Không khó để nhận ra rằng, với việc những khoản cho vay BĐS được loại trừ khỏi khu vực phi sản xuất như tinh thần Công văn 8844 của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng sẽ không còn "vướng" vào mệnh lệnh kéo giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất về mức 16% vào thời điểm cuối năm nay nữa.

Ngày 14/11, trong công văn số 8844/NHNN-CSTT - một dạng văn bản rất bình thường về hoạt động tín dụng trong các tháng cuối năm 2011 - gửi cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã đề cập đến một vấn đề rất "nhạy cảm " đối với thị trường bất động sản (BĐS).


Điểm ấn tượng nhất của công văn trên không chỉ thu hút sự chú ý của đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là khối ngân hàng mà cả với đối tượng chịu tác động gián tiếp là các doanh nghiệp kinh doanh BĐS.


Theo công văn này, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khi xác định tỷ trọng so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng, được loại trừ một số nhu cầu cho vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và thuộc chính sách an sinh, xã hội của Chính phủ, gồm các nhóm đối tượng là người có nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở; trường hợp xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; trường hợp xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.


Tuy nhiên nhóm đối tượng đáng chú ý nhất được loại trừ khỏi khu vực phi sản xuất là trường hợp xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 01/01/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.


Cuối năm nay, các ngân hàng sẽ 'thoát nạn'?

Sợi dây thắt chặt tín dụng BĐS được nới dần (ảnh minh họa - LĐ)


Bối cảnh xuất hiện văn bản trên của Ngân hàng Nhà nước cũng "nhạy cảm" không kém. Từ đầu tháng 11/2011, sau hiện tượng giảm mạnh giá bán căn hộ ở hai dự án PVL và An Tiến tại TP.HCM, một con sóng khác đã hiện ra nhưng với thế năng ngược lại hoàn toàn: dư nợ và nợ xấu BĐS.


Liên tục trong khoảng 10 ngày trở lại đây, báo chí ồn ào nói về thời điểm cuối tháng 12/2011 khi tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất phải được kéo giảm về mức 16% tại các ngân hàng, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Không khác gì thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2011 liên quan đến tỷ lệ dư nợ phi sản xuất 22%, dư luận lại góp một phần lớn vào trạng thái điên đầu của các nhà kinh doanh tiền tệ và giới chủ đầu tư địa ốc.


Nhưng vào lần này, quá nhiều tin tức xấu tác động đến thị trường BĐS ở cả hai đầu cầu Bắc - Nam đã khiến cho "cái chết" dành cho nhiều doanh nghiệp BĐS trở nên chắc chắn hơn so với trạng thái lâm sàng hồi giữa năm nay. Vì thế, không ngạc nhiên khi ngày càng xuất hiện nhiều đánh giá, khẳng định của một số chuyên gia về triển vọng sẽ có những đợt giảm giá mạnh, bán tháo sản phẩm nhà đất vào những ngày cuối năm 2011.


Một điểm đáng chú ý khác là công văn số 8844 trên của Ngân hàng Nhà nước được ban hành với độ trễ đúng 10 ngày, sau khi cũng cơ quan này đã có một yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng về báo cáo tình hình dư nợ BĐS, gửi cho Ngân hàng Nhà nước trước ngày 9/11/2011.


Hiển nhiên là phiên họp của Chính phủ vừa qua đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, và tháng 11 hứa hẹn sẽ là thời gian cao điểm của năm nay về việc xem xét và thông qua hàng loạt chính sách về kinh tế - xã hội; trong đó phần trách nhiệm nặng nề nhất thuộc về Bộ Tài chính về câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp và việc miễn giảm thuế, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an về kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ, kể cả Bộ Xây dựng về thời hạn trước ngày 15/11 phải báo cáo cho Chính phủ việc rà soát tình hình và đề xuất giải pháp đối với thị trường BĐS.


Thực ra, việc phân loại tín dụng cho vay đối với khu vực sản xuất hay phi sản xuất không phải là một chủ đề mới. Vào giữa tháng 9, đã xuất hiện thông tin vào đầu tháng 11/2011, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất với Chính phủ các tiêu chí thuộc khu vực sản xuất nhằm tái cho vay đối với doanh nghiệp BĐS. Trước đó, gần cuối tháng 8/2011, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã thông tin với báo giới rằng Chính phủ đã đồng ý đưa BĐS ra khỏi khu vực phi sản xuất, nhưng tất nhiên BĐS phải chịu giám sát chặt chẽ về tín dụng.


Như vậy, gần 3 tháng sau khi phạm trù gây tranh cãi về BĐS mang thuộc tính sản xuất hay phi sản xuất được kết thúc tranh luận, đã có một sự cụ thể hóa tiêu chí phân loại những trường hợp BĐS không thuộc khu vực phi sản xuất, tuy sự cụ thể hóa này không được thể hiện trong một văn bản chuyên biệt của Ngân hàng Nhà nước hay một văn bản liên tịch nào đó giữa Ngân hàng nhà nước và Bộ Xây dựng.


Không khó để nhận ra rằng, với việc những khoản cho vay BĐS được loại trừ khỏi khu vực phi sản xuất như tinh thần trong công văn số 8844 của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng, nếu không nói là hầu hết, sẽ không còn "vướng mắc" về mệnh lệnh kéo giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất về mức 16% vào thời điểm cuối năm nay nữa.


Cũng không khó để thấy rằng một khi ngân hàng không còn phải vắt óc tìm ra cách lách "lim 16%", con nợ của họ là các doanh nghiệp BĐS cũng bắt đầu thở ra nhè nhẹ và bắt đầu thầm mong cho "trời sáng dần", thay cho uẩn ức "mong cho trời đừng sáng" chỉ cách đây ít ngày.


Thậm chí, những ngân hàng lạc quan nhất lại có thể lên kế hoạch tái cho vay trong những ngày sắp tới, đặc biệt là dành cho những dự án có nhiều hứa hẹn về tiến độ thi công và khả năng sắp hoàn thiện, bàn giao sản phẩm cho khách hàng.


Cũng bởi thế, nhiều khả năng những ngày cuối năm 2011 sẽ vẫn diễn ra một cách "êm ả", cùng với thời tiết se lạnh làm dịu lại những cái đầu căng thẳng.


Và sẽ có thể chẳng hiện hình một làn sóng giảm giá hoặc bán tháo sản phẩm nhà đất nào nữa.

Theo Trường Sơn (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh