"Theo quy hoạch thì trong khu vực này có chia lô biệt thự là không ổn. Biệt thự chỉ nhằm cho một số đối tượng lắm tiền chia nhau thôi!” – KTS Hoàng Quang Huy nói.

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng cần sửa ngay việc điều chỉnh các khu “đất thương mại dịch vụ” ở khu vực nhà máy đóng tàu Sông Thu cũ thành “đất ở đô thị” cho Tổng Công ty 391 (Bộ Quốc phòng) khai thác!

UBND TP Đà Nẵng ủng hộ làm đất ở đô thị

Như tin đã đưa, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản 4370/UBND-QLĐTh đồng ý chuyển mục đích sử dụng khu đất nhà máy đóng tàu Sông Thu cũ thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật Khu phức hợp thương mại dịch vụ Bình Hiên – Bình Thuận.

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, nếu biến khu đất nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) từ đất khai thác dịch vụ phục vụ công cộng thành đất ở đô thị sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp (Ảnh: HC)

Cụ thể, về mục đích sử dụng đất, UBND TP Đà Nẵng thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh các khu “đất thương mại dịch vụ” thành “đất ở đô thị”. Về thủ tục giao đất, UBND TP Đà Nẵng ủng hộ chủ trương theo đề nghị của Bộ Quốc phòng về việc cho phép Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đầu tư dự án.

UBND TP Đà Nẵng cũng ủng hộ phương án điều chỉnh quy hoạch dự án hạ tầng kỹ thuật Khu phức hợp thương mại dịch vụ Bình Hiên – Bình Thuận do Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng đề xuất. Trong đó điều chỉnh diện tích phân khu A2-7 từ 6.000m2 thành 10.176m2 để dự kiến bố trí cho Tập đoàn Viettel. Chia phân khu A2-5 và A2-6 thành 04 khu nhỏ để thuận lợi khai thác; giữ nguyên diện tích phân khu A2-4. Điều chỉnh mặt cắt tuyến đường nối từ nút T12-T23 từ 14m thành 20,5m để đáp ứng nhu cầu giao thông của khu vực.

Trao đổi với Infonet về việc này, KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng nêu rõ: “Quan điểm của Hội là ủng hộ chủ trương của TP, những chỗ nào cần thiết thì vẫn phải giao cho nhà đầu tư, chọn các nhà đầu tư xứng đáng, có tầm và đặc biệt là có tâm để làm đẹp cho đô thị. Tuy nhiên, với những vị trí rất đắc địa, đặc biệt là ở hai bên bờ sông Hàn thì quy hoạch cần phải được xem xét kỹ càng, cẩn trọng. Bất kể với nhà đầu tư nào thì TP cũng phải quản lý quy hoạch, xây dựng để đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường!”.

Không thể đan xen đất ở vào đất dịch vụ thương mại!

Trên tinh thần đó, ông Hoàng Quang Huy cho rằng, quy hoạch khai thác khu đất nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) phải được xem xét lại.

“Giao cho ai làm cũng được nhưng quy hoạch khu vực đó, như đã được UBND TP Đà Nẵng đồng ý, theo quan điểm của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng là không hợp lý. Vì vệt đó không thể bố trí dân cư mà toàn bộ phải là đất phục vụ công cộng. Trong khi theo quy hoạch thì trong khu vực này có chia lô biệt thự là không ổn. Biệt thự chỉ nhằm cho một số đối tượng lắm tiền chia nhau thôi!” – KTS Hoàng Quang Huy nói.

Theo ông, vệt đường Bạch Đằng nối dài đến công viên cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi không nên, không thể và không được bố trí nhà ở. Bởi vì sinh hoạt ở lẫn lộn với đất công cộng sẽ nảy sinh rất nhiều việc, xử lý rất phức tạp. Nếu bố trí đất ở đô thị vào đó thì phải dành ra hệ thống nhà trẻ, trường học, sân vui chơi giải trí, cây xanh…

Tiêu chuẩn về hạ tầng thì hệ thống thoát nước sinh hoạt phức tạp hơn. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải cũng khác vì lượng sử dụng và thải ra của người dân nhiều hơn công trình công cộng gấp bội. Vì thế, nếu cho đất ở đô thị đan xen vào đây thì về hạ tầng sẽ không thể khớp nối với toàn bộ khu vực dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ Bình Hiên – Bình Thuận.

“Văn bản 4370/UBND-QLĐTh cần phải sửa việc UBND TP Đà Nẵng “thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh các khu "đất thương mại dịch vụ” thành “đất ở đô thị”. Phải sửa chứ không thể như thế. Không thể bố trí đất ở vào khu vực đó được. Nó lẫn lộn hết tất cả. Hệ thống hạ tầng khác nhau, hai tiêu chuẩn xử lý khác nhau nên không thể bố trí đan xen trong vệt đó. Bởi vì cái ăn, ở của người dân phức tạp lắm, an ninh trật tự, quản lý cư dân cũng phức tạp hơn rất nhiều!” – KTS Hoàng Quang Huy nêu rõ.

Phải tham vấn chuyên gia, người dân

KTS Hoàng Quang Huy cũng chỉ rõ, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đã xác định hai bên bờ sông Hàn chủ yếu là hệ thống dịch vụ, thương mại và du lịch. Do vậy, về kiến trúc cảnh quan thì đưa nhà ở vào đây sẽ không thể nào mang lại hiệu quả. Trên hai trục đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo chạy dọc hai bờ sông Hàn có những đoạn mà kể cả nhà dân cũng phải giải tỏa.

Trên thực tế Đà Nẵng cũng đã làm việc đó, như từ cầu Sông Hàn đến đường Quang Trung đã giải tỏa một số. Vệt từ cầu Sông Hàn trở ngược lên vì mật độ dân cư dày đặc quá nên phải chấp nhận để tới giai đoạn cần thiết thì cũng phải giải tỏa. Cả vệt đường Bạch Đằng từ cầu Thuận Phước lên đến cầu Trần Thị Lý đều là đất khai thác dịch vụ phục vụ công cộng rất tốt chứ không phải biến thành đất ở đô thị mới có hiệu quả.

“Giao cho ai làm cũng được, miễn là đầu tư phải theo quy hoạch. Quy hoạch khu đất nhà máy đóng tàu Sông Thu cũ phải được điều chỉnh lại. Vị trí ấy rất nhạy cảm, rất đắc địa, nên dù có giao cho ai thì đơn vị, tổ chức đó hoặc TP phải có một quy hoạch được xem xét kỹ, có sự tham vấn rất nhiều đối tượng nghề nghiệp và người dân!” – KTS Hoàng Quang Huy nói.

Chưa có đất đã giao dịch mua bán?

Một đại biểu HĐND TP Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cho hay, mặc dù Đà Nẵng chưa lập xong thủ tục giao đất và định giá đất, Bộ Quốc phòng cũng chưa chuyển tiền như Đà Nẵng đề nghị nhưng việc mua bán đất tại khu vực nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) đã diễn ra âm ỉ nhiều tháng nay.

Ông có được số điện thoại của vài người từ Hà Nội vào rao bán đất tại khu vực này, nhưng họ tỏ ra rất lão luyện, liên hệ với những người quen biết để tìm mối bán đất song phải qua rất nhiều khâu mới tiếp cận được. Mới đây, nghe thấy có “động” nên các đối tượng này không tiến hành giao dịch tại Đà Nẵng nữa mà gọi ai cần mua thì ra Hà Nội để làm trực tiếp!

Hải Châu (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.