Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính nhà xây trái phép được Bộ xây dựng đưa ra lấy ý kiến. Đặc biệt đáng chú ý là để tồn tại những công trình trái phép phải nộp một khỏan lợi có được từ công trình trái phép.
Theo đó nếu công trình xây trái phép thuộc các dự án đầu tư xây dựng thì phải nộp 50% lợi nhuận của phần công trình trái phép.
Để được tồn tại, nhà xây trái phép phải nộp một nửa lợi nhuận có được từ công trình sai phép. Ảnh: dự án chung cư Ngọc Hồi sai phạm của công ty Hưng Sơn
Xung quanh dự thảo sửa đổi nghị định 23, điều gây chú ý là với mức xử phạt này có hạn chế được việc xây dựng trái phép không hay lại “vẽ đường cho hươu chạy”, để chủ đầu tư tiếp tục vi phạm và thu lợi bằng một khoản tiền "chia sẻ lợi nhuận", coi thường luật pháp?
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch tổng Hội Xây dựng khẳng đinh: Nếu so sánh với cách xử phạt trước đây thì biện pháp đánh mạnh vào kinh tế cũng xem như một điều "quý hóa". Nếu những công trình sai phép đấy nhưng vẫn phù hợp với quy mô quy hoạch của khu vực chứ không gây ảnh hưởng, tai họa ghê gớm gì nên giờ phá đi lại mất tiền phá, tháo dỡ. Cho nên áp dụng mức phạt nặng để chủ đầu tư biết cái trái phép cũng không đem lại lợi nhuận gì nhiều.
Ông Phạm Sỹ Liêm
Tuy nhiên ông Liêm cũng băn khoăn với đề xuất này phạt 50% lợi nhuận như thế cũng chưa đủ và cái quan trọng nữa là cứ đề ra thế rồi có thực hiện được không. Cứ nói hô hào cắt ngọn nhưng thực tế có cắt được đâu. Nói mà không làm lại dẫn đến nhờn luật.
Hiện nay có rất nhiều kiểu trái phép, trong đó trái phép nhiều nhất là vượt quá số tầng. Vậy cái gốc ở đây chúng ta phải đặt câu hỏi. “Họ xây trái phép thì thanh tra phường ở đâu, chính quyền phường ở đâu. Tại sao cứ để họ xây xong rồi mới tiến hành xử phạt, bắt nộp tiền?”.
Bên cạnh đó có một tình trạng là, chủ đầu tư họ xin xây thế này nhưng anh lại bắt họ xây thấp hơn để nhũng nhiễu và mục đích là phải có phí “bôi trơn”?
Theo ông Liêm, phạt nhưng trước hết phải hỏi trách nhiệm của những người để xảy ra tình trạng đó đã và nếu anh để xảy ra nhiều mà anh không biết thì anh không đủ năng lực, phải xử phạt. Không thể để xảy ra tình trạng xây xong rồi lại bắt nộp phạt như thế là rất vô lý.
“Nếu định phạt thì hãy phạt, và phải truy cứu trách nhiệm của người quản lý. Hai việc đi song song mới công bằng. Vì thực ra cái nọ là nguyên nhân của cái kia”, ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Huynh
Còn theo ông Trần Văn Huynh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, thì quy định như vậy là khó có tính khả thi. Cái chuyện nộp phạt là cực chẳng đã. Nếu xử phạt không đến nơi đến chốn thì chỉ thêm tiêu cực. Nghĩa là cứ cho xây rồi nộp tiền phạt là xong.
Điều cần làm trước tiên là xem lại việc cấp phép vì hiện nay cấp phép dựa trên quy hoạch cũ và có chỗ hở để người ta chạy chọt.
"Chẳng hạn chỗ đấy được phép xây 8 tầng nhưng lại chỉ cho họ xây 5 tầng như thế là mình sai. Như vậy là tự tạo "chỗ hở" để người ta làm đến khi bung bét ra rồi lại bắt nộp phạt".
Chưa kể, theo Nguyên Thứ trưởng Phạm Sĩ Liêm, việc quy định nộp phạt 40- 50% lợi nhuận ở đây được tính thế nào. Chẳng hạn chủ đầu tư chỉ thông báo lợi nhuận thu được từ công trình trái phép bằng một phần rất nhỏ từ khoản lợi thực tế thu được thì sao? Rất dễ xảy ra trường hợp chủ đầu tư tìm mọi cách để giảm tiền lợi nhuận từ công trình trái phép, tìm mọi cách để giảm tiền phạt. Do đó cần phải có chuyên viên định giá độc lập, không phụ thuộc vào cơ quan quản lý và chủ đầu tư, như thế mới khách quan.
Ông Liêm kiến nghị: “Cái quan trọng là phải răn đe người có trách nhiệm chứ cứ nhất nhất chỉ có phạt chủ đầu tư thì đâu được. Phải siết chặt quản lý không để người ta xây dựng trái phép rồi chỉ cần nộp phạt, tạo tâm lý cho chủ đầu tư nghĩ chỉ cần “bôi trơn” là qua, là xong.
Tôi chỉ sợ nói 50% nhưng chẳng phạt được ai”, vị Nguyên Thứ trưởng Xây dựng tỏ hoài nghi.