Đó là nghịch lý xảy ra từ khi dự án tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi (ĐN- QN) triển khai ở địa bàn H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) từ nhiều năm nay. Theo Quyết định số 2970, ngày 13-7-2018 của UBND TP Đà Nẵng về việc "Phê duyệt giá trị hỗ trợ cho các hộ có đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng thi công dự án đường cao tốc ĐN-QN tại xã Hòa Tiến và Hòa Nhơn năm 2018", tổng diện tích được hỗ trợ 238.288,8 m2, với mức hỗ trợ 3.000 đồng/1m2.

Kèm theo quyết định này là danh sách hàng trăm hộ dân ở các thôn của xã Hòa Tiến, Hòa Nhơn được nhận tiền hỗ trợ trên diện tích đất nông nghiệp không còn có thể sản xuất được do ảnh hưởng dự án đường cao tốc ĐN- QN.

Đất nông nghiệp bỏ hoang hóa do ảnh hưởng dự án đường cao tốc ĐN- QN ở Hòa Nhơn (H. Hòa Vang).

Ông Trần Văn Thu- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết: Trước đó, từ năm 2016, qua kiểm tra, rà soát và tổng hợp diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được do thi công dự án đường cao tốc ĐN- QN và các khu tái định cư (TĐC) phục vụ cho dự án đường cao tốc trên địa bàn xã Hòa Nhơn, tổng diện tích đất không sản xuất được là 23,99 ha.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của UBND xã, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt hỗ trợ theo Quyết định số 8966 ngày 26-12-2016. Cũng vẫn những diện tích đất nông nghiệp như trên, năm 2017, UBND TP tiếp tục có Quyết định ngày 20-6-2017, hỗ trợ gần 668 triệu đồng trên diện tích 239.895,9 m2, và đến năm 2018 này lại tiếp tục hỗ trợ như đã nói trên, trong đó có phát sinh thêm hơn 26.790m2 đất nông nghiệp ở xã Hòa Tiến...

Từ thực tế trên, có thể nói đây là một nghịch lý, bởi trong 3 năm qua, hàng chục héc-ta đất nông nghiệp liên quan đến đời sống của hàng trăm hộ dân bị bỏ hoang do không sản xuất được, nhưng hàng năm thành phố vẫn phải hỗ trợ hàng tỷ đồng kinh phí để người dân ổn định cuộc sống.

Đất nông nghiệp bỏ hoang hóa 10 năm nay do ảnh hưởng các mỏ khai thác đất đá, chế biến vật liệu ở các thôn Phước Hậu, Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang).

Ông Thu cho biết, trước tình trạng trên, UBND H. Hòa Vang và xã Hòa Nhơn đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam bàn biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, cũng chỉ khắc phục được một phần rất nhỏ diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang bằng biện pháp cải tạo, khơi thông lại hệ thống kênh mương để có nước tưới tiêu cho người dân canh tác, sản xuất.

Còn lại hầu hết diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng không thể cải tạo được, do bị bồi lấp mặt ruộng, hoặc cốt cống thoát nước đường cao tốc cao hơn mặt ruộng gây ngập úng không thể sản xuất được. Địa phương cũng tìm tòi, nghiên cứu đưa ra nhiều phương án giúp người dân có thể cải tạo những diện tích bị bỏ hoang lâu nay như chuyển đổi cây trồng, nuôi thủy sản cá, tôm... nhưng cũng đành "bó tay" vì không phù hợp.

Cách duy nhất là chỉ còn có thể trồng cây nguyên liệu keo lá tràm, nhưng cũng khó vì diện tích đất hoang hóa không tập trung, mỗi nơi một ít, mỗi xứ đồng vài khoảnh, mỗi thôn vài sào... trong khi đất chưa được nhà nước cho chuyển đổi mục đích sử dụng vì trái với pháp luật đất đai. UBND các xã Hòa Nhơn, Hòa Tiến đã đề xuất UBND H. Hòa Vang, UBND TP Đà Nẵng xem xét thu hồi các diện tích đất bị bỏ hoang nói trên, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết mà mới chỉ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho người dân.

Không chỉ hàng chục héc-ta đất nông nghiệp bỏ hoang hóa do ảnh hưởng dự án đường cao tốc ĐN- QN, trên địa bàn xã Hòa Nhơn còn có tới hơn 50 ha đất nông nghiệp cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang hóa do ảnh hưởng từ các dự án, công trình, các mỏ khai thác chế biến đất đá, vật liệu khác. Ông Trần Văn Thu thống kê, diện tích đất toàn xã 11 km2, có tới 2/3 diện tích bị ảnh hưởng từ các dự án đang triển khai, quy hoạch và có chủ trương quy hoạch...

Tại thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn), ông Lê Văn Tuân-Trưởng thôn cho biết, toàn thôn có 195 hộ gia đình, cách đây 10 năm, thôn có hơn 40 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng từ khi các doanh nghiệp tập trung về khai thác đất, đá, chế biến vật liệu, hầu như toàn bộ diện tích đất đã bị vùi lấp, hệ thống kênh mương dẫn nước thủy lợi bị phá hư hỏng, chặn hoàn toàn nguồn nước.

Cả thôn hiện chỉ còn khoảng 10 ha đất nông nghiệp có thể sản xuất được một vụ Đông Xuân nhờ nguồn nước trời nên đời sống người dân vô cùng khó khăn. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang từ 3 năm nay, người dân cũng chỉ nhận được tiền hỗ trợ của 7 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, với mức kinh phí 1,2 triệu đồng/1 sào đất mỗi năm.

Ông Tuân lo lắng, hiện nay các doanh nghiệp đều đã sắp hết thời hạn khai thác, chế biến theo giấy phép, như vậy cũng đồng nghĩa là người dân không còn nhận được tiền hỗ trợ. Theo ông Tuân, UBND H. Hòa Vang, UBND TP Đà Nẵng cũng cần nhanh chóng xem xét thu hồi các diện tích đất bỏ hoang hóa nói trên, chuyển đổi mục đích sử dụng để người dân chuyển đổi hướng làm ăn, ổn định cuộc sống. Sát thôn Phước Thuận, thôn Phước Hậu có gần 20 ha đất nông nghiệp rơi vào tình trạng tương tự.

Có thể khẳng định, đất nông nghiệp bỏ hoang hóa ở nhiều địa phương Hòa Vang hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh trong đời sống người dân. Đây là vấn đề chính quyền và ngành chức năng Đà Nẵng cần khẩn trương xem xét, giải quyết.

Hồng Thanh (CAĐN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.