Ngày 8/3/2016 mỏ đá Phước Lý ở chân núi Phước Tường đã ngưng hoạt động khai thác
PV: Theo thông tin chính thức từ UBND thành phố Đà Nẵng, kể từ ngày 08/3, mỏ đá Phước Lý sẽ đóng cửa hoạt động. Xin ông cho biết rõ hơn thông tin về quyết định này.
Ông Nguyễn Quang Vinh: Theo Thông báo số 59 (ngày 06/4/2015), UBND Đà Nẵng cho phép mỏ đá Phước Lý hoạt động đến ngày 31/12/2015.
Sau thời hạn này, chủ mỏ đá là công ty TNHH Nho Chiến đã cho dừng hoạt động khai thác tại mỏ.
Đến ngày 16/02/2016 vừa qua, UBND thành phố cũng đã ban hành tiếp Quyết định số 808 về việc chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác mỏ đá Phước Lý của công ty TNHH Nho Chiến.
Đến nay, khu vực mỏ đá này đã dừng hoạt động khai thác hoàn toàn.
Công ty Nho Chiến chỉ đang thu dọn lượng đá còn sót lại trong quá trình khai thác trước đây để tạo mặt bằng, an toàn mỏ, phục vụ cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án đã được UBND thành phố phê duyệt.
PV: Khu vực quanh núi Phước Tường có 7 mỏ đá hoạt động và đều đã nằm trong danh sách phải dừng từ năm 2015 do chính quyền chỉ đạo triển khai. Vậy cùng với mỏ đá Phước Lý, sẽ còn những mỏ đá nào đóng cửa trong lần này và các mỏ đá khác sẽ ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng đá xây dựng trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 7747 (ngày 06/11/2013) và Thông báo 105 (ngày 10/6/2015) của UBND thành phố về kết luận của Chủ tịch UBND thành phố liên quan đến hoạt động các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố, lộ trình đóng cửa mỏ của các mỏ đá tại khu vực núi Phước Tường, Cẩm Khê được xác định như sau:
- Nhóm mỏ sẽ dừng hoạt động khai thác vào tháng 12/2015: mỏ đá Hòa Phát, mỏ đá Phước Tường, mỏ đá Phước Lý.
- Nhóm mỏ tiếp tục hoạt động khai thác, sẽ đóng cửa vào năm 2020: mỏ đá Đà Sơn A, Đà Sơn B, Đà Sơn II, Cẩm Khê, Cẩm Khê II.
Đến ngày 17/10/2015, UBND thành phố có Công văn số 8235 đồng ý chủ trương cho công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng được gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá Phước Tường (Hòa Phát, Cẩm Lệ) hoạt động đến tháng 6/2020 để phục vụ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải. Công ty đã hoàn thành thủ tục đề nghị gia hạn, được UBND thành phố cấp giấy phép khai thác số 705 (ngày 04/02/2016).
Như vậy, các mỏ đá ở khu vực núi Phước Tường, Cẩm Khê sẽ lần lượt được đóng theo lộ trình đã đặt ra.
PV: Các doanh nghiệp xây dựng cho biết nguồn đá do các mỏ đá này cung ứng cho thị trường xây dựng tại Đà Nẵng lâu nay là khá lớn. Vậy theo ông, nếu các mỏ đá cùng dừng hoạt động lại, nguồn vật liệu đá xây dựng cho Đà Nẵng sẽ được xử lý như thế nào? Sở Tài nguyên Môi trường liệu đã có những hoạch định nào để quy hoạch nhu cầu nguồn vật liệu này?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Các mỏ đá tại khu vực này cung ứng hơn 2/3 sản lượng đá các loại cho địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng đá xây dựng trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2013- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 7747 (ngày 06/11/2013), trong đó đã đề ra lộ trình đóng cửa mỏ các mỏ đá trên địa bàn thành phố.
Do đó, sẽ không có việc các mỏ đá đều dừng hoạt động làm thiếu nguồn cung ứng vật liệu xây dựng cho thành phố.
PV: Đối với các mỏ đá đóng cửa, hướng xử lý giải quyết lao động, thiết bị máy móc của doanh nghiệp sẽ ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Đối với các mỏ đá đóng cửa, trước mắt các đơn vị phải thu gom đá còn sót lại trong mỏ, hoàn trả mặt bằng để phục vụ công tác cải tạo, phục hồi môi trường.
Việc đóng cửa một số mỏ đá theo lộ trình đề ra, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường họp và thông báo cho các chủ doanh nghiệp khi Quy hoạch được phê duyệt để các doanh nghiệp có định hướng đầu tư, bố trí lao động cho phù hợp.