Theo đó, năm 2004, gần 200 hộ dân xã Dương Hòa phải đến định cư ở 3 thôn Hòa Thành, Hòa Bình và Bình Dương (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà) để nhường đất cho dự án hồ thủy lợi Tả Trạch. Lúc đó, người dân được đền bù, hỗ trợ nhà kèm theo lời hứa sẽ được trả lại đất khi đến nơi ở mới để sản xuất. Thế nhưng, gần 12 năm trôi qua, người dân vẫn không có đất sản xuất, phải đi làm thuê.
Ông Phạm Văn Lộc (ngụ thôn Hòa Bình) cho biết ở xã Dương Hòa, gia đình ông có 2.000 m2 đất trồng cây. “Khi di dời, chính quyền cam kết trả lại đúng diện tích này nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không có đất để sản xuất. Gia đình tôi phải đi phụ hồ, bóc vỏ cây keo, sản xuất lồng chim…, thu nhập rất bấp bênh” - ông Lộc nói.
Không có đất sản xuất, người dân phải đi làm thuê
Ông Nguyễn Đình Đèn có trên 2.500 m2 đất ở Dương Hòa trồng các loại cây lương thực, đủ nuôi sống gia đình. Từ khi về Hòa Bình, cả gia đình phải chấp nhận làm bốc vác, bóc vỏ cây keo, thu hoạch lâm sản… Mùa nắng còn kiếm sống được, mùa mưa không có việc nên sống rất chật vật, khốn khó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, thừa nhận đến nay chỉ có 20 trong số gần 200 hộ ở 3 thôn di dời từ xã Dương Hòa qua tái định cư được trả 20 ha đất trồng cao su, số còn lại chưa được cấp. Theo tính toán, xã Bình Thành cần khoảng 70 ha đất trả lại cho dân nhưng quỹ đất sản xuất của Bình Thành hiện đã có chủ. Nếu muốn trả đất cho dân, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có chủ trương thu hồi đất của các tổ chức, lâm trường.
“Năm nào xã cũng kiến nghị lên cấp trên yêu cầu giải quyết trả đất cho dân nhưng không có kết quả. Không có đất sản xuất, người dân các thôn tái định cư đành phải đi làm thuê” - ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết dự án hồ thủy lợi Tả Trạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) làm chủ đầu tư nên trách nhiệm trả đất cho dân thuộc cơ quan này, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ có vai trò phối hợp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Cũng theo ông Khanh, do quỹ đất không có, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chuyển sang phương án trả tiền với khoản kinh phí trên 70 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu. Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị xem xét trả lời kiến nghị của Bộ NN-PTNT nhằm sớm giải quyết cho người dân.