. Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, để xử lí nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, các quận, huyện, phải tiếp tục kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đối với các dự án đã giao cho chủ đầu tư. Đặc biệt chú ý các dự án đã GPMB, có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng đến nay đã quá thời hạn 12 tháng theo quy định của Luật Đất đai và 24 tháng theo kế hoạch được phê duyệt; không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đất sử dụng sai mục đích. Ông Vũ Văn Hậu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ : Thành phố không e ngại đối với bất cứ dự án nào vi phạm Luật Đất đai hay không còn phù hợp quy hoạch.
Đó là quyết tâm của các nhà lãnh đạo Hà Nội, còn các quyết định thu hồi đất giao cho các chủ đầu tư, cũng có các điều khoản ghi rõ nếu chủ đầu tư bỏ đất hoang sau 12 tháng được giao mặt bằng, chậm triển khai sau 24 tháng theo kế hoạch được phê duyệt thì Sở Tài nguyên và Môi trường làm tờ trình báo cáo UBND thành phố ra quyết định thu hồi…
Tuy nhiên, có những dự án được nhân dân phát giác, nằm trong diện thu hồi, nhưng chưa thấy lãnh đạo thành phố đưa ra chính kiến. Phải chăng ở dự án đó do thành phố đã chọn lầm chủ đầu tư, vì lợi ích nhóm, hay vì chủ đầu tư giả mạo giấy tờ, chạy sân sau, để được giao dự án? Những người có trách nhiệm của TP Hà Nội đã để xẩy ra tình trạng đất bỏ hoang, dùng sai mục đích vẫn chưa thấy ai bị xử lí?