21/01/2016 9:17 PM
Trong khi những công trình xây dựng trái phép đang được tiến hành tháo dỡ thì chính quyền Q. Liên Chiểu và cơ quan kiểm lâm (KL) lại đau đầu khi lòi ra thêm gần 50 hồ sơ đất rừng có dấu hiệu xây dựng, chuyển nhượng sai quy định trong rừng Hải Vân. Không chỉ vậy, trong khi Đà Nẵng và TT-Huế chưa thống nhất được khu vực chồng lấn cũng khiến một phần của rừng Hải Vân trở nên “lơ lửng”.

Kiểm lâm giao rừng, chính quyền chưa chịu nhận?

Tháng 8-2015, thực hiện chủ trương của UBND TP, Hạt KL Q. Liên Chiểu và chính quyền quận tổ chức bàn giao hơn 1.600ha đất rừng và đất lâm nghiệp cho UBND P. Hòa Hiệp Bắc quản lý, bảo vệ sau khi đã thống nhất xác nhận ranh giới và phân cấp quản lý. Tuy nhiên, UBND P. Hòa Hiệp Bắc chỉ nhận bàn giao hơn 1.500ha, còn diện tích 127ha của 49 hồ sơ giao khoán không đúng thời điểm, mua bán, chuyển nhượng không đúng mục đích thì phường chưa thống nhất nhận bàn giao.

Theo khảo sát thực tế của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ngay bên hông Hạt KL Liên Chiểu có một con đường bê-tông dẫn vào khu công trình đang được tháo dỡ. Từ những ngôi nhà tiền tỷ được xây dựng trái phép này đi vào sâu phía trong và một số khu vực lân cận có rất nhiều công trình mọc lên với tường rào cổng ngõ tương đối kiên cố. Thậm chí, có nơi dù không xây dựng theo kiểu nguy nga nhưng lại có hàng rào thép B40 đóng kín từ rất xa, chủ nhà nuôi nhiều chó canh giữ ngay phía trong cổng nên người ngoài rất khó tiếp cận. Thậm chí, từ khu công trình này đi vào sâu trong rừng thuộc Tiểu khu 11, còn có một công trình kiểu như nhà vườn được xây dựng kiên cố, trụ bê-tông, lợp ngói với đầy đủ tiện nghi. Theo cơ quan KL, đây là ngôi nhà của ông Lê Tiến Dũng (trú P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu). Theo nguồn tin của P.V, trong 49 hồ sơ xây dựng, lấn chiếm hoặc chuyển nhượng trái phép có cả tên của lãnh đạo một sở vừa nghỉ hưu. Khi được hỏi về trường hợp này, một cán bộ KL nói nhanh: “Cái đó (công trình trái phép - P.V) của ảnh là cái trang trại, cũng nhỏ thôi”.

Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc cho biết, phần giao cho phường quản lý gồm nhiều loại, trong đó có rừng trồng, rừng sản xuất và cả hạng mục đất khác. Chính quyền chỉ nhận bàn giao những hồ sơ đúng quy định, còn những trường hợp có “vấn đề lịch sử” từ trước mà chưa giải quyết xong thì còn phối hợp xử lý, khi nào giải quyết xong mới nhận. “Các vấn đề mới phát sinh sau ngày bàn giao, phường sẽ chịu trách nhiệm về mặt quản lý, còn những vướng mắc trước đây thì Hạt KL chịu trách nhiệm giải quyết” - ông Hải nói, đồng thời ví von chuyện này giống như tiếp nhận một công trình, không những phải đảm bảo về chất lượng mà thậm chí còn phải có chế độ bảo hành nữa!

Đường vào một công trình nằm sâu trong núi Hải Vân có chó canh giữ ngoài cổng.

Làm du lịch tự phát trong rừng chồng lấn

Không chỉ vướng mắc trong công tác bản giao, tiếp quản ngay trong địa phương, chính quyền Q. Liên Chiểu còn đau đầu với khu vực chồng lấn, chưa thống nhất được địa giới hành chính giữa Đà Nẵng và TT-Huế tại rừng phòng hộ Hải Vân. Điều đáng nói là trong khi chính quyền TT Lăng Cô (H. Phú Lộc, TT-Huế) và P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu) đã thống nhất giữ nguyên hiện trạng để chờ phân xử thì trong khu vực được đánh giá là quan trọng về quốc phòng lại mọc lên một công trình có dấu hiệu ngày càng kiên cố. Chủ nhân của công trình này là ông Phạm Văn Tý (trú P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình này nằm tại vị trí thuộc khoảnh 7, tiểu khu 251 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân quản lý mà người dân vẫn thường gọi với cái tên Sủng Cỏ. Có 2 cách để tiếp cận với vị trí trọng yếu này là xuôi rừng từ mũi Cửa Khẽm xuống hoặc đi thuyền từ biển Nam Ô. Tại đây, chủ nhân của công trình “quy hoạch” rất cẩn thận để làm du lịch như xây phòng, đóng phản, làm nhà bếp, đúc gạch chất thành hàng để thừa cơ mở mang xây dựng thêm. Một phụ nữ đang ngồi rửa đống chén bát cao tới đầu cho biết, khu đất này được khai phá để chăn nuôi, trồng cây cách đây mấy chục năm. Do bão làm sập nhà tạm nên mới xây dựng lại, vừa phục vụ cho việc chăn nuôi gà, heo rừng vừa phục vụ thêm cho khách du dịch ra đây nghỉ ngơi.

Công trình xây dựng trái phép, chủ nhân đưa vào khai thác du lịch tại Sủng Cỏ, trong vùng chưa phân định ranh giới giữa Đà Nẵng và TT-Huế.

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên là ở một vị trí tựa lưng vào núi, nhìn ra biển Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà mà từ trước đến nay vẫn được đánh giá là trọng yếu về quốc phòng lại có thể bị người dân đưa vào khai thác du lịch một cách vô tư như vậy. Hỏi khách nào thường hay ra đây thì một người đàn ông (tự giới thiệu là trông coi giúp chủ công trình này) nói: “Khách mô cũng được, khi thì gia đình, khi thì nhóm bạn, thỉnh thoảng cũng có khách nước ngoài nữa”. “Đi thuyền như vậy, không sợ sóng đánh như vụ chìm thuyền Bãi Hẳm hồi trước à?”. “Chi có, hồi trước tới giờ có sao đâu. Ở đây sóng cũng yên mà”.

Bên trong một công trình xây dựng trái phép trên núi Hải Vân.

Theo ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, vụ việc được phát hiện từ năm 2013, UBND TT Lăng Cô và UBND P. Hòa Hiệp Bắc đã tổ chức cuộc họp để giải quyết. Vì khu đất nằm trong vị trí chồng lấn nhưng đối tượng vi phạm lại là người P. Hòa Hiệp Bắc nên hai bên đã thống nhất để địa phương này xử lý. Không những không tháo dỡ, chủ nhân công trình sau đó còn đưa ra đây một bức tượng Phật cao gần 4m, nặng gần nửa tấn để trưng bày. Khi được mời lên để giải quyết, ông Phạm Văn Tý đã cam kết giữ nguyên hiện trạng, không cơi nới thêm, khi Nhà nước cần thì chủ hộ phải trả lại. Mặc dù vậy, với những gì nhìn thấy tại hiện trường, không có dấu hiệu gì cho thấy công trình được giữ nguyên hiện trạng. Ngoài gạch, vật liệu xây dựng được tập kết thành đống, dụng cụ, bàn ghế, đồ nấu ăn được sắp xếp thành khu vực cho thấy nơi đây vẫn thường xuyên có khách du lịch. Dù vậy, khi trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Nguyễn Hồng Hải vẫn khẳng định: “Người vi phạm trú tại Hòa Hiệp Bắc, chúng tôi đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm”.

Hồng Thanh - Công Khanh (Công an Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.