Tháng 10 vừa qua, người dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị rất bức xúc khi phát hiện một cá nhân thuê xe ủi cạo trọc rừng tại khu vực Khe Cau, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh.
Tình trạng lấn chiếm đất rừng đã và đang xảy ra nghiêm trọng tại địa phương này.
Rừng đang bị chảy máu nhưng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Vụ cạo trọc rừng Khe Cau cho thấy tình trạng lấn chiếm đất rừng đang nhức nhối.
Tại khu vực Khe Cau, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, nhiều cây rừng tự nhiên bị đốn hạ, dấu vết của rừng xanh bị xóa sổ chỉ còn quả đồi trơ trọi.
Một số vị trí trơ lại những gốc cây rừng đường kính khoảng 40 cm. Từ “công nghệ” phá rừng như thế này, những cánh rừng rậm rạp nhanh chóng bị cạo sạch, chỉ còn mấy quả đồi nằm trơ trọi.
Khu vực rừng bị cày ủi thuộc tiểu khu 586 do UBND xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh quản lý.
Trước đây, khu vực này chủ yếu là rừng tự nhiên, nhiều cây lớn, sau đó được quy hoạch là rừng phòng hộ. Cuối năm ngoái, rừng này được chuyển đổi sang rừng sản xuất.
Một cây rừng tái sinh còn sót lại sau vụ việc dùng xe ủi cạo trọc rừng.
Ông Võ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà, thừa nhận rừng bị phá trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương.
“Trên địa bàn xã Vĩnh Hà, chủ tịch phải chịu trách nhiệm để mất rừng. Làm gì thì làm, trách nhiệm của mình là phải vào kiểm tra. Trong bản đồ ghi là đất của lâm nghiệp Bến Hải quản lí, nhưng có một số của xã nhưng giờ biên bản bàn giao cho xã cũng chưa có”, ông Sanh lý giải.
Sau khi xảy ra tình trạng phá rừng, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Trị đã đến khu vực rừng Khe Cau kiểm tra thực tế.
Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh thừa nhận ở khu vực này có tình trạng người dân lấn đất rừng.
Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết kết quả kiểm tra cho thấy khu vực vừa bị cày ủi rộng 6,5 ha.
Khu vực rừng có cây tái sinh bị máy ủi cạo trọc có diện tích hơn 2 ha.
Theo ông Trần Văn Tý, dù đã được chuyển qua quy hoạch rừng sản xuất thì việc người dân đưa máy ủi vào san ủi cả những đám rừng tự nhiên trong diện tích đó là vi phạm pháp luật.
Ông Tý cho biết: Trước tình hình phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu đất sản xuất của người dân, chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Nhưng hiện nay đang là phương án chuyển đổi, có một số người dân lẻ tẻ vào để canh tác tự do ở khu vực này. Trước tình hình đó, Chi cục kiểm lâm đề nghị Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo các xã xây dựng các phương án sử dụng đất để giao đất cho người dân sản xuất đúng mục đích.
Cán bộ xã Vĩnh Hà tiến hành lấy tọa độ khu vực rừng bị phá.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, tình trạng người dân phá rừng chiếm đất là không thể chấp nhận. Vì rừng chưa giao mà dân tự ý vào san ủi trồng cây là lấn chiếm đất rừng trái phép.
Ông Võ Văn Hưng cho biết, ngành đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Linh làm rõ, nếu có dấu hiệu tội phạm hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố hình sự theo quy định nhà nước.
Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng.
“Nhận định rừng nay thuộc xã quản lí, nhưng bất kỳ chỗ nào đều không được để ra sai phạm. Tuy nhiên việc này ngành cũng đang chỉ đạo các đơn vị, ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm vào cuộc quyết liệt chứ không có vấn đề sai phạm, xâm lấn rừng. Xử lý nghiêm túc và quyết liệt”, ông Hưng nhấn mạnh./.
-
Siêu dự án điện khí 54.000 tỷ đồng của Tập đoàn T&T nhận chỉ đạo mới từ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng có công suất 1.500 MW, do tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group và 3 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là HANWHA - KOSPO - KOGAS làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD)....
-
Quảng Trị họp bàn triển khai dự án khu đô thị hơn 1.700 tỷ đồng tại huyện Triệu Phong
UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan về tiến độ triển khai dự án Khu đô thị Nam Cửa Việt (giai đoạn 1).
-
Đông Hà có thêm dự án nhà ở 200 tỉ đồng
Dự án khu nhà ở thương mại Bắc Sông Hiếu (giai đoạn 1) vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư có quy mô 19.388m2, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng.