Bán “đất vàng” không thông qua đấu giá
Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), qua kiểm tra 31 cơ sở nhà đất đã phát hiện có bốn cơ sở được TP. Đà Nẵng bán lại cho bên thuê mà không tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo quy định. Các cơ sở này bao gồm số 47 và 73 Nguyễn Thái Học, số 2 Hải Phòng, số 39 Paster.
Thành phố Đà Nẵng ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê là Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc.
TTCP cho biết, bốn cơ sở nhà đất này nằm trong 10 cơ sở nhà đất TTCP đã chuyển hồ sơ, kết quả xác minh ban đầu để Cơ quan CSĐT, Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ. Theo TTCP, việc UBND TP Đà Nẵng bán bốn cơ sở nhà đất trên không qua đấu giá là vi phạm Điều 58 của Luật đất đai.
Trong tám cơ sở nhà đất bán trực tiếp có bốn cơ sở do các cơ quan, đơn vị không sử dụng đúng mục đích, không còn nhu cầu sử dụng. UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định bán cho các đơn vị chưa có trụ sở làm việc.
Ngoài ra, khi kiểm tra bốn cơ sở là các khu tập thể xuống cấp, cơ quan chức năng phát hiện hai cơ sở được Đà Nẵng bán trực tiếp để bên mua sử dụng với mục đích thương mại dịch vụ không phù hợp với tiêu chí ban đầu (124 Bạch Đằng và số 10 Trần Quý Cáp), không thông qua đấu giá là vi phạm pháp luật.
Các cơ sở nhà đất cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi cũng có sai phạm. Theo đó, từ năm 2010 – 2016, TP. Đà Nẵng đã cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi đối năm cơ sở nhà đất với tổng diện tích nhà là 7.368,4m2, diện tích đất là 5.548,9m2; tổng số tiền thu ngân sách là hơn 84 tỉ đồng.
Khu đất 57 Lê Duẩn không thực hiện thanh toán tiền sử dụng đất theo đúng hợp đồng nhưng vẫn được giảm 10% tiền sử dụng đất. Ảnh: Tấn Việt
Kiểm tra năm cơ sở nhà đất nêu trên thấy việc UBND TP. Đà nẵng cho thuê đất 50 năm đối với cơ sở nhà đất số 16 Bạch Đằng (diện tích 1.799,3m2) sau khi đã được UBND TP phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá, với tổng giá trị là hơn 83 tỉ đồng và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã thông báo bán đấu giá trên các phương tiện thông tin là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Hay như việc UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá thuê đất cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thấp hơn rất nhiều so với giá khởi điểm là không phù hợp quy định của Luật đất đai.
Đáng chú ý, trong 52 cơ sở nhà đất được bán, chuyển sang mục đích sử dụng khác có támcơ sở nhà đất bên thuê được mua không thông qua hình thức đấu giá liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”). Ngoài ra, còn có hai cơ sở nhà đất bán cho Công ty cổ phần Công nghệ phẩm là đơn vị đang thuê, sau đó đơn vị này cũng bán lại cho đối tượng khác.
“Qua kiểm tra thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, TTCP đã chuyển hồ sơ, tài liệu và kết quả xác minh ban đầu sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Sai phạm trong xác định giá đất
Cũng theo TTCP, việc xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất sang mục đích khác chưa sát với giá thị trường, chưa thực hiện đúng các phương pháp xác định giá theo quy định tại Thông tư 145 ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính, Thông tư 36 ngày 30/6 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, còn tính thiếu diện tích, xác định sai thời điểm tính thu tiền sử dụng đất; hệ số ngã ba, ngã tư, chi phí lãi suất… làm thất thu ngân sách đến hơn 53 tỉ đồng.
Cụ thể, tại nhà đất số 34 Bạch Đằng (1.421 m2), UBND TP Đà Nẵng xác định giá trị tiền sử dụng đất khi giao cho Công ty cung ứng tàu biển là hơn 18 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với nhà đất có vị trí tương tự là số 5 Trần Phú hoán đổi cho một cá nhân với giá phê duyệt là hơn 51 triệu đồng/m2. Điều này làm giảm số tiền Công ty tàu biển phải nộp lên đến gần 47 tỉ đồng.
Với cơ sở nhà đất 48 Nguyễn Du (chủ đầu tư đã xây dựng trường mầm non chất lượng cao), việc xác định giá thu tiền sử dụng đất không có cơ sở, làm giảm số tiền sử dụng đất phải nộp gần 12 tỉ đồng. Còn tại nhà đất 57 Lê Duẩn, Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng không thanh toán tiền sử dụng đất theo đúng hợp đồng, nhưng vẫn được giảm 10% tiền sử dụng đất...
Theo kết luận thanh tra, việc UBND thành phố quyết định giảm 10% tiền sử dụng đất để hỗ trợ lãi suất cho người sử dụng đất là không phù hợp quy định của Thủ tướng Chính phủ, làm thất thu ngân sách số tiền sử dụng đất phải nộp hơn 22 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra 52 cơ sở nhà đất và 12 dự án thấy UBND thành phố chưa thực hiện truy thu số tiền giảm sai quy định là hơn 63 tỉ đồng.
Tổng hợp kết quả kiểm tra việc xác định giá thu tiền sử dụng đất của 52 cơ sở nhà đất phát hiện số tiền sai phạm là 156,3 tỉ đồng.
Cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và tổ chức, cá nhân liên quan (thời kỳ 2010-2016) theo phân cấp cán bộ đã để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong việc chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất.
-
Đà Nẵng: Chậm thu hồi 7 lô đất làm công viên công cộng
Do công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nên có 8 dự án động lực trọng điểm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP. Đà Nẵng chậm tiến độ, trong đó có dự án thu hồi 7 lô đất làm công viên công cộng.
-
Hà Nội chấm dứt tình trạng sử dụng đất công để cho thuê trái quy định, xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra vi phạm
Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố. Đồng thời chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn trái quy định…...
-
Kiểm soát chặt việc sử dụng nhà, đất công
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 1076 gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết....
-
Chậm di dời trụ sở bộ, ngành, Bộ Xây dựng thừa nhận đôn đốc, giám sát chưa hiệu quả
Trước thực trạng chậm di dời trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, Bộ Xây dựng thừa nhận công tác giám sát, đôn đốc chưa thực sự hiệu quả.