Năm 2010, tuyến đường nhựa dài 15km nối xã Ea Sô đến trung tâm huyện Ea Kar sắp hoàn thành. Thời điểm đó, bà con trong xã ai cũng háo hức chờ ngày thông đường, hy vọng sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển nông sản và thời gian đi lại. Thế nhưng đã gần 6 năm trôi qua, người dân nơi đây vẫn phải đi đường vòng hơn 40km ra chợ.
Con đường liên xã Ea Sô - Ea Tyh nhiều đoạn đã hư hỏng nặng
Người dân vẫn phải chịu tốn hàng chục triệu đồng/năm để trả phí vận chuyển nông sản. Bởi lẽ tuyến đường trên bị cắt ngang bởi một con sông, gần 6 năm qua đường làm xong đã hư hỏng nhưng cầu qua sông vẫn chưa được xây.
Mừng hụt vì có đường nhựa
Năm 2007, xã Ea Sô được thành lập theo Nghị định 137/2007/NĐ-CP. Đây là một xã nghèo, thuộc vùng sâu, nằm ở phía Đông Bắc của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk với diện tích tự nhiên hơn 32 ngàn ha. Xã Ea Sô nằm tiếp giáp với hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, nơi đây có hơn 10 dân tộc anh em như Cao Lan, Sán Dìu, Tày, Nùng, Mường… di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống.
Thời điểm mới thành lập, đời sống của người dân Ea Sô còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, do địa hình nhiều đồi núi, đất đai cằn khô nên người dân nơi đây chủ yếu trồng mía, mì và bắp để làm kế sinh nhai.
Từ những năm 2010 trở về trước, toàn xã chưa có đường nhựa, việc thu hoạch, vận chuyển nông sản gặp rất nhiều trở ngại do giao thông kém phát triển. Đặc biệt vào mùa mưa, các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn xã đều ngập nước, lầy lội khiến hàng hóa của bà con ế ẩm. Nhiều khi thu một vụ mía, vụ mì cũng chẳng có lời vì tiền vận chuyển quá cao, trong khi giá nông sản lại quá thấp.
Năm 2008, từ nguồn vốn của cấp trên, UBND huyện Ea Kar với tư cách là chủ đầu tư đã giao cho Công ty TNHH Phúc Vinh tiến hành khảo sát, thi công tuyến đường liên xã Ea Sô - Ea Tih. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng. Nếu tuyến đường này hoàn thành, bà con sẽ chỉ mất khoảng 10 phút để ra đến trung tâm huyện Ea Kar, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển.
Theo kế hoạch, tuyến đường này có tổng chiều dài 15km, với hai hạng mục chính là phần đường và phần cầu (đoạn ngang qua sông Krông Năng). Cuối năm 2010, tuyến đường liên xã nói trên cơ bản hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Có được đường nhựa, bà con xã Ea Sô đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa gặp nhiều thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, một điều vướng mắc là chiếc cầu qua sông Krông Năng vẫn chưa được xây.
Bởi vậy, dù có đường nhựa nhưng chi phí vận chuyển nông sản của bà con vẫn ở mức cao vì khoảng cách từ nương rẫy của họ tới nhà máy còn quá xa (khoảng 40km). Trong khi đó, nếu chiếc cầu nối liền hai xã Ea Sô, Ea Tyh được hoàn thành thì việc vận chuyển nông sản của bà con chỉ còn lại khoảng 10km, tức thấp hơn 4 lần.
Người dân ở Ea Sô ai cũng mơ có một chiếc cầu bắc qua sông Krông Năng.
Mòn mòn chờ đợi
Anh Đặng Văn Tý (SN 1985, người dân thôn 4, xã Ea Sô) chia sẻ: “Mấy năm qua, chủ phương tiện đều lấy của bà con mức giá 97 ngàn/1 tấn nông sản như mía, mì. Theo tôi tìm hiểu, mỗi hộ trong xã có trung bình khoảng 200 tấn mía/mùa.
Nếu cầu hoàn thiện, mức giá vận chuyển sẽ giảm xuống ở mức 20 - 30 ngàn/tấn. Như vậy, mỗi năm chúng tôi cũng tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng tiền phí vận chuyển. Thế nên bà con ở Ea Sô ai cũng mơ có một chiếc cầu bắc qua sông Krông Năng”.
Cũng theo lời anh Tý, chỉ vì không có cây cầu mà bà con trong vùng phải tốn rất nhiều thời gian khi đi chợ. Bên cạnh đó, những học sinh cấp 3 trong xã Ea Sô đều phải ở trọ lại ngoài trung tâm huyện vì đường sá xa xôi.
“Nếu có cầu, con em trong vùng chỉ đạp xe vài chục phút là tới trường, bà con cũng chạy xe một lát là tới chợ và đủ thời gian quay về để làm nhiều việc khác. Thế nhưng, người dân chúng tôi mỏi mòn chờ đợi đã 6 năm qua mà cầu vẫn chưa được làm”, anh Tý buồn rầu.
Theo ông Phạm Quang Tân, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Ea Kar, tổng mức đầu tư cho tuyến đường trên gần 52 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi hoàn thiện xong hạng mục đường, chuẩn bị xây cầu thì tháng 2/2011, Chính phủ có Nghị quyết số 11/NQ-CP “về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”. Trong đó có nội dung, “cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước”.
Từ đó đến nay đã gần 6 năm, ở tuyến đường trên nhiều đoạn đường đã sụt lún, xuống cấp trầm trọng nhưng chiếc cầu trên tuyến đường liên xã Ea Sô - Ea Tyh vẫn chưa được xây dựng vì thiếu vốn đầu tư.
Khoảng cách còn lại của đoạn đường liên xã nói trên chỉ khoảng 500m. Trong đó, theo thiết kế ban đầu, phần thân cầu bắc qua sông Krông Năng có chiều dài 150m với mức dự toán thi công là 17 tỷ đồng.
Ông Tân trao đổi: “Nếu hoàn thiện phần cầu dân sinh, bà con xã Ea Sô sẽ đỡ tốn tiền vận chuyển phân bón, nông sản…Những năm qua, phía huyện cũng báo cáo về sự cấp thiết của công trình này. Tuy nhiên, do chưa tìm ra nguồn vốn nên đến nay, hạng mục này vẫn phải bỏ dang dở”.
Cũng theo lời ông Tân, trên tuyến đường xã Ea Sô, có nhiều đoạn đã xuống cấp vì không kiểm soát được những chuyến xe quá tải trọng lưu thông. Ea Sô là vựa mía, vựa mì của huyện Ea Kar nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Bởi vậy, hàng năm, có rất nhiều xe ra vào chở nông sản. Theo thiết kế, tuyến đường này chỉ cho phép tải trọng tối đa là 13 tấn. Tuy nhiên, trên thực tế thì có nhiều xe vượt quá mức này nên dẫn tới tình trạng đường nhanh xuống cấp.
Mộ Vân (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.