Bà Nguyễn Thị Oanh, đại diện các hộ dân sống tại tổ 12 (phường Điện Biên) được biết, từ ngày dự án khởi công, cuộc sống của tất cả người dân quanh khu vực này đều bị ảnh hưởng.
“Không ngày nào chúng tôi được yên bình bởi tiếng ồn từ khoan cắt, máy trộn vật liệu, đến tiếng xe chở gạch, cát chạy ầm ầm… khiến nhà nào cũng phải “kín cổng cao tường”, cuộc sống trở nên ngột ngạt, khó thở. Nhưng nguy hiểm hơn, những khối gạch vữa phía trên cứ “vô tư” rơi xuống, đe dọa sự an toàn của người dân, bà Oanh bức xúc cho biết.
Để tự bảo vệ mình, các nhà sống cạnh dự án này đã phải tự phủ thêm các tấm tôn, nhựa lên mái nhà để đề phòng có vôi, cát, xi măng rơi xuống vào nhà.
Nhiều gia đình đã phải phủ tấm tôn, nhựa lên mái nhà
Hằng ngày, nhẹ là những mẩu gạch vụn rơi xuống nóc nhà dân xung quanh, nhưng người dân cũng lo lắng tính huống nguy hiểm hơn là những khối bê tông bị cắt phá, nếu rơi thì có thể gây thương vong bất cứ lúc nào. Lúc đó, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm?
Cuộc sống của những người dân sống quanh dự án phải chịu nhiều áp lực và nguy hiểm
Bà Hứa Thị Năm, trú tại tổ 12 cũng bức xúc chia sẻ, việc chủ đầu tư dự án vi phạm quy định, dù nặng hay nhẹ thì chính quyền cũng nên có phương án xử lý thấu tình hợp lý, để vừa bảo đảm cho cuộc sống của người dân xung quanh.
“Thay vì phá bỏ thì hoặc giao phần dư thừa đó để Nhà nước sử dụng, ví như giao cho lực lượng công an hay quân đội quản lý tôi nghĩ sẽ đỡ lãng phí hơn mà không gây ảnh hưởng đến cuộc sống những hộ xung quanh”, bà Năm nói.
Người dân trú tại tổ 12 phường Điện Biên kêu cứu vì nguy hiểm từ việc phá dỡ tại dự án 8B Lê Trực
Trao đổi với PV, đại diện phía Ban QLDA Toà nhà 8B Lê Trực cho biết, mặc dù chưa có phương án phá dỡ nhưng các lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ. Làm như vậy là vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi cũng đang kiến nghị lên phía nhà quản lý, các lực lượng chức năng để hạn chế tối đa những thiệt hại cho phía người dân.
Nhưng sự hiểm nguy của những người dân sinh sống quanh đây dường như chưa thấm tháp so với những người dân đã lỡ bỏ tiền ra mua nhà tại dự án này vì phải chờ đợi chưa biết đến bao giờ mới được bàn giao nhà để ở.
Chị Đỗ Phương Hoa là khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực cho biết, chỉ vì bỏ tiền ra mua căn hộ tại dự án này nên cả gia đình chị gom góp, bán hết tài sản, thậm chí ngôi nhà đang ở trong ngõ Văn Chương (quận Đống Đa) để có tiền nộp cho chủ đầu tư nhưng sau bao ngày chờ đợi tưởng sắp được về nhà mới thì giờ chị Hoa đang trong tình trạng khóc dở, mếu dở vì không biết khi nào phía chủ đầu tư mới bàn giao căn hộ cho chị.
“Hiện tại cả gia đình tôi đang sống trong căn phòng trọ 10m2 chờ đến ngày bàn giao nhà tại dự án. Nhưng khi chính quyền có quyết định cưỡng chế phá dỡ phần sai phép xây dựng thì thời hạn giao nhà chưa biết đến khi nào mới thực hiện được. Gia đình tôi bỏ ra hàng mấy tỷ đồng để mua nhà nhưng cuối cùng lại cứ phải sống trong phòng trọ chật chội như thế này đến bao giờ?”, chị Hoa than thở
Khách mua nhà đã đóng 90% tiền rồi nhưng không biết khi nào mới có nhà để ở vì phải chờ chủ đầu tư thực hiện việc phá dỡ
Không chỉ riêng chị Hoa, nhiều khách hàng mua nhà cũng trong tình trạng như vậy. Họ chấp nhận bán cả gia sản , thậm chí vay ngân hàng với lãi suất cao để tìm được chốn an cư, nhưng không ít khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội) lại lâm cảnh “sống dở, chết dở”, bởi áp lực phá dỡ chưa biết bao giờ xong, nhiều người lo lắng kết cấu và tuổi thọ công trình sau phá dỡ liệu có còn đảm bảo an toàn?
Trao đổi với anh Hoàng Thiêm, một kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, anh cho biết: “Kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành xây dựng, tôi chắc chắn việc phá dỡ sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tuổi thọ công trình. Việc cắt ngọn, phá dỡ giật cấp như hiện nay, dù không phải chuyên gia, người ta cũng dễ nhận thấy toàn bộ kết cấu của toà nhà sẽ bị ảnh hưởng”.
Nhiều khách hàng mua nhà cho hay, họ bỏ cả tài sản ra mua nhà tại dự án. Tiến độ khách hàng đã đóng đến 90% tiền nhà rồi nhưng giờ công trình lại phải dừng lại phá dỡ thì biết đến khi nào những người mua nhà mới có nhà để ở. Do đó những người này mong Nhà nước cũng nên xem xét, đưa ra hướng xử lý thấu đáo để đảm bảo quyền lợi cho người dân, cụ thể là người mua nhà.