Tại thời điểm thị trường bất động sản sôi động, dự án Licogi Tiền Phong được coi là một trong những "gà đẻ trứng vàng" cho chủ đầu tư. Hồi năm 2009, chủ đầu tư dự án Licogi Tiền Phong (Mê Linh) đã bán hàng trăm lô đất liền kề, biệt thự cho khách hàng với số tiền thu 90% giá trị hợp đồng.
Dự án vẫn chưa xong hạ tầng
Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư vào tháng 3/2008 và giao đất cho chủ đầu tư vào tháng 6/2008. Tổng diện tích lập quy hoạch phát triển khu nhà ở vào khoảng 156.683 m2, trong đó, nhà phố chia lô vào khoảng 16.241m2, nhà biệt thự song lập vào khoảng 18.467m2, và một số cụm nhà ở cao tầng,…
Đến cuối 2009 đầu năm 2010, chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn để triển khai dự án bằng hình thức ký hợp đồng hợp tác góp vốn với rất nhiều khách hàng. Giá các lô đất ghi trong hợp đồng từ 4,6 – 5,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, chủ đầu tư thu tiền chênh ngoài với giá bán thực tế 11-12 triệu đồng/m2.
Dự án Licogi Tiền Phong từng nổi tiếng trên thị trường bất động sản. Những người mua nhà tại dự án này đã chi trả cho chủ đầu tư tới 90% giá trị lô đất. Hiện nay, dự án cũng vẫn được giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, không ai biết đến thông tin dự án này chây ỳ 64 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhiều năm nay.
Bà Trương Thúy Nhài (người mua nhà dự án Licogi Tiền Phong) cho biết, năm 2009 chị đã bỏ 1,7 tỷ đồng để mua một lô đất liền kề có diện tích 184m2 tại dự án xây dựng khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội do Công ty cổ phần đầu tư phát triển 18 (CID18) là chủ đầu tư.
Thời điểm đó,chị nộp tiền mua nhà cho công ty Hoàng Vương –cổ đông của CID 18, giá bán ghi trong hợp đồng là hơn 4,5 triệu đồng/m2. Ngoài khoản tiền này, chị Nhài phải trả thêm 4,7 triệu đồng/m2 cho công ty Hoàng Vương (Nguyễn Xiển, Hà Nội). Số tiền này không có hóa đơn chứng từ.
Mặc dù đã đóng được 95% tổng giá trị hợp đồng nhưng sau gần 4 năm góp vốn giờ chị Nhài vẫn không thể định hình được lô đất của nhà mình nằm ở vị trí nào tại dự án.
“Trong hợp đồng mua bán với khách hàng, chủ đầu tư cam kết hoàn thành hạ tầng vào quý 4/2010 và hoàn thành nhà thô, cổng và hàng rào vào cuối quý 4/2011. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại khi chúng tôi đến dự án mới thấy hết sức xót xa. Toàn bộ dự án mới có 1 con đường chính, con đường này còn chưa được thảm nhựa. Sau nhiều năm, đường đã xuống cấp. Hệ thống đường nước, đường điện không có. Cám cảnh hơn là việc trong hợp đồng có vẽ rõ sơ đồ thửa đất nhưng chúng tôi vẫn không thể tìm được vị trí đất của mình nằm ở đâu khi cả dự án chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc ngập đầu” chị Nhài cho biết.
Trong khi người mua nhà như ngồi trên đống lửa, thì đại diện chủ đầu tư dự án Licogi Tiền Phong, lại cho biết, dự án này hiện đã được chuyển cho người khác.
Thực tế, tại Mê Linh nhiều dự án bất động sản hoành tráng một thời cũng không được chủ đầu tư triển khai xây dựng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chủ đầu tư chây ỳ không chịu triển khai dự án là do hợp đồng góp vốn ghi giá thấp nhưng tiền chênh lệch ngoài đã được khách hàng chi trả đủ 100%. Số tiền chênh ngoài đều đã được chủ đầu tư sử dụng vào mục đích khác trong khi tiền sử dụng đất chưa nộp cho Nhà nước. Với số tiền gốc ít ỏi ghi trong hợp đồng, giờ các chủ đầu tư không thể có đủ tiền để triển khai, không có đủ tiền để nộp tiền sử dụng đất.
Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư sau khi lướt sóng kiếm lời, khoản tiền chênh cả vài trăm tỷ đồng đã chia nhau đút túi và giờ không ai muốn làm nữa. Vì vậy, Mê Linh mới trở thành đại đô thị hoang như hiện nay.
Không chỉ bỏ hoang, bất động, nhiều dự án còn không chịu nộp tiền sử dụng đất. Mới đây, chi Cục thuế huyện Mê Linh cho biết, dự án Licogi Tiền Phong (Tiền Phong, Mê Linh) là 1 trong 10 dự án bất động sản nợ tiền sử dụng đất lớn nhất trên địa bàn.
Nguyên nhân khiến các chủ đầu tư dự án bất động sản tại Mê Linh cố tình chây ỳ không nộp tiền sử dụng đất là do thị trường bất động sản Mê Linh sụt giảm, đóng băng nhiều năm nay. Do vậy, phần lớn các chủ đầu tư bỏ hoang, không triển khai bởi nếu triển khai họ cũng khó thu được tiền của khách hàng. Thêm vào đó, tại nhiều dự án, chủ đầu tư thu tiền của khách hàng xong chiếm dụng không chịu nộp tiền sử dụng đất mà dùng làm việc khác. Đến nay, khó khăn tài chính, họ không có tiền nộp.
Ông Hà Huy Quang - Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho rằng, thời gian vừa qua do vướng quy hoạch chung Thủ đô, các dự án đều chờ quy hoạch nên các chủ đầu tư buộc ngừng triển khai. Thêm nữa, khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, việc xác định tiền sử dụng đất tại nhiều dự án đã buộc phải chờ để tính lại. Ông Quang cũng cho biết, nếu tính lại tiền sử dụng đất, giá đất tại nhiều dự án sẽ bị đội lên thêm từ 3-4 triệu đồng/m2.
Câu hỏi đặt ra, đối với những dự án đã bán hết cho khách hàng, nếu phải tính lại tiền sử dụng đất thì khoản tiền đội lên sẽ do chủ đầu tư hay người mua nhà chi trả?