ThS. Trần Hương Giang

ThS. Trần Hương Giang
Thạc sỹ Chính sách công (MPP) Đại học Fulbright Việt Nam

Đại hồng thủy Covid – 19 nhìn ở góc độ tích cực

02/10/2020 10:18 PM
ThS. Trần Hương Giang ThS. Trần Hương Giang
CafeLand - Trở lại trường sau thời gian dài nghỉ dịch, tôi tận hưởng cảm giác vui sướng khi lại được ngồi trò chuyện với các bạn sinh viên, những người luôn biết cách tạo ra một thế giới quan phong phú và sinh động. Và câu chuyện của một sinh viên cao học nói về Covid – 19 như một trận đại hồng thủy đang đổ ập xuống thế giới này đã thật sự khiến tôi tập trung chú ý.

Các trận đại hồng thủy xảy ra trong quá khứ có thể là thực tế hoặc giả thuyết được đặt ra nhằm lý giải những bằng chứng được tìm thấy. Tuy nhiên, câu chuyện về trận đại hồng thủy trong kinh thánh và con tàu duy nhất chứa đựng sự sống trên trái đất còn sót lại có lẽ nổi tiếng hơn cả. Thảm họa này được mô tả như một cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trước sự suy đồi đạo đức của loài người.

Tuy nhiên, dù có nổi giận đến mức nào đi nữa thì Chúa vẫn muốn duy trì lại sự sống cho thế giới thông qua một người công chính có tên là Noah. Và Noah đã đóng một con tàu lớn chứa đựng những giống loài đại diện trên mặt đất này. Hình ảnh con tàu vĩ đại có thể trôi nổi giữa dòng nước chảy xiết cuốn phăng mọi sinh linh đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhân loại trong mấy ngàn năm qua.

Nhiều bằng chứng còn sót lại đã chứng thực được câu chuyện về trận đại hồng thủy lịch sử, nhưng nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng đây là biểu hiện của chọn lọc tự nhiên hơn là một cơn thịnh nộ. Trái đất của chúng ta đã tồn tại, phát triển qua hàng tỷ năm và có những giai đoạn phát triển quá mức dễ gây ra một sự mất cân bằng nghiêm trọng. Với cơ chế tự điều chỉnh để giải quyết mọi vấn đề trục trặc, trái đất bao gồm một hệ tuần hoàn tự nhiên vĩ đại luôn biết cách tự làm mới mình để tiếp tục tiến về phía trước. Và như thế, một trận đại hồng thủy có thể là một thuật ngữ mang tính biểu tượng để nói đến cơ chế tự làm mới của trái đất, nếu hiểu theo cách này, Covid – 19 hoàn toàn có thể đóng vai trò đó.

Điều mà chúng ta cần suy ngẫm đó là loại trục trặc nào đã tồn tại khiến cho cơ chế tự điều chỉnh của trái đất buộc phải được kích hoạt. Đây có lẽ là vấn đề rất phức tạp mà cho đến nay các nhà nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, vẫn đang nỗ lực vén bức màn bí mật để tìm hiểu nguồn cơn xuất hiện chủng loại virus mới này.

Tuy nhiên, chúng ta hãy thử sử dụng mật mã của kinh thánh để giải quyết câu hỏi này xem sao? Khi Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ, Ngài hẳn đã phải cân nhắc sử dụng công cụ điều chỉnh hành vi của con người. Vậy nếu nhìn Covid – 19 như một cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thì thử xem Ngài đã điều chỉnh hành vi của loài người thế nào?

Đầu tiên, mối quan hệ giữa các quốc gia trước đó đã có sự sút giảm về mặt chất lượng dù biểu hiện bên ngoài hoàn toàn bình thường, thậm chí rất tốt đẹp. Ở góc nhìn này, việc hình thành những khối cộng đồng liên minh, tổ chức đại diện cho thế giới cùng các cuộc gặp gỡ, hợp tác song phương, đa phương chưa đủ sức chứng minh chất lượng mối quan hệ giữa các nước. Sự xuất hiện đại dịch Covid – 19 đã kiểm chứng điều đó.

Khi đối diện với rủi ro, các quốc gia, đặc biệt là những cường quốc, lại kém cỏi trong việc phối hợp với nhau. Thông tin không được chia sẻ và kết nối một cách hợp lý. Việc vạch ra kế hoạch để cùng liên kết phòng chống dịch bệnh dường như chưa thể thực hiện được. Ngay cả các hoạt động nghiên cứu, chế tạo vacxin phòng chống dịch bệnh cũng được tiến hành một cách rời rạc và dường như đây là một cuộc chạy đua nước rút giữa các nước nhằm cạnh tranh lẫn nhau.

Nếu thu hẹp góc nhìn này để nhìn nhận mối quan hệ giữa con người với nhau thì đây có thể cũng là vấn đề cần được điều chỉnh. Khi thế giới đang trông chờ bước vào thời kỳ mới được kỳ vọng tạo dựng nên một cuộc sống văn minh đỉnh cao cùng với sự phục vụ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và những sản phẩm từ cuộc cách mạng công nghệ thì vẫn còn đó sự chênh lệch về chất lượng sống giữa những nhóm người khác nhau.

Hãy thử tưởng tượng cả trái đất này là một ngôi nhà to lớn vĩ đại thì ở đó có những thành viên được thừa hưởng cuộc sống đầy đủ sung túc trong những tòa nhà sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi bên cạnh những kẻ khốn cùng sống trong những khu ổ chuột dơ bẩn, thiếu thốn điều kiện vật chất. Chúng ta không thể ích kỷ ước mơ về một cuộc sống khỏe mạnh lý tưởng khi bên cạnh đó vẫn còn có những người phải đối diện với rủi ro bệnh tật và đói nghèo.

Thế giới càng phẳng thì sự ảnh hưởng giữa con người với nhau càng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Điều đó chứng minh cho những tác động từ việc bùng phát dịch bệnh ở một khu phố nhỏ nhất ở Vũ Hán sẽ có thể nhanh chóng lan tỏa đến những tòa nhà cao tầng của New York. Đại dịch Covid – 19 một lần nữa thức tỉnh nhân loại phải thay đổi tư duy, quan điểm về cách thức vận hành cuộc sống của chính mình.

Đã có những lúc người ta chỉ chú trọng đảm bảo đời sống tinh thần, các giá trị xã hội mà lãng quên vai trò tạo ra của cải vật chất, nâng cao thu nhập. Nhưng cũng có những giai đoạn nền kinh tế phát triển vượt bậc với những cuộc chạy đua sản xuất, các chỉ số kinh tế cùng danh sách những người giàu có ngày càng được nối dài để lại đằng sau đó là những khoảng trống rất lớn về sự cân bằng trong các mối quan hệ xã hội.

Phải chăng khi đứng trước cơ hội được xây dựng một cuộc sống mới cùng với sự hỗ trợ tối đa của máy móc thiết bị hiện đại giúp tạo ra của cải vật chất dồi dào cho thế giới này, con người lại một lần nữa cần nhìn nhận xem mình nên sống như thế nào để có thể dung hòa giữa sự phát triển và ổn định. Một bước tiến nhanh về phía trước nếu không được cân nhắc cẩn thận vẫn có thể để lại những hệ lụy nghiêm trọng đôi khi chỉ vì những yếu điểm rất nhỏ của mô hình vận hành cuộc sống.

Cuối cùng, sẽ không thừa thãi chút nào nếu con người nhìn nhận nghiêm túc và có trách nhiệm về chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà họ đang sống. Vấn đề ô nhiễm không khí, nước hay mức độ vệ sinh, an toàn của nguồn lương thực, thực phẩm không có tính hiện diện rõ ràng trong đời sống của mỗi con người nên đôi lúc thường bị chúng ta xem nhẹ.

Covid – 19 nhìn nhận ở góc độ tích cực cũng chính là một lời cảnh báo quyết liệt đến tất cả những người đang sống trên thảm thực vật trái đất để họ có sự thay đổi về cách nhìn và hướng tác động đến môi trường sống. Từ việc rửa tay sạch thường xuyên, xây dựng môi trường sống an toàn và thái độ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe sẽ giúp con người đồng loạt thay đổi hành vi của mình một cách tích cực khi tác động đến hệ sinh thái.

Trong nhiều diễn đàn gần đây, có một đề tài thú vị mà mọi người hay thảo luận đó là cuộc sống thời kỳ hậu Covid – 19 sẽ như thế nào. Một vài người bạn của tôi còn băn khoăn về việc có hay không sự kết thúc dịch bệnh hoàn toàn hoặc thế giới này sẽ mãi sống chung với một loại vi khuẩn và mầm bệnh mới, điều đã từng xảy ra trong quá khứ.

Khi tình hình dịch bệnh có nhiều diễn tiến khó đoán định, người ta luôn đặt ra nhiều hi vọng và hồi hộp chờ đón một kịch bản cho cuộc sống mới, nhất là khi một số nước đang dần mở cửa và các hoạt động giao thương bắt đầu quay trở lại nhịp độ cũ. Vậy chúng ta cần làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống ấy? Nếu Covid – 19 thực sự là một cơ chế tự điều chỉnh giúp trái đất này lấy lại sự cân bằng để tiếp tục phát triển trong tương lai thì có lẽ ngay từ bây giờ mỗi con người và mỗi quốc gia cần phải có động thái điều chỉnh hành vi phù hợp.

Trần Hương Giang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.