25/09/2012 4:55 PM
Mua đất, đền bù tiền hoa màu và công cải tạo cho dân có xác nhận của UBND xã. Thế nhưng khi thu hồi đất, UBND huyện lại không có quyết định thu hồi và không đền bù công cải tạo, san lắp mặt bằng.
Theo hồ sơ mà ông Đào Xuân Đường (thương binh 2/4, hiện ở tại số 210 đường Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Mê Thuột) là cán bộ của CTy XDCT 507 (CT 507) thuộc Bộ GTVT gửi Báo PL&XH thì: Đầu năm 1993, Cty 507 được Bộ GTVT giao nhiệm vụ xây dựng cơ bản Quốc lộ (QL) 26.
Theo đó, vật liệu xây dựng (đất cấp phối) được UBND huyện EaKar cho phép đầu tư khai thác tại đồi Cư Huê (thuộc xã Cư Huê) . Nhưng do điều kiện Cty mới thành lập nên không có vốn để đầu tư xây dựng. Do đó, Cty đã giao cho ông Đào Xuân Đường - là đội trưởng đội xây dựng công trình tự bỏ vốn đầu tư để khai thác.
Ngoài việc đầu tư 1,5 km đường vào mỏ; ông Đường phải đầu tư cấp phối 8 km đường trong xã theo yêu cầu của UBND huyện EaKar và UBND xã Cư Huê. Tổng kinh phí cả 2 con đường là 324 triệu đồng (giá thời điểm năm 1993).
Để có bãi chứa thiết bị, máy móc xây dựng công trình, ông Đường đã mua lại ông Y Đhok (tên thường gọi là ông A MaTôn) - nguyên sỹ quan Quân đội nghỉ hưu, cư trú tại xã Cư Huê 14.400 m2 đất tại phía Đông chân đồi Cư Huê. Ông Đường đã trả tiền đền bù hoa màu và tiền công khai hoang phục hóa cho ông Ama Tôn với giá 2 triệu đồng (được thể hiện tại bản cam kết ngày 31/7/1993 có xác nhận của chủ tịch UBND xã Cư Huê).
Giấy mua bán đất của ông Đường có xác nhận của UBND xã
Đến năm 1996, tuy mới chỉ sử dụng được 10.000 m3 đất nhưng Cty 507 được giao nhiệm vụ xây dựng QL 14 tuyến phía Nam Đắc Lắc ( nay thuộc tỉnh Đắc Nông), cho nên việc khai thác VLXD ở đồi Cư Huê tạm dừng lại.
Năm 2005, UBND huyện EaKar đã "thu hồi" diện tích 14.400m2 đất ông Đường mua của ông Ama Tôn để xây dựng nhà cộng đồng nhưng không không thông báo cho ông Đường và không có Quyết định thu hồi đất. Ông Đường đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Ea Kar và các cơ quan có thẩm quyền khiếu nại, yêu cầu trả công san lắp mặt bằng trên diện tích đất ông đã mua. Nhưng từ đó đến nay, không được UBND huyện cũng như các cơ quan hồi âm, giải quyết.
Trả lời PV Báo PL&XH về nội dung khiếu nại của ông Đường, ông Lê Đình Chiến- Trưởng phòng TNMT huyện EaKar cho rằng: ông Ama Tôn không có đất. Đất ông Đường mua là do con ông Ama Tôn lấn chiếm đất đồi, cải tạo trồng hoa màu nên việc ông Đường khiếu nại là không có cơ sở.
Mảnh đất bị thu hồi để xây nhà công cộng mà không có quyết định thu hồi và không có đền bù
Thế nhưng theo quy định của pháp luật về Đất đai thì: trước ngày 15/10/1993, đất khai hoang phục hóa, tự khai thác mà không có tranh chấp thì người sử dụng đất đó được công nhận là đất hợp pháp. Cho nên việc phòng TNMT và UBND huyện EaKar không công nhận tính hợp pháp đất của ông Đường mua của ông Ama Tôn, không đền bù công san lấp, cải tạo khi thu hồi đất là chưa thấu tình, đạt lý.
Đề nghị UBND huyện EaKar sớm xem xét, giải quyết việc đền bù phần đất này cho ông Đường theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài ở địa phương.
Theo Nam Trung (PLXH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.