24/09/2012 8:17 AM
Mặc dù đã có quy định về trần lãi suất, song thực tế, “cuộc chiến vẫn khốc liệt” trên thị trường huy động vốn. Hai chiêu hay được các ngân hàng áp dụng nhất là khuyến mại và lãi suất.

Đủ chiêu lách

Việc sử dụng hình thức khuyến mại khi gửi tiền là rõ nét nhất và trường kỳ nhất. Dịp này, hầu hết các ngân hàng đều tung ra những gói khuyến mại lớn. Điển hình như BIDV và VRB đang liên minh tổ chức chương trình khuyến mại cho người gửi tiền có tổng giá trị 32 tỷ; ACB sau sóng gió cũng tung ra gói giải thưởng 9 tỷ cho khách hàng gửi tiền; OCB cũng đang ráo riết thực hiện chương trình khuyến mại lớn nhất năm...

Có thể thấy, các nhà băng từ lớn tới nhỏ đều triển khai các gói khuyến mại, tặng quà cho khách hàng gửi tiền tại ngân hàng mình. Đây là dấu hiệu cho thấy họ đang “vật lộn” giữ khách để mong trước là bảo toàn nguồn vốn tiền gửi, sau là hy vọng tăng vốn huy động.

Như lời Lệ Huyền, kiểm soát viên một phòng giao dịch của một ngân hàng, “khách hàng gửi tiền bây giờ thực sự là thượng đế. Họ có thể được mời chào bằng các chương trình khuyến mại và rất dễ rút tiền sang gửi nếu thấy lợi hơn, dù nhiều khi không nhiều”.

Khuyến mại cũng là chiêu khá trường kỳ mà các ngân hàng đang áp dụng trong năm. Các hình thức phổ biến vẫn là bốc thăm trúng thưởng, cào trúng trưởng, to thì tặng cả nhà, ôtô; bé thì là áo mưa, cốc, tách, ô... Nếu theo dõi kỹ hơn thể lệ chương trình cũng như số lượng giải thưởng thì có lẽ, khách hàng nào gửi tiền cũng có cơ hội trúng giải.

Ngoài ra, lãi suất cũng đang là công cụ được các ngân hàng tích cực triển khai. Đối với những kỳ hạn dài, động thái là nâng mức lãi suất lên xung quanh mốc 13%. Ngoài ra, một vài thông tin báo chí nêu tình trạng “lãi suất bí mật” lại tiếp tục tái diễn với phần chi ngoài 2-3% cho khách hàng đối với kỳ hạn ngắn. Thêm vào đó, một số nhà băng nới tay huy động vàng càng cho thấy họ đang tiếp tục “vật lộn” với bài toán thanh khoản, đảm bảo hệ số an toàn vốn cần thiết.

Điều này có lẽ mang tính quy luật nhiều hơn khi mà năm nào cũng vậy. Càng gần đến cuối năm, vấn đề thanh khoản càng căng thẳng. Năm nay, khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt việc cho vay trên thị trường liên ngân hàng, thì có lẽ cuộc chiến huy động vốn sẽ còn khốc liệt hơn. Cũng xin nhắc thêm, một sự việc mang tính quy luật khác đến cuối năm đồng USD sẽ biến động. Năm nay, liệu tình trạng này có tiếp tục?

Tại sao “cuộc chiến” huy động vốn vẫn tái diễn?

Các số liệu gần đây cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế vẫn rất thấp. Đến tháng 9/2012, con số này vẫn chỉ ở mức 1,8%. Trong khi đó, việc tăng trưởng huy động lại cao hơn hẳn, vượt 11%. Nếu nhìn chung, sẽ thấy sự mất cân đối giữa giữa huy động và cho vay. Tuy nhiên, để phân tích cụ thể, có lẽ cần xét đến từng yếu tố, bối cảnh từng ngân hàng vì quy mô của các ngân hàng rất khác nhau.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra: tại sao các ngân hàng quyết liệt cuộc chiến huy động trong khi lại báo thừa vốn?

Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra, như tính thanh khoản có vấn đề, bù đắp thiếu hụt... Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, áp lực cạnh tranh đang đè nặng lên các ngân hàng.

“Đây là một cuộc chiến thực sự, nếu mình tụt lại thì sẽ mất thị phần. Các ngân hàng khác đều có các chương trình khuyến mại, nếu không triển khai rất khó giữ chân khách hàng”, lãnh đạo Khối Bán lẻ một ngân hàng cho biết.

Từ đó cũng dễ hiểu vì sao cứ ngân hàng này khuyến mại, ngân hàng khác cũng ồ ạt tung ra các chương trình tặng quà, và rất nhiều chương trình na ná nhau. Và các phương thức khuyến mại được xem là cách chủ lực để giữ chân, câu kéo khách hàng trong khi áp lực thanh khoản vẫn rất lớn.

Gần đây, khi giá vàng biến động mạnh, còn có dấu hiệu cho thấy các ngân hàng đang tích cực mua vào. Có lẽ, các cơ quan quản lý cần thận trọng. Thực tế trước đây, rất nhiều hợp đồng mua bán vàng đã thể hiện sự lỗ lã của ngân hàng. Và mua vào chính là “chiêu” lách để hạch toán số tiền lãi “chi ngoài” của một số nhà băng. Ví dụ đơn giản, nếu phải “chi ngoài” cho khách hàng thêm 1 triệu tiền lãi, các ngân hàng thường kiếm 2 chứng minh thư nào đó, rồi tiến hành hai hợp đồng mua bán vàng - việc này khiến ngân hàng lỗ 1 triệu đồng. Ngoài ra, cách lách này cũng thực hiện thông qua các hợp đồng mua bán, trao đổi ngoại tệ. Điều cần cảnh báo là, thời điểm này, khi giá vàng đang tăng giảm bất thường thì ngân hàng lại càng dễ lách để vượt trần lãi suất.
Theo Trần Anh Tuấn (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.