15/02/2023 5:16 PM
Thị trường gần như đình trệ, chi phí đầu vào tăng cao khiến hầu hết các doanh nghiệp ngành xi măng gặp nhiều khó khăn trong năm 2022. Dù vậy, tiềm năng tăng trưởng trong năm 2023 là khá sáng sủa nhờ động lực đầu tư công cũng như nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhiều yếu tố tích cực

Năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước đạt 62,7 triệu tấn, tương đương năm 2021. Tiêu thụ xi măng chững lại do chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản, cộng với việc giải ngân vốn đầu tư các công trình công còn chậm, khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng bị ảnh hưởng đáng kể.

Tềm năng tăng trưởng của ngành xi măng trong năm 2023 là khá sáng sủa nhờ động lực đầu tư công cũng như nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc

Bước sang năm 2023, mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ đi ngang so với năm 2022 do thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng.

Tuy nhiên, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng vẫn có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ nhóm ngành này đó là:

Thứ nhất, kế hoạch đầu tư công năm 2023 ước tính sẽ tăng 25% so với cùng kỳ về giá trị, đóng vai trò là động lực hỗ trợ tiêu thụ xi măng trong nước.

Trong bối cảnh động lực tăng trưởng thu hẹp từ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong năm 2023.

Kế hoạch giải ngân đầu tư công lớn với nhiều dự án tại miền Nam là động lực cho tăng trưởng của Xi măng Hà Tiên

Hiện tại, xây dựng dân dụng vẫn là phân khúc tiêu thụ xi măng chính ở Việt Nam. Do vậy, tiêu thụ trong ngành vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể từ thị trường bất động sản.

Trong khi đó, xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 5% tổng sản lượng tiêu thụ xi măng. Việc tăng cường giải ngân đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy xây dựng dân dụng tại các địa điểm có tuyến đường đi qua. Do vậy, gián tiếp thúc đẩy tiêu thụ xi măng của toàn ngành.

Thứ hai, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm nhiệt sẽ giúp các công ty xi măng cải thiện biên lợi nhuận khoảng 50-90% trong năm nay.

Trên thực tế, giá than và giá dầu tăng mạnh trong giữa năm và đang có xu hướng giảm dần trong các tháng cuối năm 2022. BVSC dự báo, xu hướng giảm này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay do những lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu; cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine dần đi đến hồi kết và sản lượng cung ứng xăng dầu từ các quốc gia không thuộc OPEC tăng cao hơn dự kiến.

Thứ ba, thị trường xuất khẩu xi măng có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 do Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều này có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung của Việt Nam.

Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam trong giai đoạn tháng 8.2021 – 3.2022. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng yếu đi tại Trung Quốc, xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang thị trường này giảm đáng kể.

Thời gian tới, động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu xi măng tại quốc gia này phục hồi. Đây là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng.

Tương tự, thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao, kèm theo thuế chống bán phá giá trên 10% đang áp với xi măng Việt Nam. Trong bối cảnh, cước vận tải biển giảm nhiệt trong các quý cuối 2022, xuất khẩu sang Philippines cũng giảm bớt áp lực.

Có nên đầu tư vào cổ phiếu xi măng vào thời điểm này?

Năm 2023, đầu tư công là một chủ đề rất sáng và những nhóm ngành được hưởng lợi có thể kể đến như các nhà thầu, các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc vật liệu xây dựng.

Chứng khoán Bảo Việt khuyến nghị khả quan với cổ phiếu HT1 cùng tiền năng sinh lời tới 41%

Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, đầu tư cho cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 60% ngân sách. Các dự án trọng điểm tập trung là các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai. Trong đó, khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ và Bắc Trung Bộ chiếm 66% tổng vốn đầu tư.

BCSV cho rằng, kế hoạch giải ngân đầu tư công lớn với nhiều dự án tại miền Nam là động lực cho tăng trưởng của Xi măng Hà Tiên. Với thị phần lớn tại các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Xi măng Hà Tiên được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án trọng điểm tại khu vực này.

Do đó, BVSC dự phóng kết quả kinh doanh 2023 của Xi măng Hà Tiên tăng trưởng mạnh trên nền thấp của 2022 với kỳ vọng thị trường xuất khẩu bớt khó khăn so với 2022, giúp giảm cạnh tranh trong nước. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lại vào nửa cuối năm 2023 sẽ là động lực giúp doanh nghiệp này tăng sản lượng và giảm áp lực về giá bán.

Với triển vọng giải ngân đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành trong 2023 và Xi măng Hà Tiên tiếp tục giữ vững vị trí doanh nghiệp đầu ngành tại miền Nam, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu HT1 tại thời điểm hiện tại với mức giá 19.008 đồng/cp, cao hơn 41,3% so với giá hiện tại.

Trong khi đó, Chứng khoán SSI khuyến nghị các nhà đầu tư nên chờ đợi dấu hiệu giá than điều chỉnh thấp hơn và giá cổ phiếu xi măng được điều chỉnh sâu hơn.

Nhờ cơ cấu tài chính lành mạnh, cùng với dòng tiền ổn định, SSI đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HT1 với giá mục tiêu là 12.300 đồng/cp cùng với mức tăng giá tiềm năng gần 10% so với thị giá hiện tại.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.