27/02/2015 2:07 PM
Ở một số nơi, người dân bị làm khó do cơ quan đăng ký nhà, đất bắt bẻ hợp đồng công chứng.

“Qua thực tế xử lý công việc, tôi thấy ở một số nơi người dân bị làm khó do cơ quan đăng ký nhà, đất bắt bẻ hợp đồng công chứng đã thực hiện đúng pháp luật, trình tự, thủ tục. Phổ biến nhất là đưa ra các yêu cầu điều chỉnh hợp đồng hay nộp thêm giấy tờ ngoài quy định” - ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 7 (TP.HCM), nhận xét.

Bắt sửa lời chứng công chứng viên

Ông Thắng cho hay Phòng Công chứng số 7 đã gặp nhiều trường hợp người dân bị cơ quan đăng ký nhà, đất “bắt bẻ” văn bản công chứng. Gần đây là trường hợp khai nhận di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị Kim Luông, ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12.

Theo quy định, việc thỏa thuận hay phân chia di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở UBND phường nơi thường trú của người để lại di sản. Sau khi thực hiện đúng quy định trên, Phòng Công chứng số 7 chứng nhận văn bản khai nhận di sản cho bà Luông và người thân. Thế nhưng khi nộp hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) quận 12 để đăng ký và cấp giấy chứng nhận (GCN) cho những người được thừa kế thì nơi này không đồng ý. Lý do là văn bản công chứng không thể hiện nội dung đã niêm yết tại phường vào trong lời chứng của công chứng viên. Bà Luông quay lại Phòng Công chứng số 7 để sửa theo yêu cầu của VPĐKQSDĐ quận 12, nơi này phát văn bản thông báo đã làm đúng quy định, đã xong thủ tục niêm yết trước khi chứng nhận.



Làm thủ tục giấy tờ tại Phòng Công chứng số 7, TP.HCM. (Ảnh chụp chiều 25-2) Ảnh: HTD

Thế nhưng VPĐKQSDĐ quận 12 vẫn tiếp tục trả hồ sơ, buộc phải thực hiện đúng yêu cầu. Một lần nữa bà Luông tất tả trở lại gõ cửa Phòng Công chứng số 7. “Chúng tôi cho kiểm tra và nhận thấy văn bản công chứng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Niêm yết văn bản tại phường cũng đã làm xong và đây là một thủ tục khác biệt với khâu công chứng. Thủ tục niêm yết thực hiện trước khi chứng nhận và UBND phường cũng đã có xác nhận” - lãnh đạo Phòng Công chứng số 7 khẳng định.

Trong văn bản gửi UBND quận 12, VPĐKQSDĐ TP và Sở Tư pháp báo cáo vụ việc trên, lãnh đạo Phòng Công chứng số 7 phản ánh đây không phải là lần đầu tiên VPĐKQSDĐ 12 có những yêu cầu về thủ tục và các giấy tờ khác không có trong quy định. Do vậy đề nghị các cơ quan liên quan chấn chỉnh VPĐKQSĐ quận 12 để tránh gây phiền hà cho người dân.

Đăng bộ vợ chồng hay một người: Loạn xạ

Việc ghi tên vợ chồng khi đăng bộ nhà, đất sau khi xong thủ tục công chứng tưởng dễ nhưng người dân cũng gặp không ít khó khăn. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng và đến khâu đăng ký sẽ được xác nhận, không phụ thuộc hợp đồng mua nhà đứng tên một người hay cả hai vợ chồng. Thế nhưng cơ quan đăng ký nhà, đất nhiều nơi không nghĩ vậy.

Mới đây Văn phòng Công chứng (VPCC) Bảy Hiền chứng nhận hợp đồng mua căn nhà 129/20 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12 của ông Trần Minh Khoa. Lúc đi công chứng, ông Khoa đứng tên một mình là bên mua. Đến lúc đăng bộ sang tên, ông nộp kèm GCN kết hôn để bổ sung tên vợ vào GCN. Thế nhưng phía quận 12 không tiếp nhận với lý do không có tên người vợ trong hợp đồng mua nhà. Nếu muốn có tên người vợ, ông phải làm lại hợp đồng công chứng. Thế là vợ chồng ông Khoa và bên bán phải quay lại VPCC để ký lại hợp đồng. “Yêu cầu này không đúng quy định pháp luật về hôn nhân gia đình, gây tốn thời gian, tiền bạc của người dân” - lãnh đạo VPCC Bảy Hiền bày tỏ.

Một trường hợp khác tương tự như trên nhưng lại được huyện Củ Chi hiểu kiểu khác. Theo huyện này, hợp đồng công chứng ghi tên ai thì đăng bộ như thế, không phân định tình trạng hôn nhân hay tài sản riêng chung. Ông Lê Vũ Phương một mình đi ký công chứng mua thửa đất tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Đến lúc đăng bộ, ông nộp giấy chứng nhận kết hôn để ghi thêm tên vợ vào nhưng kết quả GCN chỉ ghi tên ông, không có người vợ. Nếu muốn thêm tên người vợ, ông phải ký lại hợp đồng công chứng.

Do quan điểm như trên nên một số GCN của người dân tại hai địa phương trên chi chít chữ. Lúc đầu chỉ có tên người chồng, hàng dưới lại có cả hai vợ chồng bởi người dân sau đó buộc phải điều chỉnh hợp đồng công chứng hoặc có văn bản về tài sản chung theo yêu cầu của cơ quan đăng ký. Như vậy, người dân vừa phải mất công làm lại thủ tục, cơ quan đăng ký cũng phải thực hiện việc đăng bộ hai lần.

Bắt bẻ câu chữ, can thiệp thỏa thuận của hai bên

Một số VPĐKQSDĐ còn can thiệp vào thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng mua bán. VPCC Sài Gòn cho hay từng gặp trường hợp quận 5 yêu cầu hợp đồng mua bán phải điều chỉnh điều khoản thanh toán thì mới cho bên mua nhận GCN. VPĐKQSDĐ nơi này không đồng ý cho các bên thỏa thuận: “Bên bán nhận khoản tiền còn lại sau khi bên mua nhận GCN đã được đăng ký” mà buộc phải sửa lại hợp đồng là bên mua thanh toán hết trước khi nhận GCN đã đăng bộ. Một số nơi khác không buộc điều chỉnh hợp đồng nhưng khi nhận GCN, bên mua phải viết tay vài chữ cho cơ quan đăng ký xác nhận đã trả hết tiền cho bên bán.

Còn với đăng ký giao dịch bảo đảm, việc cơ quan đăng ký bắt bẻ từng câu chữ trong hợp đồng thế chấp là không hiếm. Như căn nhà 606/175 đường 3-2, quận 10 sau khi vay lần đầu thì chủ nhà muốn vay thêm nên cùng ngân hàng làm hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp cũ. Đến khâu đăng bộ, VPĐKQSDĐ quận 10 yêu cầu phải điều chỉnh lại lời chứng tại hợp đồng, bỏ chữ “sửa đổi, bổ sung” thì mới chấp nhận đăng ký.

Cẩm Tú (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.