Ngày 3/12, tại Dubai, UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Robert Helms, thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn CIP (Đan Mạch) và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (EE - Anh).
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn năng lượng lớn thế giới. Ảnh: VGP
Thông tin với Thủ tướng, ông Robert Helms cho biết, CIP đã có một hợp đồng khoảng 200 triệu USD trong lĩnh vực điện gió ở Việt Nam và đang dự kiến ký thêm hợp đồng 350 triệu USD.
Đặc biệt, CIP đang phối hợp để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư dự kiến 10,5 tỷ USD. Hiện các thủ tục đang được hoàn tất để đưa dự án sẵn sàng đi vào triển khai.
Còn theo ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn EE, tại Việt Nam, tập đoàn này đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận.
Dự án gồm 2 cấu phần là Thăng Long Wind (TLW), công suất 3.400MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD và Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.
Chủ tịch EE cho biết việc đưa vào khai thác thương mại cho dự án Thăng Long Win và Thăng Long Win 2 vào năm 2029 là trọng tâm hoạt động của tập đoàn. Bên cạnh đó, EE sẽ trao đổi với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về cơ chế giá điện.
Đánh giá cao nỗ lực của các nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để triển khai cam kết tại COP26, Việt Nam đã triển khai 12 hoạt động liên quan thể chế, chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác một số nhiệm vụ cụ thể, cùng Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp điện tái tạo, hiện thực hóa chủ trương giảm phát thải.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý cùng với việc triển khai cụ thể các dự án nguồn điện, cần gắn với đầu tư lưới điện. Việt Nam sẵn sàng đưa ra các cơ chế chính sách ưu tiên thu hút ngành năng lượng tái tạo phù hợp như chính sách thuế, giá, ưu đãi sử dụng đất, nước, mặt biển…
Riêng với kiến nghị về giá điện, Thủ tướng cho hay cần có cơ chế giá phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Mức giá đưa ra doanh nghiệp và người dân chịu được, hài hòa với các ngành khác trong nền kinh tế.
Xem thêm bản đồ Quy hoạch tỉnh Bình Thuận TẠI ĐÂY
Cần khoảng 120 tỷ USD triển khai Quy hoạch điện 8
Liên quan đến đề xuất của các tập đoàn, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ khảo sát trữ lượng cũng như hệ thống tải điện phù hợp. Các dự án do CIP và EE đang nghiên cứu cơ bản phù hợp với Quy hoạch điện 8, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để nghiên cứu, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư cụ thể.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện 8. Trong đó, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu trong nước đạt khoảng 6.000 MW.
Còn theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, điện gió xa bờ là trọng tâm trong chuyển hướng chiến lược của tập đoàn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Petrovietnam đang xây dựng danh mục dự án điện gió ngoài khơi, báo cáo cấp có thẩm quyền; triển khai đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này; hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới và trực tiếp đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về điện gió ngoài khơi, tiến tới tự chủ trong việc phát triển điện gió ngoài khơi.
Để triển khai Quy hoạch điện 8 và thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam ước tính cần khoảng 120 - 140 tỷ USD. Đây là một thách thức song là xu hướng tất yếu đòi hỏi nguồn lực lớn và chiến lược bài bản.
Do đó, Việt Nam mong muốn các đối tác nước ngoài tích cực hỗ trợ, huy động nguồn đầu tư, tài chính xanh và trực tiếp đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
CIP là tập đoàn năng lượng xanh lớn nhất thế giới với quy mô 25 tỷ USD, đã có nhiều dự án điện gió ngoài khơi tại Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc… và đang có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỉ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030. EE là tập đoàn đa ngành của Anh hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và phát triển năng lượng như dầu khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và nhiệt điện. |
-
Nhà máy điện gió Thanh Phong giai đoạn 1, công suất 29,7 MW do Công ty CP Năng lượng Ecowin làm chủ đầu tư là dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp thứ 21 đã hoàn thành thủ tục phát điện lên lưới.
-
Tại Việt Nam, Pacifico Energy hiện là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất của Mỹ với dự án điện mặt trời Mũi Né công suất 40 MW ở Bình Thuận và dự án điện gió Sunpro 30 MW ở Bến Tre.
-
Công ty NeoSCM Limited đầu tư dự án hơn 2.200 tỷ đồng tại Bình Thuận
Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận vừa tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án do doanh nghiệp đăng ký triển khai tại KCN Hàm Kiệm II và KCN Tân Đức.
-
Thông tin mới về dự án Resort & Hotel Lamuine 1 tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Resort & Hotel Lamuine 1 tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết của Công ty TNHH Du lịch Minh Quân....
-
Vì sao NovaWorld Phan Thiet Golf Club được các nghệ sĩ lựa chọn làm nơi diễn ra giải đấu “Hò Dô Swing Artist Golf Tournament”?
Giải Golf “Hò Dô Swing Artist Golf Tournament” diễn ra vào ngày 15/11 tại tổ hợp NovaWorld Phan Thiet thu hút sự tham gia của gần 50 nghệ sĩ, doanh nhân nổi tiếng từ Bắc đến Nam.