01/08/2015 10:00 PM
Mặc dù không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, song vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii của Mỹ lần này đã ghi nhận những bước tiến đáng kể.

Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản Akira Amari. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Phát biểu với báo giới tại Hawaii ngày 31/7 sau khi đàm phán TPP kết thúc, Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản Akira Amari khẳng định các bên đã tiến rất gần một thỏa thuận toàn diện và chỉ cần một cuộc gặp nữa là các bộ trưởng có thể hoàn tất công việc.

Theo ông, nhiều khả năng vòng đàm phán TPP tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám này.

Bộ trưởng Amari cũng cho rằng ngoài các nguyên nhân khiến đàm phán lần này thất bại được nhắc đến nhiều như tiến trình mở cửa thị trường ôtô, thị trường nông sản và việc bảo hộ ngành dược phẩm, còn phải tính đến những khác biệt giữa các nước về quyền sở hữu trí tuệ.

Kết thúc 4 ngày thương lượng, mặc dù có một số bước tiến đã đạt được song các bên vẫn tranh cãi về những vấn đề gai góc nhất nói trên. Bế tắc này khiến cơ hội TPP được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay trở nên mong manh.

Việc chưa thể hoàn tất TPP có lẽ là một thất bại đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama vì ông coi TPP như một trụ cột kinh tế trong chính sách “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương và là một cơ hội để Washington cân bằng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.

Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.

TTXVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.