15/11/2019 2:05 PM
Lo ngại dự án ga đường sắt mới kéo dài đến sau năm 2035, Đà Nẵng xin chủ trương đầu tư bằng hình thức hợp đồng BT hoàn trả bằng đất công.

Ngày 14-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, xác nhận Ban cán sự đảng UBND TP đã họp thống nhất để trình ra Thường trực Thành ủy xin chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị (gọi tắt là dự án) theo hình thức BT.

Cần hơn 12.600 tỉ đồng

Theo phương án vừa được Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng thống nhất, dự án này được chia thành hai tiểu dự án.

Tiểu dự án một là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị. Mục tiêu là di dời nhà ga, tuyến đường sắt Bắc-Nam ra khỏi trung tâm TP (về phía tây) gồm: Xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000 mm, dài khoảng 29 km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng một nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa. Kinh phí hợp phần này tạm tính khoảng 5.350 tỉ đồng.

Xung quanh ga đường sắt mới sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng phát triển tích hợp, cải thiện hạ tầng đô thị và nâng cao điều kiện sống cho người dân; nâng cao hiệu quả sử dụng đất… Kinh phí xây dựng tạm tính khoảng 830 tỉ đồng.

Theo UBND TP Đà Nẵng, tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua TP dài khoảng 40,3 km. Hai bên tuyến đường sắt này là các khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Do đó sau khi di dời tuyến đường sắt, chính quyền cần phải tận dụng lại hành lang đường sắt cũ tái phát triển thành các trục giao thông chính.

Trong đó, xây dựng đại lộ sáu làn xe kết nối các khu vực, đồng thời là tuyến vận tải công cộng trong tương lai. Trong hợp phần này cũng sẽ đầu tư xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho toàn bộ dự án. Kinh phí hợp phần này tạm tính khoảng 2.350 tỉ đồng.

Đặc biệt, tiểu dự án một sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, hai bên tuyến hành lang đường sắt cũ và khai thác quỹ đất khác của TP. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của TP.

Tiểu dự án hai là bồi thường giải tỏa phục vụ dự án với kinh phí tạm tính khoảng 2.400 tỉ đồng, sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách TP. Tổng mức đầu tư tạm tính cho cả dự án khoảng 12.636 tỉ đồng, bao gồm dự phòng phí 20%.

Nhà ga đường sắt Đà Nẵng hiện trạng tại quận Thanh Khê, ngay trung tâm TP. Ảnh: Tấn Việt

Không thể chờ đến năm 2035

Thực tế, theo tìm hiểu của PV, quy hoạch ga đường sắt mới Đà Nẵng (tại phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đã được công bố vào năm 2004 nhưng trì trệ 15 năm qua chưa thể triển khai. Đến ngày 4-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương di dời ga đường sắt cũ ra khỏi trung tâm Đà Nẵng tại Thông báo 363/TB-VPCP.

Ngày 25-1-2018, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thống nhất về nguồn vốn để thực hiện dự án theo hình thức PPP.

Bộ GTVT đã giao ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Đà Nẵng nghiên cứu hoàn chỉnh phương án đầu tư, thống nhất về nguồn vốn để thực hiện. Đồng thời Bộ GTVT cũng giao Cục Đường sắt phối hợp với ban quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, cập nhật việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng vào tổng thể dự án đường sắt Bắc-Nam.

Tuy nhiên, Báo cáo 278/BC-UBND của UBND TP Đà Nẵng ngày 13-11 cho hay theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Bắc-Nam, do nguồn kinh phí hạn chế nên đoạn tuyến Vinh - Nha Trang dự kiến năm 2035 mới chuẩn bị đầu tư. Đây chính là điều khiến Đà Nẵng lo lắng, dẫn đến việc đề xuất phương án đầu tư mới như trên.

Hơn nữa, vị trí quy hoạch ga đường sắt mới nhiều năm qua là điểm nóng về xây dựng trái phép. Theo ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, địa phương đã xử lý 48 trường hợp xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch. Thanh tra TP Đà Nẵng cũng từng chuyển 451 hồ sơ về nguồn gốc đất thuộc ranh giới khu vực dự án ga đường sắt mới sang Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng để điều tra, xác minh.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết kế hoạch đầu tư ga đường sắt bằng hình thức hợp đồng BT hoàn trả bằng đất công mới chỉ là bước xin chủ trương, mới khái toán chi phí tạm tính. Trước hết, Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng xin ý kiến Thường trực Thành ủy thống nhất (hoặc không) với chủ trương này. Cụ thể là thực hiện theo Nghị định 69/2019 quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

“Nếu Thường trực Thành ủy thống nhất thì Sở KH&ĐT phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị liên quan gọi tư vấn đến để họ điều chỉnh hết phương án lại rồi trình Bộ GTVT chủ trì thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt. Trước đây tư vấn cũng đã tính sơ bộ nhưng mới chỉ bước đầu thôi, còn nhiều cái nữa” - lãnh đạo Sở KH&ĐT tp Đà Nẵng cho hay.

Tấn Việt (PL TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.