Các công ty Trung Quốc đang trỗi dậy trong mọi lĩnh vực tại Hong Kong, đặc biệt trong mảng tài chính, bất động sản và viễn thông.
Ngày 1/7/1997, Hong Kong được Anh trao trả về Trung Quốc. Kể từ đó, thành phố 7 triệu dân này đã thay đổi rất nhiều. Nhiều cơ hội mới nảy sinh, nhưng cũng nhiều vấn đề mới xuất hiện. Sự biến chuyển của Hong Kong phần nào cũng phản ánh tác động của Trung Quốc lên cả thế giới.
Năm 1997, kinh tế Hong Kong bị thống trị bởi các tài phiệt địa phương như Li Ka-shing và các công ty đa ngành như Jardine Matheson Holdings. Nhưng đến năm 2017, dù Li và các tỷ phú khác vẫn là những gã khổng lồ, tầm ảnh hưởng của họ đã giảm đi phần nào. Thay vào đó, các công ty Trung Quốc lại trỗi dậy ở đây, đặc biệt trong mảng tài chính, bất động sản và viễn thông. Ở nhiều lĩnh vực khác, người ta cũng dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của Trung Quốc đang tăng lên.
Đổi lại, tốc độ tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc vài thập kỷ qua cũng khiến Hong Kong ít nhiều mất đi tầm quan trọng với Bắc Kinh, về góc độ kinh tế. Trước đây, Trung Quốc cần Hong Kong làm cảng biển, tụ điểm hàng không và trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng giờ, cảng Ninh Ba, Thượng Hải hay Thâm Quyến còn nhộn nhịp hơn. Kinh tế Hong Kong cũng đang phụ thuộc vào Trung Quốc hơn bao giờ hết, trong bối cảnh tăng trưởng tại Trung Quốc chậm lại và rủi ro tài chính tăng lên.
Trung Quốc hiện đóng góp hơn một nửa tổng kim ngạch thương mại của Hong Kong
Hong Kong từ lâu đã đóng vai trò cửa ngõ ra vào Trung Quốc. Hồi thập niên 90, các công ty Trung Quốc còn phải huy động vốn thông qua Hong Kong để tăng trưởng kinh tế. Nhưng giờ đây, khi ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc lên Hong Kong ngày càng tăng, các công ty hầu bao rủng rỉnh tại Trung Quốc cũng ngày càng có tiếng nói tại thành phố này.
Dịch vụ tài chính đóng góp tới 18% GDP cho Hong Kong. Năm 1997, Morgan Stanley, HSBC và Merrill Lynch là những ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành hàng đầu tại đây. Còn giờ, 9 trong 10 cái tên được ưa chuộng nhất là từ Trung Quốc.
Để giành thị phần, các ngân hàng đầu tư Trung Quốc đã giảm phí. Với một số vụ IPO, đặc biệt là các thương vụ cao cấp, họ chỉ nhận được bằng nửa con số cách đây 5 năm – tức là chỉ 1% giá trị thương vụ.
Sự thay đổi này diễn ra đồng thời với xu hướng ngày càng nhiều công ty Trung Quốc sang Hong Kong niêm yết, để làm bàn đạp tiến ra toàn cầu. Giờ đây, gần như mọi IPO mới trên sàn Hong Kong là từ các công ty có nguồn gốc Trung Quốc. Việc này trái ngược hẳn với 6 năm trước, khi Hong Kong còn thu hút những cái tên đình đám toàn cầu như Prada hay Samsonite International.
Các hãng bất động sản Trung Quốc, như HNA Group hay Logan Property Holdings, cũng đang lấn át các đối thủ Hong Kong. Xu hướng này kéo dài từ năm ngoái, khi các công ty Trung Quốc mua được nửa số đất xây nhà ở được chính quyền đem đấu giá.
Còn năm nay, họ đã lấy được số đất trị giá 37 tỷ đôla Hong Kong. Các công ty Hong Kong thì vẫn chưa mua được mảnh nào.
HNA của tài phiệt hàng không Chen Feng là cái tên tích cực nhất. Tính từ cuối năm ngoái, họ đã chi 27,2 tỷ đôla Hong Kong cho 4 mảnh đất tại sân bay Kai Tak cũ. Lần đầu tấn công thị trường này tháng 11 năm ngoái, HNA đã đánh bại 19 đối thủ khác, với giá đấu thầu kỷ lục – 8,84 tỷ đôla Hong Kong. Sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc đã góp phần đẩy giá bất động sản Hong Kong lên cao bậc nhất thế giới.
Vì thế, giới chức tài chính Hong Kong đang cân nhắc áp đặt lệnh hạn chế lên việc vay ngân hàng để xây dựng và mua đất. Việc này sẽ tác động đến rất nhiều hãng bất động sản Trung Quốc phụ thuộc vào tiền đi vay để hoạt động. Tuy nhiên, nó được đánh giá khó có thể ngăn xu hướng này.
Giá bất động sản Hong Kong được đánh giá đắt đỏ bậc nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg
Trên thị trường viễn thông, nhà mạng lớn nhất Trung Quốc - China Mobile đã tấn công thị trường này từ năm 2006, khi chưa có đối thủ nào Trung Quốc có mặt tại đây. Họ đã mua China Resources Peoples Telephone và hiện kiểm soát một phần 5 thị trường viễn thông tại đây, chia sẻ thị phần cùng các tài phiệt Hong Kong như gia đình Kwok (Sun Hung Kai Properties) và Li Ka-shing (CK Hutchison).
Một nhà mạng khác là China Telecom thì đang lên kế hoạch cung cấp dịch vụ di động tại đây. Còn tờ báo tiếng Anh nổi tiếng của Hong Kong - South China Morning Post năm ngoái cũng đã được tỷ phú Alibaba – Jack Ma mua lại.
"Các tài phiệt địa phương, vốn từ lâu thống trị kinh tế Hong Kong, sẽ dần mất vị thế, trừ phi họ hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc", Ting Wai – Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong Baptist nhận xét.
Khi các công ty Trung Quốc tấn công Hong Kong, doanh nghiệp địa phương lại phải chuyển hướng sang nước ngoài. Năm 1997, gần 70% lợi nhuận Hutchison Whampoa của Li Ka-shing là đến từ Hong Kong. Nhưng ngày nay, con số này chỉ vào khoảng 3% khi công ty của ông tích cực đổ vốn sang châu Âu và Australia. Động thái này nhiều lần khiến ông bị chỉ trích bỏ rơi nơi đã giúp mình thành tỷ phú. Tuy nhiên, Li vẫn phủ nhận điều này.
Đế chế bất động sản – trang sức Chow Tai Fook thì gần đây đã mua một công ty khí đốt Australia – Alinta – để tấn công vào mảng này ở nước ngoài. "Với các tài phiệt địa phương, thách thức giờ không phải là duy trì vị thế dẫn đầu nữa. Mà là làm sao để tồn tại. Nếu không làm gì đó, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi", Castor Pang – Giám đốc nghiên cứu tại Core-Pacific Yamaichi International Hong Kong kết luận.
Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.