Thông tin về hoạt động ngân hàng của Ngân hàng nhà nước (NHNN) tháng 1/2012 cho biết: “Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống NH được cải thiện, các NHTM tích cực bán ngoại tệ cho NHNN, tỉ giá giao dịch của các NHTM giảm nhanh và mạnh so với mức trần cho phép, có thời điểm chênh lệch giữa tỉ giá mua vào – bán ra USD của các NHTM ở mức 300 VND.
Cung ngoại tệ đang dư
Báo cáo cập nhật mới nhất của NHNN tuần từ 4/2-10/2/2012 cũng tiếp
nối một chiều thông tin: “Trong tuần, thị trường ngoại hối tiếp tục diễn
biến tích cực. Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện. Hiện
tỉ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các NHTM phổ biến quanh khoảng
20.810/ 20.880 đ/USD”. Tại Vietcombank, nhiều tuần qua, tỉ giá niêm yết
đứng mức 20.810 – 20.870đ/USD. Đây cũng là mức giao dịch phổ biến tại
các NHTM khác, đã điều chỉnh giảm khoảng 10đ/USD so với giao dịch của
tuần đầu tiên trong tháng và thấp hơn giá mua của Sở Giao dịch NHNN
khoảng 40đ/USD (tính theo tỉ giá niêm yết tại Sở ngày 27/2/2012).
Cũng theo báo cáo tuần của NHNN thì trong tuần đầu tháng 2, các giao dịch bằng USD chủ yếu tập trung ở kỳ hạn qua đêm, với doanh số quy đổi ra VND đạt xấp xỉ 33.118 tỉ đồng, tương đương 45% tổng doanh số giao dịch bằng USD. Lãi suất bình quân liên NH bằng VND giảm đối với các kỳ hạn ngắn từ 1 tuần đến 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng, với các mức giảm từ 0,07% (kỳ hạn 2 tháng) đến 7,14% (kỳ hạn 12 tháng) so với tuần trước; lãi suất giao dịch bình quân USD cũng giảm đối với các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng, kỳ hạn 3 tháng và trên 12 tháng; trong đó kỳ hạn 3 tuần và trên 12 tháng giảm nhiều nhất so với tuần trước, mức giảm lần lượt là 0,65% và 0,60%. Kỳ hạn qua đêm, 2 tháng và 6 tháng, lãi suất bình quân tăng; trong đó kỳ hạn 2 tháng tăng nhiều nhất (+1,05%). Kỳ hạn 12 tháng lãi suất bình quân không thay đổi, vẫn đứng ở mức 3,52%. Việc lãi suất bình quân liên NH ở các kỳ hạn ngắn giảm cùng với việc cho vay nhỏ giọt trên thị trường mở cho thấy trạng thái thanh khoản cả VND lẫn ngoại tệ của các NH đã được cải thiện, dĩ nhiên là loại trừ một số NH nhỏ vẫn đang phải xoay xở với vấn đề thanh khoản do không có tài sản để thế chấp vay trên thị trường liên ngân hàng. Như vậy, nói riêng về ngoại tệ, rất có thể các NHTM vẫn đang tiếp tục tích cực gom mua USD để bán lại cho người mua sau cùng là NHNN, hưởng chênh lệch giá.
Theo một chuyên gia, thanh khoản ngoại tệ được cải thiện xuất phát từ
nhiều nguyên nhân: Về sâu xa và căn bản, là thông điệp quyết tâm ổn
định thị trường ngoại hối của Thống đốc NHNN, thể hiện qua một loạt các
thông tư quản lý việc cho vay và chế tài đối với giao dịch ngoại hối
trái quy định, đồng thời giữ tỷ giá không điều chỉnh quá 1% trong 4
tháng cuối năm 2012, qua đó củng cố niềm tin của người dân khi nắm giữ
tiền đồng. Ngoài ra, mùa kiều hối đang cao điểm, hoạt động chuyển đổi
vốn từ tín dụng ngoại tệ, nhu cầu nhập siêu giảm… cũng là những yếu tố
hỗ trợ cho nguồn cung ngoại tệ.
“Cửa” mở với DN nào ?
Mặc dù thanh khoản của các NH đang tăng, nhưng tăng trưởng tín dụng
tháng 1/2012 của cả nước, theo số liệu của NHNN, vẫn chưa có nhiều khởi
động. Tính đến 17/1/2012, tín dụng đối với nền kinh tế giảm 0,78% so với
cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,21%, tín dụng bằng
ngoại tệ giảm 2,93%. Tuy nhiên, ở một số tỉnh thành, địa phương như TP
HCM và Hà Nội thì tăng trưởng tín dụng lại đảo chiều ước đạt lần lượt
6,3% và 1,96% so với tháng trước. Trong đó, tăng trưởng tín dụng bằng
ngoại tệ chiếm một tỷ trọng khá đáng kể. Chỉ tính riêng địa bàn TP HCM,
dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ trong tháng 1/2012 đã đạt 219,9 ngàn tỷ
đồng, chiếm 27,1% tổng dư nợ, tăng 13,3% so cùng kỳ. Nhiều NH cho hay
đối tượng được thụ hưởng nguồn tín dụng ngoại tệ, làm tăng dư nợ này chủ
yếu là những DN sản xuất kinh doanh có thị trường xuất khẩu.
Thông tin này trùng khít với chia sẻ của một số đại diện DN kinh
doanh trong lĩnh vực gỗ, thủy hải sản xuất khẩu. Theo các DN, ngay từ
cuối năm 2011, họ đã làm hồ sơ vay vốn bằng ngoại tệ để thực hiện các
đơn hàng cho các đối tác truyền thống trong năm 2012. Tuy nhiên, vấn đề
của họ hiện nay là lãi suất bình quân 6% - 7% /năm không còn là một “ưu
đãi”, nếu so với lãi suất vay VND đã xuống 13,5%-17%/năm. “Đồng nội tệ
lên giá, DN xuất khẩu thiệt thòi khi thu nhận về ngoại tệ, bán lại cho
các NH trả nợ, trong khi đó nếu thương thảo với đối tác để tăng giá đơn
hàng, dù chỉ 1% so với năm 2011, tạm bù lại phần trượt giá tỉ giá, lại
rất khó khăn”, chi Hồng Sương - chủ doanh Cty TNHH TM-DV-XK Đại Phát cho
biết.
Đối với các DN nhập khẩu hàng để bán, hàng nhập không phục vụ hoạt
động sản xuất kinh doanh, tình hình còn khó khăn hơn. Do hiện nay các NH
phải thực hiện chủ trương của NHNN, siết chặt nhu cầu cho vay ngoại tệ
để thanh toán hàng nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu, giảm áp lực lên cán
cân thương mại nhiều năm qua luôn nghiêng về thâm hụt, nên DN không có
nguồn đối ứng ngoại tệ để trả nợ rất khó tiếp cận vốn, càng khó để mua
ngoại tệ trả nợ nếu không phải là mua tại NH DN đang có hợp đồng vay
ngoại tệ tới kỳ đáo hạn. Ông Trần Trọng - chủ DN phân phối hóa mỹ phẩm
tại TP HCM cho biết do không vay được vốn mới để đăng ký nhập hàng
nguyên năm, hiện Cty ông đang đứng trước nguy cơ bị cắt những mặt hàng
phân phối độc quyền từ một hãng mỹ phẩm Đức; nhiều DN cùng ngành khác
cũng lâm vào tình trạng tương tự như DN ông.
Năm 2012, VND sẽ tiếp tục lên giá khoảng 8% nữa. |
Nhìn chung, dù khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngoại tệ, với những DN xuất nhập khẩu đã lên được kế hoạch sử dụng vốn và kế hoạch trả nợ trong năm 2012, thì cánh cửa vay vốn ngoại tệ vẫn đang khá rộng mở. Vấn đề còn lại là DN sẽ tiếp cận nguồn vốn đó để kinh doanh có hiệu quả như thế nào, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu vẫn đang có biến động và sức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn chưa thể lấy lại thăng bằng như trước.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, rủi ro tỉ giá vẫn là yếu tố mà DN cần cân nhắc khi lên kế hoạch vay. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dẫn ra các số liệu: Trong năm 2011, VND đã mất giá 18,58%, giá vàng tăng 24% song tỷ giá, VND/USD chỉ tăng 10,2%, có nghĩa là VND đã lên giá thực tế so với USD khoảng 9%. Căn cứ trên chỉ số CPI tháng 1/2012 tăng 1% so với tháng 12/2011, tăng 17,27% so với tháng 1/2011, ông dự báo CPI năm 2012 có thể tăng khoảng 12% khi giá than, điện, xăng dầu, phí dịch vụ y tế sẽ được nâng lên và sức mua tiếp tục giảm sút. Và nếu dự báo đó đúng thì theo ông, năm 2012, VND sẽ tiếp tục lên giá khoảng 8% nữa, chứ không phải chỉ ở mức 3% như Thống đốc NHNN đã dự kiến. Như vậy, khoảng co giãn kỳ vọng của việc điều chỉnh tỉ giá là khá lớn. Trong trường hợp đó, bất lợi vẫn nghiêng về phía DN xuất khẩu nhưng lại khuyến khích nhập khẩu, tăng sức ép ngược lại với chính tỉ giá.
Nguồn tín dụng ngoại tệ cho các DN xuất khẩu, sản xuất kinh doanh đang được gia cố đáng kể bởi các gói tín dụng lớn mà các NH TMCP vừa tung ra: NHTM cổ phần kỹ thương VN (Techcombank) đã tiếp nhận một khoản vay dài hạn từ Quỹ đầu tư hỗ trợ các nước đang phát triển của Na Uy (Norfund) trị giá 15 triệu USD để bổ sung thêm vào nguồn vốn tài trợ cho các DNNVV tại VN. NHTM cổ phần Á Châu (ACB) có chương trình “Tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho DN xuất nhập khẩu” với quy mô 100 triệu USD. Các DN có hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là các ngành gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép… khi có nhu cầu bổ sung vốn lưu động để làm hàng xuất khẩu hoặc để thanh toán tiền hàng nhập khẩu sẽ được ACB tài trợ vốn với lãi suất thấp hơn 0,5% so với cho vay thông thường và được ACB hỗ trợ các tiện ích cộng thêm khác. NH TMCP Phát triển nhà HDBank cũng đang tiếp tục chương trình “Đồng hành cùng các DN xuất khẩu, Công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp” đã được triển khai từ năm 2011, với mức lãi suất ưu đãi, hỗ trợ cho các DN vay vốn thấp hơn mức lãi suất hiện hành trên thị trường từ 1- 4%/năm đối với cả VND và USD. Đại diện của HDBank cho biết đây là một trong những định hướng chính để HDBank sử dụng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012… |