20/06/2017 9:11 AM
Địa phương sẽ tiếp tục đối thoại với người dân địa phương để nắm hết tâm tư, nguyện vọng của mọi người nhằm tìm cách hạn chế các thiệt hại.
Những ngày qua, hàng chục hộ dân thôn An Cư Đông 2 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) ra tận công trường phản đối xây đường công vụ để làm cầu Hải Vân (thuộc dự án mở rộng hầm Hải Vân).
Ngủ không được vì lo lắng
Theo ghi nhận của PV, con đường này dài gần 200 m và rộng khoảng 5 m, chạy dọc theo bên dưới cầu Hải Vân, khu vực thị trấn Lăng Cô.
Vấn đề nằm ở chỗ để làm con đường công vụ (đường dẫn thi công - PV) này thì có một lượng đất đá rất lớn đổ xuống biển. Đường lại không có hệ thống cống bên dưới để khơi thông dòng chảy đầm Lập An. Người dân e ngại chuyện này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy hải sản, kinh doanh tại khu vực đầm. Người dân yêu cầu đơn vị dừng thi công con đường và tìm giải pháp phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (75 tuổi, trưởng làng An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô) cho biết thêm nhiều năm trở lại đây nơi này sạt lở triền miên. Điều này là do trước đây Công ty Cầu 7 Thăng Long thi công cầu Hải Vân thuộc dự án xây dựng hầm đường bộ Hải Vân đã làm đường công vụ mà không hoàn trả mặt bằng. Bây giờ lại có đơn vị mới tiếp tục xây đường công vụ mới theo vết đường công vụ cũ, lại hết sức kiên cố khiến ai cũng lo lắng.
“Mấy ngày ni tôi ngủ không được, ngày ngày nhìn đơn vị thi công cứ tiếp tục xây dựng mà tôi không yên tâm. Không chỉ bản thân tôi mà tất cả người dân xung quanh sẽ phản đối nếu như đơn vị thi công không có biện pháp khắc phục” - ông Hoàng nói.
Con đường công vụ để làm hầm Hải Vân bị người dân phản đối vì ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và làm xấu đi eo vịnh Lăng Cô thơ mộng. Ảnh: ND
Chưa có đánh giá về ảnh hưởng
Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền đã gặp gỡ, tổ chức cuộc họp với người dân và chủ đầu tư.
“Hiện đơn vị thi công tạm dừng hoạt động để giải quyết xong các phản ánh của người dân mới tiếp tục” - ông Trung nói.
Theo ông Trung, việc xây đường công vụ làm thu hẹp diện tích mặt nước thì chắc chắn sẽ làm dòng nước chảy mạnh hơn bình thường. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để đánh giá những ảnh hưởng của việc này.
“Trước mắt đơn vị đấu thầu đã đồng ý rút ngắn nhiều dài và chiều cao của con đường công vụ này, đặt các cống để dòng chảy được lưu thông. Đồng thời cơ quan chức năng đang rà soát để tiến hành di dời những lồng nuôi cá của người dân” - ông Trung nói thêm.
Ông Phan Công Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cũng cho hay huyện đã về địa phương để lắng nghe ý kiến của dân. Đồng thời huyện đã làm việc với các bên để giải quyết những phản ánh về xây dựng đường công vụ này.
Theo ông Mẫn, Ban Quản lý dự án mở rộng hầm Hải Vân đã có công văn cam kết sẽ chỉ đạo và giám sát nhà thầu hoàn trả mặt bằng như ban đầu sau khi kết thúc công trình. Dự án cũng trang bị xe múc túc trực sẵn tại đoạn đường công vụ này, mỗi khi có những sự cố khiến dòng nước chảy mạnh thì nhanh chóng cẩu phá đi đoạn đường để khơi thông dòng chảy, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với người dân địa phương để nắm hết tâm tư, nguyện vọng của mọi người” - ông Mẫn nói.
“Chuyện này địa phương phải lo”
Con đường công vụ mà người dân bức xúc phản ánh thuộc dự án xây dựng mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do Bộ GTVT phê duyệt và khởi công cách đây khoảng ba tháng.
Công trình này được Công ty CP Đèo Cả đầu tư với mức 7.300 tỉ đồng. Hạng mục đường công vụ do Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) chủ trì thực hiện.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty CP Đèo Cả cho hay trên thực tế việc giải quyết các kiến nghị của người dân là trách nhiệm của huyện Phú Lộc. Ở đây chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng, việc này là của địa phương. Đơn vị nhận mặt bằng từ địa phương. Khi nào địa phương có vướng mắc gì thì công ty chỉ báo cáo với địa phương thôi.
Sợ sạt lở trôi nhà
Nếu con đường được mở ra thì có thể khiến dòng nước của đầm Lập An bị chặn lại một nửa. Khi đó nước sẽ chảy sang bên thôn An Cư Đông 2 nhiều hơn nên nhà dân cũng bị xói mòn, hư móng, sạt lở.
Cuộc sống của gia đình tôi và cả mấy trăm nhân khẩu nơi đây phụ thuộc vào đầm Lập An này. Nếu dòng chảy bị thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những loài thủy sản sống trong đầm khiến cuộc sống của chúng tôi ngày càng khó khăn hơn.
Ngư dân Lê Văn Phúc, trú thôn An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô
Nguyễn Do - Nguyễn Tri (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.