Ánh Dương trên đường Sơn Trà - Điện Ngọc của HUD
Những thông điệp kiểu “hãy đẩy nhanh tiến độ, nếu không sẽ bị phạt, bị rút giấy phép” liên tục được phát đi trong thời gian gần đây cho thấy, sự kiên nhẫn của chính quyền Đà Nẵng đối với những dự án bất động sản trì trệ dường như ngày càng mất dần. Không phải chính quyền thành phố cố tình gây khó dễ cho nhà đầu tư, vì sự kiên nhẫn chỉ có giới hạn khi những dự án bất động sản đồ sộ mà các doanh nghiệp trình bày hoành tráng khi xin giấy phép từ vài năm trước, vẫn chỉ tồn tại trên giấy.
Được mệnh danh là đầu tàu kinh tế miền Trung, lại có chính quyền luôn được xếp hạng đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nên Đà Nẵng thu hút được những dự án bất động sản quy mô rất lớn; có dự án không thua kém gì những tổ hợp ở Hà Nội và TP.HCM. Nhưng trong khi các dự án ở hai đầu đất nước triển khai thành hình hài cụ thể, thì không ít dự án ở trung tâm Đà Nẵng vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ.
Chuyển động ì ạch
Danang Centre và Viendong Meridian Towers là hai trong số rất nhiều dự án liên tục nhận được sức ép phải triển khai xây dựng và cảnh báo bị rút giấy phép. Tổ hợp Danang Centre do Công ty cổ phần Vũ Châu Long làm chủ đầu tư được thiết kế với những căn hộ, khách sạn, trung tâm thương mại hạng sang, nhưng sau khi khởi công và gần hoàn thành phần móng cọc thì án binh bất động hơn một năm qua. Dự án Viendong Meridian Towers với vốn đầu tư ước tính 180 triệu USD của Công ty cổ phần địa ốc Viễn Đông thì còn tệ hại hơn, vì sau những thúc ép và cảnh báo của chính quyền thành phố thì cũng chỉ hoàn thành được thiết kế và tổ chức lễ khởi công hoành tráng, còn hầu như không có tiến triển gì.
Một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng ì ạch chẳng kém gì. Đầu năm 2006, Công ty TNHH Daewon Tuyên Sơn được cấp phép xây dựng tổ hợp chung cư và biệt thự trên diện tích 4,3ha với vốn đầu tư ban đầu 30 triệu USD, nhưng cho đến nay vẫn không xây được viên gạch nào ngoài tường rào dự án. Kế bên là tổ hợp Jade Centre còn được vẽ hoành tráng hơn với 1.600 căn hộ, vốn đầu tư 200 triệu USD, nhưng hiện tại chủ đầu tư là Công ty Kreves-Halla cũng để nguyên bãi đất trống sau bốn năm nhận giấy phép.
Đây chỉ là những dự án điển hình ở Đà Nẵng đã nhận giấy phép nhiều năm mà hầu như không có tiến triển gì. Theo Luật Đất đai thì dự án đầu tư không triển khai sau 12 tháng nhận giấy phép thì sẽ bị rút giấy phép, nhưng Đà Nẵng cũng đã “nương tay” để cho các chủ đầu tư có những phương án điều chỉnh phù hợp, nhất là sau khi bị “te tua” bởi cuộc khủng hoàng kinh tế - tài chính cách đây hai năm. Nhưng khi có những dự án khác như Blooming Tower và Azura vẫn triển khai được, thì sức ép buộc chính quyền phải mạnh tay hơn với những dự án trì trệ ngày càng lớn dần. Liệu Đà Nẵng có mạnh tay thực sự với những dự án trên giấy hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ, vì họ cũng hiểu rằng, các doanh nghiệp cũng đang chịu sức ép rất lớn về mặt đầu ra cho sản phẩm.
Hầu như tất cả các dự án ở trung tâm Đà Nẵng được thiết kế với những khách sạn, căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại cao cấp; nhưng tình hình kinh doanh của tất cả những loại bất động sản này trong hiện tại và tương lai cũng chưa có gì sáng sủa. Người dân địa phương thì chưa mặn mà với căn hộ cao cấp nên đầu ra cho các sản phẩm chủ yếu dựa vào nguồn cầu bên ngoài, nhất là từ Hà Nội. Quả thực, trong những giai đoạn đầu tiên, Blooming Tower, Golden Square và Azura đã bán được kha khá căn hộ cho những nhà đầu tư đến từ Hà Nội với mục đích mua căn hộ để đầu tư và nghỉ dưỡng. Nhưng kể từ giữa năm ngoái, khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chậm lại thì dân Hà Nội cũng ít rót thêm tiền cho các dự án căn hộ ở trung tâm thành phố. Khi những dự án đã xây dựng và đủ điều kiện bán hàng còn không bán hết được sản phẩm thì các dự án khác bị đình hoãn là điều dễ hiểu. Nhưng “kế sách trì hoãn” với những lý do khác nhau của các chủ đầu tư sẽ không thể kéo dài mãi vì các khu đất vàng ở trung tâm thành phố đã để trống quá lâu, gây phản cảm đối với người dân địa phương và môi trường đầu tư. Vì thế, chính quyền thành phố mới đây đã làm việc với chủ đầu tư dự án Danang Centre yêu cầu phải khởi động lại dự án từ giữa năm nay, nếu không thì sẽ phải nộp phạt; và nếu cuối năm cũng không tái khởi động thì sẽ bị rút giấy phép. Thông điệp tương tự cũng được phát đi đến những dự án “án binh, bất động” khác.
Vẫn muốn vào ngõ cụt?
Nhưng sự bế tắc của những dự án hiện nay vẫn không làm một số nhà đầu tư khác chùn bước. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đề xuất những tổ hợp bất động sản còn hoành tráng hơn, cao hơn. Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) đã được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đồng ý với phương án kiến trúc cho tổ hợp Ánh Dương trên đường Sơn Trà - Điện Ngọc, với quy mô ba tháp cao 47 tầng với 1.000 căn hộ và một tháp 58 tầng kết hợp mô hình khách sạn - căn hộ. Tập đoàn Thiên Thanh cũng đang cùng chính quyền thành phố tích cực phá bỏ sân vận động Đà Nẵng ở giữa trung tâm thành phố với ý định biến vị trí vàng này thành một tổ hợp thương mại với những tòa nhà thuộc hàng cao nhất miền Trung. Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng đã chen chân được vào Đà Nẵng với dự án tổ hợp bất động sản kết hợp bến du thuyền với tổng vốn đầu tư 174 triệu USD vừa được cấp phép.
Liệu Đà Nẵng có mạnh tay thực sự với những dự án trên giấy hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ |
Cho đến nay, Đà Nẵng mới thực sự mạnh tay một lần duy nhất đối với dự án bất động sản ở trung tâm thành phố là khu khách sạn ở số 74, Bạch Đằng. Sau gần chục năm không triển khai được và hai lần rút giấy phép, Đà Nẵng đã tìm được nhà đầu tư có tiềm lực là Indochina Land để biến khu đất này thành tổ hợp căn hộ, văn phòng và trung tâm thương mại Indochina Riverside Towers. Nếu những chủ đầu tư khác cũng không triển khai được thì liệu Đà Nẵng có biện pháp quyết liệt tương tự để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác?