Chiều 18/9, tại Chung cư Keangnam đã diễn ra cuộc họp giữa Ban đại diện của các hộ dân đang sống tại 5 chung cư cao cấp nói trên với Ban quản lý các khu nhà này. Hai vấn đề chính được tập trung bàn luận là phí quản lý và vấn đề sở hữu chung - riêng giữa người dân và chủ đầu tư.
Bà Trương Thúy Mai (thành viên Ban đại diện cư dân Keangnam) cho biết, cư dân Keangnam mong muốn được thành lập Tổ dân phố để thay mặt cư dân đấu tranh quyền lợi với chủ đầu tư là Công ty Keangnam Vina, nhưng đang gặp khó khăn. Gửi đơn thành lập Tổ dân cư lên UBND huyện Từ Liêm thì huyện lại chỉ xuống xã. Xuống xã thì lại bảo cầm đơn lên huyện.
Về mức phí quản lý, trước đây Keangnam Vina áp mức phí quản lý là 0,99 USD/m2/tháng. Tuy nhiên, cư dân Keangnam phản đối và không chấp nhận mức phí trên, bởi niêm yết bằng USD là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, mức phí đó là quá cao, mỗi căn hộ phải chi 2 - 3 triệu đồng/tháng phí quản lý, chưa kể các loại phí khác như phí trông xe cũng ở mức cao. Trước sự phản đối của người dân, chủ đầu tư Keangnam Vina đã quyết định chuyển mức phí quản lý thành 18.600 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, cư dân Keangnam vẫn bức xúc vì mức phí còn cao và có những chi phí không hợp lý.
"Có những chi phí toàn tòa nhà rất vô lý, trong đó phải kể đến thuê máy photocopy 6 triệu đồng/tháng, mua hóa chất để diệt côn trùng 40 triệu đồng/tháng", bà Mai nói.
Bà Nhung Hạnh (Tổ trưởng Tổ dân phố Chung cư The Manor) cho biết: "Dù đã ở được 4 năm, hiện đã đủ 100% dân cư và đóng đầy đủ tiền lệ phí trước bạ và lệ phí làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nhưng cư dân ở đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Trong khi hợp đồng ký với chủ đầu tư có ghi rõ, 4 tháng sau khi đến ở sẽ được cấp giấy tờ này. Khi người dân đến hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội thì được biết, bên chủ đầu tư vẫn chưa có động thái gì về vấn đề này".
Ông Tô Hồng Sơn (đại diện cư dân Tòa nhà Golden Westlake) nêu lên một thực tế: Suốt 2 - 3 năm nay, hàng loạt chung cư mọc lên, nhưng chuyện tranh cãi giữa chủ đầu tư và các cư dân lại chỉ xảy ra ở những chung cư có tiếng là cao cấp. Phải chăng, chung cư cao cấp là nơi người giàu sinh sống, nên chủ đầu tư vô tư thu phí quản lý, phí dịch vụ ở mức cao? Vì không có trần phí quản lý, nên tranh cãi xảy ra.
Về vấn đề sở hữu chung - riêng tại chung cư, ông Sơn cho rằng, địa điểm sảnh lễ tân, chỗ để xe thuộc quyền sở hữu của cư dân. Cũng bức xúc về vấn đề này, bà Hạnh cho biết, tầng hầm tại hầu hết các tòa nhà chung cư hiện nay đều bị biến thành nơi kinh doanh. Chủ đầu tư lấy cớ, tiền tầng hầm không nằm trong tiền căn hộ!
Kết thúc cuộc họp nêu trên, đại diện cư dân của các khu chung cư cao cấp cùng ký vào văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét, ban hành mức giá trần đối với phí quản lý và có cơ chế xử phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm của chủ đầu tư.