Dự án đường nối vào sân bay Tân Sơn Nhất đang được gấp rút thi công đoạn cuối để thông xe trước tết Nguyên đán, nhưng người dân lo lắng khi cầu bộ hành trên đoạn này có thể dẫn trộm vào nhà họ.

“Nếu cầu bộ hành này xây lên, nhà của tôi và bà con xung quanh có thể bị kẻ trộm lẻn vào bất cứ lúc nào. Làm sao an tâm khi thành cầu chỉ cách nhà của chúng tôi có… một tấc thôi” - ông Trần Thanh Ngọc (1131 Kha Vạn Cân, tổ 2, khu phố 4, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) phản ánh.

Cầu chưa xong đã sợ… trộm!

Chiếc cầu bộ hành số 6 trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) thuộc dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (gọi tắt là dự án vành đai Tân Sơn Nhất). Theo yêu cầu của UBND TP, cầu này nằm ở đoạn công trình tập trung thi công để xong trước tết Nguyên đán 2015.

Tuy nhiên, ngay từ lúc triển khai (vào tháng 5-2014) đã gặp sự phản ánh gay gắt của người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến bản vẽ thiết kế và vị trí của cầu dự kiến hình thành được dịch chuyển liên tục. Theo ông Ngọc và các hộ dân ở tổ 2, khu phố 4 (phường Linh Trung), ban đầu chiếc cầu được xây cách khu nhà của ông và các nhà lân cận khoảng 50 m. Nhưng sau đó chiếc cầu này lại được “dời” đến gần một bệnh viện gần đấy. Càng bất ngờ hơn, đến tháng 8-2014, ông và một số hộ dân xung quanh ngỡ ngàng nhận được thông báo phải đập lùi nhà khoảng 1,3 m để giao mặt bằng lấy chỗ xây cầu bộ hành số 6.

“Chúng tôi đang cho người ta thuê buôn bán phải tạm dừng để đập bỏ, sửa chữa mấy tháng trời, mất mấy tháng tiền thuê nhà. Sau này khi xây xong cầu thì nhà chúng tôi lọt thỏm dưới lòng cầu, biết làm ăn ra sao đây?” - bà Hà Thị Huệ, ngụ số 1129 Kha Vạn Cân, than thở.

Thế nhưng điều khiến người dân lo lắng nhất là khi công trình hoàn thành, chiếc cầu bộ hành này chỉ cách nhà họ có một tấc. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, ở số 1133 Kha Vạn Cân, cho rằng với khoảng cách quá gần này sẽ là điều kiện thuận lợi cho kẻ gian từ cầu đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản. Mặc khác, chân cầu bộ hành này choán hết phân nửa con hẻm, nếu có cháy nổ hoặc có người cần cấp cứu thì xe cứu hỏa, cứu thương không thể vào được.

Đề xuất không xây cầu

Trước các rắc rối nhìn thấy rõ sau khi công trình hoàn thành, người dân đã phản ánh đến Bộ GTVT và UBND TP.HCM. Sau khi có yêu cầu từ Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, một số đơn vị kiểm tra, đề xuất phương án khác. Cụ thể, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT) cho biết đã phối hợp kiểm tra hiện trường và đề xuất dịch chuyển vị trí cầu bộ hành số 6 về phía chợ Thủ Đức khoảng 2 m để chân cầu không choán hẻm. nhưng điều này lại gây ảnh hưởng cho số hộ dân vì cầu nằm ngay trước nhà họ.

Do vậy, phương án thứ hai được đề nghị là thu hẹp chiều dài của chân cầu để không chiếm hẻm nữa. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất là Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đề xuất không xây cầu này. Theo GS E&C, cầu vượt này đã có trong thiết kế ban đầu của dự án song ở khu vực này quá hẹp, nếu xây sẽ ảnh hưởng một số hộ dân. Ngoài ra, nhiều nơi cầu xây xong mà không có người đi nên không cần thiết phải xây cầu cho tốn kém.

Sở GTVT đồng tình với ý kiến của GS E&C, cho rằng nơi dự kiến xây cầu có vỉa hè hẹp (khoảng 4 m), sẽ không đảm bảo an ninh cho các nhà dân sát cầu. Trong khi qua khảo sát thì nhu cầu người đi bộ băng ngang qua đường tại nơi xây cầu không cao. Do vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM không xây cầu bộ hành số 6 và thay thế đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn, biển báo vạch dừng xe, gờ giảm tốc…

Phước Tĩnh - Minh Phong (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.