CafeLand - Báo cáo 24/BC-HĐND của HĐND TP. Đà Nẵng về kết quả giám sát chuyên đề đối với hoạt động đầu tư công trên địa bàn thành phố trong 15 năm, từ 2003 (được công nhận đô thị loại I trực thuộc TƯ) đến 2017, đã chỉ ra một số bất cập trong hoạt động đầu tư công tại thành phố này.

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 5,5 lần trong 15 năm

Theo Báo cáo của HĐND TP. Đà Nẵng, từ năm 2003 đến 2017, tổng vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn là 68.258 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 12%, trong đó nguồn ngân sách tập trung là 10.990 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 15%. Nguồn tiền sử dụng đất 35.733 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 10,8%. Nguồn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 4.323 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 29%.

Tỉ lệ vốn đầu tư so với tổng thu ngân sách thành phố là 42%. Tỉ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản so với tổng chi ngân sách là 40%. Như vậy, sau 15 năm, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng gấp 5,5 lần, tổng số dự án được phê duyệt khoảng 2.500 dự án; chi xây dựng cơ bản từ nguồn thu tiền sử dụng đất gần 52% tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản của thành phố.

Tổng vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng từ 2003 - 2017 là 68.258 tỉ đồng. Ảnh: Tâm An

Về kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, thời gian qua, Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (chủ yếu theo hình thức BT, BOT, BLT) có sử dụng vốn ngân sách thành phố là 14 dự án, với tổng mức đầu tư 2.527 tỉ đồng. Thành phố đang thực hiện công tác chuẩn bị và xúc tiến đầu tư đối với 21 công trình, tổng vốn đầu tư khoảng 39.510 tỉ đồng.

Báo cáo của Đà Nẵng cũng cho biết, qua 15 năm, thành phố đã triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho hơn 320 dự án khu tái định cư, trong đó đã hoàn thành 240 dự án và đang thực hiện dở dang 88 dự án. Đà Nẵng đã bố trí tái định cư 128.642 lô đất cho hơn 110.000 hộ dân.

Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện chương trình “Có nhà ở” và Đề án “7.000 căn hộ cho người thu nhập thấp”, trong đó đã bàn giao 10.600 căn hộ cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức khó khăn về nhà ở.

Dôi dư quỹ đất tái định cư

Tuy nhiên, Báo cáo của HĐND TP. Đà Nẵng cũng chỉ ra tình trạng lệch pha giữa cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực so với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cụ thể, trong giai đoạn 2013 – 2014, phần lớn nguồn lực đầu tư cho công tác khai thác quỹ đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư (chiếm hơn 45% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển).

Một bất cập liên quan đến công tác bố trí tái định cư cũng được TP. Đà Nẵng chỉ ra, theo đó các hộ tái định cư nhiều khi không đồng tình về vị trí được bố trí, gây áp lực tạo quỹ đất tái định cư dẫn đến tình trạng quỹ đất tái định cư trên địa bàn rơi vào tình trạng dôi dư rất nhiều.

Cụ thể, tính đến cuối quý 1-2018, thành phố còn 14.589 lô đất tái định cư chưa bố trí, số lô đất trống (chưa xây dựng nhà ở) trên địa bàn thành phố vẫn còn với số lượng lớn; hơn 100 ha đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất do ảnh hưởng bởi các dự án, dẫn đến tình trạng đất thì bỏ hoang, còn nông dân thì mất việc.

Tính đến cuối quý 1-2018, Đà Nẵng còn 14.589 lô đất tái định cư chưa bố trí, số lô đất trống (chưa xây dựng nhà ở). Ảnh: Tâm An

Bên cạnh đó, một số đồ án, dự án chưa tuân thủ quy hoạch, trong quá trình triển khai thực hiện đã điều chỉnh nhiều lần làm tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu quy hoạch đã đề ra, gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị nhất là khả năng cung ứng giao thông, cấp thoát nước, cảnh quan đô thị...

“Một số đồ án đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng được phương án đầu tư khả thi, tổ chức thực hiện chậm. Tỉ lệ đồ án sau phê duyệt phải điều chỉnh bình quân 43,8%. Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, một số dự án ven biển là điển hình về thiếu nhất quán trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch hàng chục lần. Các cụm công nghiệp đã quy hoạch, được HĐND TP đôn đốc triển khai nhiều năm nhưng chưa có phương án khả thi để thực hiện; các khu công nghiệp vừa mới phê duyệt quy hoạch nhưng lại phải điều chỉnh”, Báo cáo 24/BC-HĐND cho hay.

Nhiều công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị động trong việc bố trí đất đai. Việc chọn địa điểm mới cho các công trình còn thực hiện theo cách thức xử lý tình huống, chưa có kế hoạch lâu dài. Điển hình như quy hoạch, đầu tư các bãi đỗ xe, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng...

Cũng theo báo cáo, phần lớn dự án tái định cư chưa đảm bảo các tiêu chí về sử dụng đất, chủ yếu tập trung tối đa cho nhiệm vụ phân lô đất ở, còn các chỉ tiêu đất dành cho cây xanh, công trình giao thông, thiết chế văn hóa, tiện ích công cộng… chưa đúng quy chuẩn hiện hành.

Một số khu đất tái định cư hình thành trong điều kiện áp lực về nợ đất tái định cư, cùng với nguồn vốn có hạn nên chưa tính hết đến việc khớp nối đồng bộ quy hoạch hạ tầng, thoát nước tại khu vực, nhất là các khu tái định cư ở khu vực Hòa Vang.

Nhiều dự án dở dang kéo dài nhiều năm, nguyên nhân lớn nhất là do công tác giải tỏa bàn giao mặt bằng kéo dài, thậm chí có những dự án, các tuyến đường chỉ vướng một vài hộ nhưng không giải tỏa được làm ảnh hưởng tiến độ, không kết nối giao thông, chậm đưa công trình vào sử dụng. Tính đến tháng 6/2018, toàn thành phố còn 267 dự án dở dang liên quan đến công tác giải tỏa đền bù.

Ngoài ra, báo cáo của HĐND TP. Đà Nẵng cũng cho biết, chất lượng hồ sơ thiết kế - dự toán còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp tính thừa khối lượng, sai định mức làm tăng chi phí. Tính toán chi phí đền bù giải tỏa quá thấp, chi phí đền bù giải tỏa thực tế tăng gấp 2, 3 lần dẫn đến việc đánh giá hiệu quả đầu tư không chính xác, không cân đối được quỹ đất và nguồn vốn, thâm hụt ngân sách.

Đặc biệt, việc thực hiện chức năng thẩm định dự án, thiết kế, dự toán của một số sở, ngành liên quan vẫn còn nhiều bất cập. Việc vi phạm chỉ định thầu không đúng quy định đã xảy ra ở một số dự án gây ảnh hưởng xấu đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.

Chủ đề: Bỏ hoang, Tái định cư,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.