11/03/2013 9:12 PM
Một trong những nội dung được cho là “nóng” trên thị trường tuần qua, là đề xuất đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HORea).
Theo như một sô liệu không chính thức, hiện có 80% các sổ tiết kiệm hiện tại
trong hệ thống ngân hàng là dưới 50 triệu đồng

Từ văn hóa lắng nghe

Sau khi được gửi đến các cơ quan chức năng và báo giới, kiến nghị của HORea -mà người đứng ký tên bản kiến nghị là ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoRea với nội dung đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm, với khoản gửi tiết kiệm trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, nhằm nắn dòng tiền đi vào sản xuất kinh doanh đã nhận được sự phản hồi nhiệt tình của dư luận. Nếu đi vào thực chất vấn đề, đến thời điểm hiện nay, ông Châu đã hứng chịu cả… “xe tải đá” vì đề xuất này. Đây cũng là phản ứng không quá khó hiểu khi trong cuộc sống, bởi người dân đã và đang luôn phải nộp rất nhiều thứ thuế, phí của nhà nước.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận bình tĩnh thì có lẽ kiến nghị này chưa đáng phải hứng chịu búa rìu dư luận như vậy. Bởi, người/ tổ chức đứng ra kiến nghị trên thực tế không hẳn đã được lợi lộc gì. Trong Công văn số 12 gửi Chính phủ và các bộ, ban ngành ký ngày 26/2/2013, chúng tôi không tìm thấy bất cứ dòng nào nói về vấn đề nắn dòng tiền để người dân phải mua BĐS, nhằm cứu BĐS. Bản thân ông Lê Hoàng Châu, trong rất nhiều bản kiến nghị đã ký gửi lên nhà nước, Chính phủ trước đây và ngay cả qua trao đổi với báo giới, cũng chưa bao giờ sử dụng cụm từ Chính phủ phải “giải cứu” BĐS bằng mọi giá. Ông khá tỏ ra công bằng trong mọi kiến nghị với nỗ lực và mong muốn có một sự công bằng, hợp lý trong các chính sách dành cho DN, lẫn người mua BĐS, nhưng ông cũng đặt mọi vấn đề trên cái lợi ích chung của toàn nền kinh tế. Giả dụ, nếu không có chuyện như vậy và nếu có chuyện ông Châu trước nay hô hào giải cứu BĐS, vì lợi ích của thị trường BĐS, thiết nghĩ, xét cương vị của Chủ tịch một Hiệp hội BĐS tại một khu vực, hẳn đó lại cũng là điều dễ hiểu và người đón nhận các hô hào cũng nên công tâm xem đó là chuyện đương nhiên mà ông phải làm. Sau đó, mới nói chuyện các kiến nghị của ông có đáng cân nhắc, bàn thảo, đúng sai… hay không.

Năm 2013, Quốc hội chính thức công bố Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để lấy ý kiến của quần chúng nhân dân trong thời gian 3 tháng. Một trong những cam kết của Quốc hội là cam kết là “lắng nghe tất cả các ý kiến, kể cả trái chiều. Không có vùng cấm kị kể cả Điều 4. Các góp ý đều sẽ được trân trọng, lắng nghe, phản ánh, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình…”. Đối với một việc lớn tầm cỡ Quốc gia và có thể có nhiều nội dung dễ “phạm đến vùng cấm” mà Quốc hội vẫn sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến, thì với một thị trường tài chính hay một thị trường BĐS, việc DN, hay đại diện Hiệp hội DN nào đó đưa ra ý kiến của mình, liệu chúng ta có nên lấy văn hóa tôn trọng ý kiến, trước hết như ý kiến của một công dân, để đón nhận. Sự thành tâm trong góp ý thay cho mọi lời chỉ trích hẳn sẽ khiến nhiều người tự tin để đưa ra các kiến nghị của mình hơn, hơn là dội nước lạnh chỉ trích. “Chỉ trích một người là việc không khó. Vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào” – Nguyên tắc đầu tiên của Nghệ thuật “Đắc nhân tâm” đối với đời sống và văn hóa ứng xử của con người Việt Nam, hình như đang là điều xa xỉ ?

Hãy phân tích ở góc độ phản biện xây dựng

Không phải ai trong số chúng ta, những người đang lao động, hay những người lao động nghỉ hưu có nổi món tiền 1 tỷ đồng để gửi tiết kiệm ?

Ông Lê Hoàng Châu có thể chưa đúng trong các đạo lý đánh thuế hay nguyên tắc điều tiết chính sách tiền tệ..., nhưng hẳn ông không sai khi mong muốn chúng ta có một cân nhắc về việc đánh thuế giữa người giàu với người nghèo, khi tỉ lệ thu nhập giàu – nghèo của xã hội VN cũng đang ngày càng nới rộng khoảng cách.

Theo như một số liệu không chính thức, hiện có 80% các sổ tiết kiệm hiện tại trong hệ thống ngân hàng là dưới 50 triệu đồng (tức chỉ có 20% sổ tiết kiệm có giá trị trên 50 triệu đồng), song song một thống kê khác cho rằng 20% đó, lại chiếm 80% tổng giá trị tiền gửi huy động của hệ thống ngân hàng, trong đó khoảng trên 10% là giá trị huy động từ 1 tỉ đồng trở lên/ sổ tiết kiệm. Rõ ràng là “giới nhà giàu” tuy đang là thiểu số chỉ chiếm 10%, nhưng đang nắm giữ gần như toàn bộ dòng tiền trong hệ thống tín dụng. Câu hỏi đặt ra cũ mèm là: Ai trong số chúng ta, những người đang lao động, hay những người lao động nghỉ hưu có nổi món tiền 1 tỉ đồng để gửi tiết kiệm ?

Xin nói thêm một câu chuyện tưởng như ngoài lề khác: Một chuyên gia từng nói với chúng tôi, không ở đâu mà nhà đất và tiền gửi ngân hàng có giá trị như ở VN. Bán một căn hộ ở khu vực trung tâm thành phố, lấy tiền đó gửi ngân hàng lĩnh lãi, bảo đảm cả gia đình bạn sống sung sướng đến tận cuối đời. Tỉ dụ cụ thể nếu gửi một món tiết kiệm 500 triệu đồng, lãi suất 8%/ năm (chưa tính mức lãi suất trên 12 tháng hiện nay là 11-12%), thì trung bình 1 tháng người gửi sẽ được nhận 3,4 triệu đồng lãi. Số tiền này bằng với mức lương của một công chức đi làm 4 - 5 năm tại một cơ quan nhà nước. Chẳng trách mà giới đầu cơ, giới nhà giàu và kể cả giới không có tiền đã đổ xô đầu cơ địa ốc suốt một giai đoạn dài như thế…

Minh Anh (Diễn đàn daonh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.