06/11/2012 2:49 PM
CafeLand – Bộ ba “đại gia phố núi”, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Đức Long Gia Lai được biết đến với hoạt động kinh doanh đa ngành trong đó có bất động sản, nhưng thời gian gần đây, thị trường bất động sản gặp khó khiến cho các “đại gia” này phải chuyển hướng đầu tư, tập trung vào nhiều ngành nghề vốn được xem là nghề phụ để có tiền “nuôi” bất động sản hoặc để giảm lỗ.

Trồng trọt là một trong những ngành "hái ra tiền" được nhiều doanh nghiệp bất động sản chú trọng. Ảnh Internet

Được biết đến với hoạt động kinh doanh đa ngành, trong đó có 5 lĩnh vực mà công ty này đang chú trọng: Trồng trọt, khoáng sản, bất động sản, thủy điện, sản xuất gỗ và đá granite, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là doanh nghiệp đang phát triển mạnh nhất và có danh tiếng nhất trong ba "đại gia".

Thời gian gần đây, Tập đoàn này đang được dư luận chú ý với những thông tin như số nợ 15.493 tỷ đồng, bằng 63% tổng tài sản. Trong khi các chuyên gia cho rằng số nợ hiện tại của HAGL là quá lớn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao thì đại diện Tập đoàn này khẳng định số nợ hơn 15 nghìn tỷ đồng này không có đáng lo ngại vì số tài sản của công ty lên tới 25.000 tỷ đồng.

Mới đây, sau khi các nhà đầu tư thứ cấp bán phá giá căn hộ Hoàng Anh River View (quận 2, TP HCM) do HAGL làm chủ đầu tư từ 28 triệu đồng xuống còn 18,1 triệu đồng mỗi m2, đơn vị này chính thức công bố hạ giá bán căn hộ tại dự án Thanh Bình xuống còn khoảng 19 triệu đồng/m². Việc bán “phá giá” của Hoàng Anh Gia Lai gây xôn xao trong dư luận trong suốt thời gian qua.

Trong lúc, nhiều doanh nghiệp lo sợ việc hạ giá bán căn hộ sẽ làm cho công ty “lỗ nặng” thì ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL lại cho rằng: Tôi giảm giá vẫn trụ vững vì dòng tiền này được tái đầu tư vào cao su, thủy điện, khoáng sản sẽ mang về lợi nhuận cao.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ 2012 đã soát xét của HAGL cho thấy, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.145,65 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, doanh thu căn hộ là 598 tỷ đồng, doanh thu khoáng sản là 180 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hóa 153 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ là 87,6 tỷ đồng, doanh thu bán điện là 71 tỷ đồng, doanh thu từ các hợp đồng xây dựng là 55,5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí công ty lãi ròng 153,8 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2011.

Cũng được biết đến là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành, tuy nhiên thời gian gần đây Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai lại bị nhắc đến như một doanh nghiệp bất động làm ăn bết bát, nợ nần chồng chất. Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai còn bị các nhà đầu tư kiện tụng.

Có lẽ vì vậy mà cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai không ngừng rớt giá. Tính từ thời điểm ngày 1/8, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai từ mức 8.800 đồng/cổ phiếu xuống mức 7.000 đồng cổ phiếu vào ngày 2/11, tương đương mất 20,45%.

Thêm vào đó, tình hình kinh doanh hiện tại của công ty cũng không mấy sáng sủa. Cuối tháng 6 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai phải xin ý kiến cổ đông thay đổi cơ cấu phần vốn tham gia vào dự án Phước Kiển với tỷ lệ vốn tự có là 30% trên tổng mức đầu tư, đồng thời tăng tổng hạn mức vay từ 877,146 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty này cũng đề xuất gia hạn thời gian rút vốn tới hết năm 2013, gia hạn thời hạn trả khoản nợ đầu tiên tới quý 2/2014 và xin giảm lãi suất vay từ 18%/năm xuống còn 14% - 15%/năm. Có thể thấy, việc kinh doanh dự án này đang gặp khó, nên đồng vốn rót vào dự án này không thu hồi được. Đây là nguyên nhân chính làm cho Quốc Cường Gia Lai gặp khó.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2012 của công ty mẹ cho thấy, doanh thu thuần của Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt 59,7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1,16 tỷ đồng. Con số này dù thấp nhưng vẫn khả quan hơn mức lỗ 12,23 tỷ đồng trong quý 3/2011.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2012, Quốc Cường Gia Lai đạt 140 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 64% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 2 tỷ đồng nhờ có khoản lợi nhuận khác 4,5 tỷ đồng. Gánh nặng của Quốc Cường Gia Lai chính là chi phí tài chính cao do vay nợ quá lớn. Theo báo cáo tài chính của công ty chi phí lãi vay 9 tháng là khoảng 42,63 tỷ đồng.

Không mạnh về bất động sản như Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai, Đức Long Gia Lai tập trung đầu tư vào trồng trọt, khai thác và kinh doanh khoáng sản.

Năm 2012, Đức Long Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 55 tỷ đồng nhưng chủ yếu đến từ hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản.

Báo cáo tài chính quý 3/2012 của công ty mẹ cho thấy, công ty đạt 113 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, doanh thu bán gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm tới 68 tỷ đồng, doanh thu bán phân bón và hàng hóa là 42,5 tỷ đồng, công ty không có doanh thu từ bất động sản.

Có thể thấy, dù ít hay nhiều, “các đại gia phố núi” đều chuyển hướng hoạt động kinh doanh ra các lĩnh vực khác để thoát khỏi cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản. Có thể đây là một hướng đi khôn ngoan trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, liệu các “đại gia phố núi” có gỡ rối được hay không là vấn đề hoàn toàn khác.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.