25/11/2017 8:04 AM
Những ngôi nhà không ai muốn đến ở, xây xong mà hàng chục năm nay vẫn bỏ hoang một cách lãng phí. Đó là thực trạng nhìn từ một số dự án xây dựng nhà tái định cư.

Trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân nội đô là rất lớn. Vậy vì sao lại có hàng ngàn những căn hộ tái định cư để mốc rêu, xuống cấp vì chủ nhân của nó đã chối bỏ? Dư luận cho rằng trong khi rất nhiều người dân đang thiếu nhà ở thì tình trạng nhà tái định cư không có người đến ở, thậm chí chủ đầu tư còn đề nghị phá bỏ nhà tái định cư là một nghịch lý chua xót.

Phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà tái định cư xây dựng xong cách đây hơn 10 năm thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) - Đó là đề xuất mới đây của Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (HANDICO3) - chủ đầu tư dự án trước thực trạng nhà xây xong không có người đến ở, cơ sở vật chất xuống cấp. Nguyên nhân được xác định là do dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong Khu đô thị Sài Đồng đã xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.

Theo các chuyên gia xây dựng, cái lạ ở đây là tình trạng này kéo dài từ 10 năm nay, bây giờ mới có công ty xây dựng đề xuất phá bỏ để xây mới. Mặc dù đơn vị đề xuất như thế nhưng quyết định cao nhất vẫn là UBND Hà Nội. Trong khi đó, nếu chỉ hư hỏng về bề mặt bên ngoài thì có thể sửa lại bán cho người dân theo kiểu nhà ở xã hội.

Dư luận cho rằng, rõ ràng ở đâu có sự lãng phí rất lớn khi chủ trương đầu tư, triển khai các dự án công đã không hiệu quả. Trong việc này, có trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án vì khi tình trạng này xảy ra phải báo cáo ngay để có cách giải quyết nhưng lại bỏ không bao nhiêu năm trong khi dân không có nhà ở dẫn đến lãng phí một khối tài sản không nhỏ.

Ở đây cũng có tình trạng người dân không mặn mà với các dự án nhà tái định cư, bằng chứng là không chỉ có 3 tòa nhà tái định cư ở Sài Đồng mà trên địa bàn Hà Nội hiện nay, còn rất nhiều những khu tái định cư bỏ hoang hoặc rất ít người đến ở. Theo các chuyên gia xây dựng, nhà tái định cư, để xây dựng chủ đầu tư muốn hạ giá thành và nếu lấy đất nội thành thì rất đắt, chỉ có lấy đất ngoại thành và rất xa các nơi sinh hoạt trong khi các nơi ở mới thiếu các dịch vụ tối thiểu kèm theo như trường học, cơ sở y tế... trong khi nhu cầu người dân nhiều, qua đó không đáp ứng được nguyện vọng người dân.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mỗi năm Hà Nội đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà tái định cư. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại Hà Nội còn khoảng hơn 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong nhưng người dân không đến nhận nhà. Điều này cũng khiến dư luận cho rằng cần phải xem xét lại cách thức thực hiện vì chủ trương chính sách hoàn toàn đúng và người dân ủng hộ. Phải chăng việc xây dựng hàng loạt nhà tái định cư và đầu tư công thất bại là do không lắng nghe ý kiến cộng đồng, gây lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước.

Phạm Mạnh Hùng (Sức khỏe & Đời sống)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.