Theo cơ quan chức năng, dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô còn 14 hạng mục, công trình không phù hợp quy hoạch hoặc xây dựng sai phép. Và mặc dù sai phạm đã được "điểm mặt, chỉ tên" song hết ngày này qua tháng khác vẫn chưa được xử lý.

Được biết, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh phương án rà soát điều chỉnh quy hoạch, ranh giới dự án để xử lý dứt điểm vấn đề tồn tại tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Một công trình không có giấy phép xây dựng trong khuôn viên Công viên.

Nhiều công trình vi phạm

Có mặt tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) một ngày đầu tháng 8-2016 có thể thấy rõ sự xuống cấp ghê gớm của công trình được đặt nhiều kỳ vọng này. Đường lát gạch nứt vỡ, lồi lõm, bờ tường rào không được chăm sóc, cỏ mọc um tùm; cổng vòm phía đường Võ Thị Sáu xuống cấp nghiêm trọng... Tuy nhiên, cổng vào phía Trung tâm Tổ chức sự kiện Cung Xuân vẫn nghiêm ngắn và bên trong công viên, nhà thi đấu có mái che với quy mô 1.500 chỗ ngồi, các sân tennis vẫn rất sôi động. Là ngày thường, không có đám cưới, nhưng Nhà hàng Queen Bee II, gồm 2 tầng (trong ô quy hoạch CV-2 có chức năng sử dụng là khu nhà đa năng và các hoạt động vui chơi nước) vẫn sáng đèn và được chăm sóc cẩn thận.

Mặc dù khu vực này không có biển cấm quay phim, chụp ảnh, cũng không phải là công trình quốc phòng hay an ninh quốc gia và có cả cán bộ UBND phường Thanh Nhàn tại hiện trường, nhưng khi nhóm phóng viên Báo Hànộimới đưa máy ảnh lên ghi hình, lập tức 3 người từ trong nhà hàng lao ra ngăn cản, đe dọa. Chỉ đến khi Công an phường Thanh Nhàn xuất hiện, nhóm phóng viên mới có thể tác nghiệp. Cán bộ UBND phường Thanh Nhàn cho biết, những hiệu sửa chữa xe máy, ô tô và một số quán ăn dọc đường Võ Thị Sáu được dựng trên đất quy hoạch của dự án công viên. Cả khu vực đường Trần Khát Chân, gần với ngã ba Võ Thị Sáu đều là đất đã được giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư dự án không quản lý, để nhiều hộ gia đình đã nhận tiền đền bù, bàn giao đất, nhận nhà tái định cư, tái lấn chiếm, kinh doanh buôn bán...

Trả lời câu hỏi vì sao các vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn chưa được giải quyết, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Triệu Như Long cho biết: Một số công trình xây dựng từ rất lâu, như dãy trụ sở làm việc được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Còn khu vực sân tennis, trước đây có 12 sân, phường đã xử lý được 8 sân; còn 4 sân ngoài trời liền với khu thi đấu 1.500 chỗ, phường đã lập hồ sơ và ban hành các quyết định. Chính quyền cũng bàn giao khu vực đã giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư nhưng do đơn vị không quản lý nên dẫn đến tái lấn chiếm, phường đã lập hồ sơ 17 hộ, đề xuất UBND quận ra quyết định cưỡng chế.

Cũng theo ông Triệu Như Long, công trình Nhà hàng Queen Bee II trong khuôn viên Công viên Tuổi trẻ Thủ đô là công trình không có giấy phép xây dựng và không có trong quy hoạch. Tuy nhiên, phía đơn vị quản lý công viên trước đây lại khẳng định có phép, chỉ có điều... chưa tìm được hồ sơ cấp phép (?).

Rà soát lại quy hoạch

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2000, với tính chất là công viên cấp thành phố, phục vụ nhu cầu giải trí, thể dục thể thao, vui chơi của nhân dân. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi hơn 262.000m2 đất tại phường Thanh Nhàn, giao cho Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội (trực thuộc Thành đoàn Hà Nội) giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng. Tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2002 là 282 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố 280 tỷ đồng. Nhưng với nhiều lý do khách quan, chủ quan, năm 2010, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành trung tâm thanh - thiếu niên Hà Nội và đất công viên còn 249.000m2...

Tháng 8-2015, Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng, phường Thanh Nhàn kiểm tra hiện trạng các hạng mục xây dựng tại công viên; đối chiếu quy hoạch chi tiết và các giấy phép xây dựng đã cấp, cho thấy: Có 14 hạng mục, công trình không phù hợp quy hoạch hoặc sai phép được cấp. Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND thành phố và đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo phường Thanh Nhàn cưỡng chế phá dỡ mái che của 4 sân tennis ngoài trời, giải tỏa 2 sân tennis ngoài trời, sân bóng mi ni và 17 hộ dân tái lấn chiếm công viên. Cùng với đó, Sở cũng đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh nhà hàng karaoke tại nhà nổi giữa hồ; thay đổi vị trí 2 thang máy của nhà hát ngoài trời thi công sai giấy phép... Đối với điểm trông giữ xe dọc đường Võ Thị Sáu, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố chỉ đạo Sở GT-VT thu hồi văn bản chấp thuận. Tuy nhiên, tiến độ xử lý còn chậm, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của thành phố.

Liên quan đến quản lý công viên, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ năm 2013, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội được sáp nhập nguyên trạng vào Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và việc quản lý, duy tu, duy trì phần công ích được thực hiện thường xuyên theo đặt hàng (hạng mục cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ, đường dạo, chiếu sáng...). Rác thải tồn đọng được thu dọn, bảo vệ được bố trí trực ngày - đêm, môi trường công viên được cải thiện đáng kể. Song, việc chỉ duy trì phần công ích trong khi các hạng mục dịch vụ lại thuộc nhiều chủ đầu tư khác nhau nên việc quản lý vẫn ở tình trạng "cha chung không ai khóc".

Kể từ khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết đầu tiên (tháng 12 năm 2000), đến nay đã gần 16 năm, nhưng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn chưa hoàn thiện hình hài, trong khi đó cuộc sống người dân liên quan đến dự án gần như bị "treo". Không thể để người dân chờ đợi lâu hơn, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô phải thật sự trở thành điểm văn hóa góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn, do vậy, các sở, ngành cần nhanh chóng thống nhất phương án quy hoạch tổng thể và ranh giới thực hiện làm căn cứ để sớm hoàn thành dự án. Đồng thời phải có các giải pháp kiên quyết, xử lý dứt điểm những sai phạm đã nhiều năm gây bức xúc trong dư luận.

Thanh Hải - Gia Khánh (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.