Năm 2012 vừa bắt đầu chưa được bao lâu mà đã xảy ra thêm một số vụ bất ổn liên quan đến thu hồi đất tại Trung Quốc.

Vọng Cương theo chân Ô Khảm


Theo Nhật báo Quảng Đông, vụ căng thẳng ở làng Ô Khảm thuộc thị xã Lục Phong vừa tạm lắng xuống chưa được bao lâu thì chính quyền tỉnh Quảng Đông lại đau đầu vì đợt phản đối ở làng Vọng Cương, thành phố Quảng Châu. Trong 2 ngày 17-18.1.2012, 3.000 người dân Vọng Cương kéo lên trụ sở chính quyền tỉnh để biểu tình phản đối giới chức địa phương đầu cơ địa ốc trái phép từ đất đai canh tác của dân, thu lợi khoảng 63 triệu USD. Họ còn tố cáo Bí thư Chi bộ làng Lê Chí Hàng cho đối tác thuê bãi giữ xe và khu vực chợ trung tâm với giá rẻ mạt.


Nhật báo Quảng Đông dẫn lời dân làng lên án ban lãnh đạo địa phương là “một băng đảng xã hội đen” và kêu gọi nhà nước sớm giải quyết để Vọng Cương không phải trở thành một “Ô Khảm thứ hai”. Nhằm tránh để vụ việc thêm nghiêm trọng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương lập tức ra lệnh “nhanh chóng phản hồi đề nghị của dân, tiến hành thương lượng hòa bình và tìm hướng giải quyết”. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Đông cam kết tiến hành điều tra về tham nhũng và sử dụng đất trái phép trước ngày 19.2, đồng thời đình chỉ công tác của ban lãnh đạo địa phương.


Trước đó, phản ứng nhanh chóng của lãnh đạo cấp cao Quảng Đông trước lời kêu gọi của dân đã giúp giải quyết bất ổn ở Ô Khảm. Vì thế, báo giới Trung Quốc đánh giá “phương pháp Ô Khảm”, tức nghiêm túc lắng nghe và cam kết đầy đủ với dân là phương pháp duy nhất để hòa giải.


Cuộc chiến đất đai ở Trung Quốc: Những Ô Khảm mới
Người dân tỉnh Chiết Giang biểu tình phản đối thu hồi đất đai - Ảnh: Weibo


Chiết Giang không yên ổn


Ngày 1.2.2012, gần 5.000 người dân của 2 làng Phán Hà Đông và Phán Hà Tây thuộc huyện Thương Nam, tỉnh Chiết Giang đã biểu tình rầm rộ, tố cáo quan chức địa phương bán lậu đất đai và không đền bù cho dân. Weibo, một trong những diễn đàn mạng lớn nhất ở Trung Quốc và nhiều trang tin khác đồng loạt đưa hình ảnh người dân giơ cao biểu ngữ viết: “Chính quyền lợi dụng tài nguyên tập thể để mưu lợi cá nhân”, “Chính quyền địa phương coi thường người dân”... Trong suốt cuộc biểu tình, không thấy xuất hiện bóng dáng quan chức nào.


Theo truyền thông Trung Quốc, bức xúc xuất phát từ dự án “vây biển tạo đất liền” của chính quyền Thương Nam khởi động từ năm 2003 với chính sách cưỡng chế trưng thu đất đai. Phán Hà Đông và Phán Hà Tây với tổng dân số hơn 5.000 người là 2 làng có diện tích lớn nhất liên quan tới dự án trên. Tháng 6.2011, khi đơn vị trúng thầu bắt đầu tiến hành triển khai xây dựng thì người dân mới biết đất đai mà nhiều thế hệ gia đình họ sinh sống bấy lâu đã bị bán. Tất cả đất ruộng, đất hương hỏa, những mẫu nước nuôi trồng thủy sản... đều bị lấy trong khi người dân không nhận được một xu bồi thường. Một dân làng viết trên diễn dàn mạng: “Chính quyền nỡ lòng nào chặt đường sống của mấy ngàn người?”.


Ngày 6.2.2012, đến lượt hàng trăm người làng Long Cương, cũng thuộc Thương Nam, xuống đường phản đối các vụ mua bán và bồi thường mờ ám liên quan đến dự án “vây biển tạo đất liền”, theo tờ China Daily. Tờ báo dẫn lời một viên chức địa phương cho hay người dân yêu cầu minh bạch thông tin trong chính sách sử dụng và bồi thường liên quan đến diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hồi.


Do đặc thù đất bị thu hồi ở Thương Nam nằm ven biển với nhiều dải cát ngầm, cho tới nay chính quyền vẫn chưa có tiêu chuẩn chia tách rõ ràng. Ông Lý Hiểu Bân thuộc Hiệp hội Luật sư Bắc Kinh nhận định có dấu hiệu chính quyền Thương Nam đã lợi dụng những điểm mập mờ này để chiếm đất.


Hơn 43% số nông dân được hỏi cho biết mình là nạn nhân của nạn chiếm đất trái phép ở Trung Quốc. Đây là kết quả của cuộc khảo sát tại 17 tỉnh và khu vực do Đại học Nhân dân Bắc Kinh thực hiện và được đăng trên báo 21st Century Business Herald của Trung Quốc ngày 7.2. Theo đó, 1/4 số người được hỏi cho biết không nhận bất cứ bồi thường nào. Nhiều người khác nói họ chỉ nhận được số tiền rất ít, có khi thấp hơn 40 lần so với giá chính quyền địa phương bán lại cho các nhà thầu bất động sản. Văn Khoa

Theo Ngọc Bi (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.