11/08/2014 2:06 PM
Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thi công đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gây bức xúc lớn cho người dân. Hàng trăm hộ dân có nguy cơ... đứng bên này đường cao tốc, nhưng không thể qua phần ruộng bên kia đường để canh tác...

Nhà cách cầu 350m, phải đi vòng gần 15km

Tuyến đường đi chung từ nhiều năm nay của người dân ấp 1, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) bị đổ đất bít lại dành xây đường cao tốc, khiến người dân gặp cảnh “tắc đường” trong việc tìm lối ra cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là thời điểm đưa vào sử dụng toàn tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây cũng đã cận kề, người dân sẽ không thể băng ngang qua đường cao tốc đang thi công như hiện nay.

Ông Lê Văn Ý (ấp 1, xã Sông Nhạn) cho biết: Hiện, chúng tôi đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp dọc hai bên tuyến đường cao tốc, phần đông là có nhà ở tại chỗ. Khi xây dựng đường cao tốc, việc đi lại của chúng tôi rất khó khăn, từ việc vận chuyển hàng nông sản, đến việc đưa con em đi học quá vất vả, lại còn bị thương lái đến ép giá các mặt hàng nông sản mà chúng tôi đã làm ra, vì không có đường đi lại.

Ông Lê Văn Ý: Đây là lối ra duy nhất băng qua cao tốc để đi ra được các huyện khác nên không thể làm con lươn gây khó cho dân.

“Nhà tôi chỉ cách cầu vượt số 2 có 350m, nhưng tôi phải đi vòng gần 15km để lên được cầu này, ra đầu mối giao thông chính đi các huyện khác để buôn bán” – ông Ý bức xúc. Bà Nguyễn Thị Hoàng Long (ấp 1) cho biết: Vì không còn lối đi chung nên gia đình tôi phải đi nhờ qua rẫy của hàng xóm, rất vất vả và bất tiện, nhất là khi vận chuyển phân bón, nông cụ để chăm sóc cho hơn 2ha điều và tiêu.

Lãnh đạo UBND xã Sông Nhạn cho biết, người dân bức xúc hơn 1 năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ông Mai Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã - cho hay: Tại khu vực dân cư sống hai bên tuyến đường cao tốc, đoạn từ cầu vượt số 2 đến km 45+300, hiện tại có 20 hộ dân đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp giáp ranh với xã lộ 25 (H.Thống Nhất), mọi việc sinh hoạt, giao thương hàng hóa, con em học hành và đi làm tại các Cty, xí nghiệp hằng ngày đều phụ thuộc vào tuyến đường liên huyện này để đến đường ĐT769.

Việc đi lại rất khó khăn cho người dân, phải đi đường vòng gần 15km, mất rất nhiều thời gian mới đi đến được xã lộ 25. Do đó, các tiểu thương và lái buôn thường ép giá các mặt hàng từ nông sản đến giá heo hơi. UBND xã Sông Nhạn đã đề nghị việc mở bổ sung đoạn đường dân sinh từ km 44+340 đi ngược về cầu vượt số 2, có chiều dài khoảng 350m bên trái tuyến.

Bít lối đi, băng ngang cao tốc để canh tác

Tại khu 2, ấp 6 (xã Sông Nhạn), người dân cũng đang lâm vào cảnh “tắc đường”, do con đường đi ngày trước đã bị thu hồi để phục vụ dự án. Gần 40 hộ dân nơi đây hằng ngày đi làm, đi chợ, đưa con em đi học... đều băng tạm ngang qua lối đi tự mở ngay tại công trình đang thi công.

Nhưng điều khiến người dân ấp 6 lo lắng nhất chính là cánh đồng lúa rộng gần 50ha đang có hàng trăm hộ dân canh tác, vận chuyển được một bao phân ra ruộng, chỉ còn cách vác từng bao lên vai chứ không thể vận chuyển bằng xe, do phải đi băng qua đường cao tốc rất cao và dốc.

Ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn - cho biết: Đường cao tốc xây dựng lên, cắt đôi ruộng đất của người dân. Hàng trăm hộ dân bị bít mất đường. Lúa một năm hai vụ và phải thu hoạch vào mùa mưa rất cực khổ, còn phải đi đường vòng xa hàng chục kilômét để vận chuyển lúa về nhà.

Nỗi khổ của người dân sống hai bên đường cao tốc không chỉ dừng lại ở đó. Người dân còn rất bức xúc về việc thi công tại vị trí hầm chui trên tuyến đường nối liền giữa xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) và xã Bình An (H.Long Thành), cứ sau mỗi cơn mưa là hầm chui bị ngập sâu trong nước nhiều ngày liền.

Mặt khác, hai đầu của hầm chui này không được gia cố bằng bêtông, nên mỗi đợt nước ngập thì nhiều phương tiện lưu thông qua đây bị chết máy; khổ nhất là xe 2 bánh chở hàng nặng, phải rất vất vả mới dẫn qua được đoạn sình lầy ngập nửa bánh xe. Hàng trăm hộ dân ở ấp Trần Hưng Đạo và công nhân cạo mủ caosu của Nông trường Dầu Giây ở lô 100 (thuộc xã Xuân Thạnh, H.Thống Nhất) vô cùng khổ sở khi lưu thông qua hầm chui đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại vị trí km 50+440, vì hầm đã bị nước và bùn lầy tràn vào.

Theo UBND xã Sông Nhạn, việc thiếu đường dân sinh tại khu 2, ấp 6, theo thiết kế thì phần hành lang của đường cao tốc đi qua khu vực có mở đường đi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, tại đoạn đường này, chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống thoát nước, nhằm tránh gây ngập lụt cho diện tích trồng lúa của địa phương. Vì vậy, phần đất để mở đường như quy hoạch đã không còn.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo TCty Phát triển đường cao tốc VN, BQL dự án đường cao tốc xây dựng nâng cấp đường phục vụ đi lại và sản xuất của người dân hai bên tuyến đường cao tốc, do tỉnh thiếu kinh phí.

Theo UBND tỉnh, trong quá trình xây dựng tuyến cao tốc thì một số tuyến đường dân sinh giao cắt với đường cao tốc không được bố trí hầm chui, cầu vượt, khi thi công xây dựng nền đường đã đắp đất cắt ngang các tuyến dân sinh nêu trên, gây khó khăn cho việc lưu thông, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt các hộ dân hai bên tuyến.

Hà Anh Chiến (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.