22/09/2014 2:56 PM
CafeLand - Diễn tiến tình hình đôn đốc bố trí đất tái định cư trên địa bàn Đà Nẵng đang nóng lên từng ngày, bởi sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, thực sự khiến dư luận chú ý. Câu hỏi ở đây, là tại sao lần này, Đà Nẵng lại kiên định như vậy trong vấn đề xử lý đất tái định cư?

Mới đây nhất, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đã công bố thời điểm gia hạn bố trí đất tái định cư cho người dân quận Liên Chiểu, khu vực có nhiều dự án “chờ đất” nhất, là 30/10/2014. Cho đến nay, khu vực này còn 509 hộ dân chưa được bố trí đất tái định cư, trong đó nhiều hộ đã chờ từ năm 2011. Qua chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền, nhiều người dân khấp khởi tin mùa mưa 2014 này, họ sẽ có được phần đất ổn định để xây nhà dựng cửa.

Thiếu trách nhiệm với dân?

Vấn đề lãnh đạo địa phương khơi gợi lên, là vì sao người dân cứ phải chờ đợi nhận phần đất tái định cư từ ngày này qua tháng nọ, dù đó là quyền lợi chính đáng của họ, chính quyền phải lo nghiêm túc và đúng hạn. Thực tế nếu người dân ở các khu vực chỉnh trang phát triển đô thị không chịu di dời giải tỏa, thì bị xử phạt. Vậy nếu cán bộ Nhà nước chậm trễ giao đất tái định cư đã hứa với họ, thì có bị xử phạt không ?

Rà soát của chính quyền Đà Nẵng cho thấy, những trường hợp này, cán bộ coi như vô can, không bị xử lý gì. Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận xét, như vậy là thiếu trách nhiệm với dân. Cần thay đổi hẳn thái độ đó.

Nhiều nơi đã có đất nhưng người dân vẫn chưa nhận được do thủ tục rườm rà. Ảnh: N.Đức

Cơ bản qua các cơ quan chuyên môn tham mưu, có 3 nguyên nhân dẫn đến sự tình chậm trễ giao đất.

Thứ nhất, quy hoạch bất hợp lý nên dân không đồng thuận. Nhiều dự án bố trí đất tái định cư ở Liên Chiểu, Cẩm Lệ (Đà Nẵng) được chính các lãnh đạo phường nêu lên, là bố trí phân lô đất không thỏa đáng. Người dân phải giải tỏa khỏi nơi sống, với diện tích đất có khi vài ngàn m2, có vườn cây, nhà cửa, lại được bố trí vào những lô đất chia nhỏ diện tích 100 – 120 m2, nên không chấp nhận. Chính quyền phải tiến hành soát xét lại quy hoạch, chấp nhận nới rộng các lô đất ra 300 – 400 m2 mới hợp lý. Vì các cơ quan tham mưu không làm tròn trách nhiệm này, nên dẫn đến nhiều khu vực không thể bố trí đất cho dân.

Thứ hai, so đo quyền lợi của dân. Đây là tình trạng phổ biến, bởi nhiều hộ dân nếu chiếu theo điều kiện nhận đất, chỉ nhận các phần đất mặt tiền nhỏ; trong khi các khu đất này lại chưa được thi công do vị trí nằm khuất sâu giữa các dự án. Ông Trần Thọ đã phải chỉ đạo xử lý 1 số khu đất như vậy, cho chuyển các hộ dân nhận đất đường 5,5 mét lên 7,5 mét, từ 7,5 mét lên 10,5 mét… ở Cẩm Lệ, Liên Chiểu vì các đường lớn đã thi công xong, đất đã có sẵn.

Ông Phùng Tấn Viết, phó chủ tịch UBND Đà Nẵng nhìn nhận, vì cán bộ không dám đề xuất tăng cường hỗ trợ cho dân, cứ chiếu giấy tờ mà làm, nên xảy ra tình trạng “đất chờ dân, dân chờ đất”. Một khi cán bộ Nhà nước đừng so đo quyền lợi người dân nữa, giúp họ điều kiện nhận đất nhanh nhất, thì sẽ giải quyết được ngay cho dân. Kéo theo đó, địa phương sẽ có lợi nhiều hơn, như không phải tốn kém tiền hỗ trợ dân thuê nhà chờ nhận đất, dứt điểm được tình trạng “thất hứa” với dân, thúc đẩy hiệu quả các dự án…

Cò đất hết phương sống?

Vấn đề thứ ba đáng chú ý, là nạn cò đất, mua đi bán lại đất quy hoạch tại Đà Nẵng sẽ có khả năng được chấn chỉnh.

Về vấn đề này, 1 cán bộ quy hoạch Đà Nẵng phân tích, lâu nay tình trạng “cả nể” lẫn nhau giữa cán bộ quản lý ở sở ngành chức năng, nhà đầu tư, đơn vị thi công và cả giới cò đất là có thật.

Hiện trạng dễ thấy là sau khi dự án quy hoạch triển khai, sẽ có nhiều lô đất được mua đi bán lại, chuyển nhượng trao tay lấy chênh lệch. Những đối tượng có “phiếu đất” này không thực sự có nhu cầu về đất ở, nên chỉ giữ lô đất trên giấy tờ để bán lại.

Qua nhiều tầng nấc quan hệ nối kết, các lô đất này “tự động sinh lợi”, và được giữ lại cho các đối tượng cò đất. Họ “ung dung” được giữ cơ hội “đất tốt”, còn nhiều hộ dân cùng dự án, cùng khu vực bố trí tái định cư lại bức xúc vì không có đất ở. Thậm chí có dự án đã thi công xong đất, người dân vẫn chưa được bố trí bởi cán bộ dự án không báo cáo, “để dành đất” cho các đối tượng “hưởng lợi” nhận trước…

Đà Nẵng còn nhiều dự án chậm bàn giao đất do sự chậm trễ của cơ quan quản lí. Ảnh: N.Đức

Ông Trần Thọ trước vấn nạn này, đã chỉ đạo, việc bố trí đất tái định cư ưu tiên cho các hộ cần đất, thì cứ phải triệu tập người dân đến bốc thăm nhận đất ngay khi có đất. Những trường hợp không bức xúc chỗ ở, không theo dõi tiến độ giao đất, chính quyền sẽ quyết định bố trí sau và họ không có quyền phàn nàn khiếu nại nếu các hồ sơ đất thực nhận về sau “kém ưu đãi”.

Lãnh đạo quận Liên Chiểu khẳng định: “Chủ trương này sẽ khiến giới cò đất hết cơ hội hưởng lợi. Bởi nếu họ không theo dõi dự án, cứ dựa vào “phiếu đất” đã đánh số lô để chuyển nhượng, chắc chắn sẽ lâm vào tình trạng sau này nhận đất không đúng lô đã định. Điều này là hợp lý vì thành phố sẽ ưu tiên người dân cần đất được nhận đất, kể cả hỗ trợ họ nhận phần đất vượt hơn tiêu chuẩn. Tiến độ giao đất sẽ nhanh hơn và nạn “hưởng lợi quy hoạch”, “găm phiếu cò mồi đất” sẽ dần bị triệt trừ”.

Rõ ràng động thái xúc tiến giao đất tái định cư hiện nay của chính quyền thành phố Đà Nẵng không chỉ nhằm giải tỏa nỗi bức xúc của nhiều người dân từ lâu phải chờ giao đất, mà còn tấn công vào “cơ chế” hưởng lợi cò mồi, chuyển nhượng đất ở các dự án lâu nay. Hơn nữa, các cán bộ trực tiếp xử lý giao đất cho dân cũng phải thay đổi hẳn thái độ, trách nhiệm với người dân.

Hy vọng với mục đích tháo gỡ những bức xúc này, diễn tiến quy hoạch bố trí đất trên địa bàn Đà Nẵng kể từ mùa thu 2014 này sẽ tích cực hơn.

Nguyên Đức
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.