29/12/2016 4:59 PM
"Cánh cửa" giảm lãi suất trong năm 2017 dường như khá mong manh khi thị trường tiếp tục chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng và những biến động không lường trên thị trường thế giới.
Ảnh minh họa.
Trong năm 2016, mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ so với năm 2015 khoảng vài chục điểm cơ bản tùy từng kỳ hạn từ ngắn đến trung và dài hạn, trong đó có hai đợt điều chỉnh tương đối rõ vào quý I và cuối quý IV.
Đến cuối năm 2016, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4,3% - 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3% - 7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5% - 8%/năm.
Nguyên nhân chính của việc tăng lãi suất trong quý I/2016 đến từ một số diễn biến của hệ thống ngân hàng kéo theo nhu cầu tăng cường huy động vốn. Có thể kể đến như tăng trưởng huy động (13,59% trong năm 2015) thấp hơn tăng trưởng tín dụng (17,3% trong năm 2015) kéo theo tỷ lệ LDR của một số ngân hàng tại thời điểm này ở mức khá cao. Bên cạnh đó, Thông tư 06 sửa đổi một số điều Thông tư 36 theo hướng thắt chặt hơn quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Đối với đợt điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất vào cuối quý IV, ngoài cạnh tranh huy động vốn như kể trên, mặt bằng lãi suất huy động còn chịu thêm áp lực từ việc tỷ giá nóng lên sau bầu cử Mỹ và quyết định tăng lãi suất trong tháng 12 của FED và yếu tố mùa vụ với việc tăng trưởng tín dụng gia tốc về cuối năm cũng như nhu cầu đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng xung quanh thời điểm cuối năm Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ nhưng lãi suất cho vay trong năm 2016 khá ổn định và ít biến động. Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn và 9%-10%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%- 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4%-5%/năm.
Mặt bằng lãi suất vẫn chịu nhiều áp lực!
Mặc dù Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà Nước liên tục thể hiện quyết tâm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, mà một trong những động thái mới đây nhất là kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, việc lãi suất giảm vẫn là một điều khá xa vời.
Theo đánh giá của ông Khúc Văn Họa, Phó Tổng giám đốc TPBank, trong năm 2017, một khi vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, thì lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm trong thời gian ngắn.
"Vai trò cho vay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ở các ngân hàng thương mại, tuy nhiên doanh nghiệp và ngân hàng vẫn chưa gặp được nhau. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó đạt được các điều kiện cần thiết để hạn chế nợ xấu của ngân hàng", ông Họa nói.
"Đến năm 2017 sẽ có một số yếu tố ảnh hưởng đến ngành ngân hàng. Vấn đề nợ xấu vẫn là căn bệnh của nền kinh tế, các ngân hàng vẫn tự trích lập dự phòng, tự xử lý là chính. Theo như con số công bố thì hiện các nhà băng đã bán cho VAMC khoảng 260 nghìn tỷ nợ xấu, cộng với 2,6% nợ xấu trên bảng cân đối, tổng cộng là khoảng 400 nghìn tỷ nợ xấu".
"Giả sử chúng ta xử lý được 55% số nợ xấu trên thì vẫn còn gần 200 nghìn tỷ, đây là một gánh nặng lớn, chiếm xấp xỉ 5% tổng tài sản ngân hàng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân vì sao lãi suất cho vay không thể giảm ngay", Phó Tổng giám đốc TPBank nhận định.
Cùng quan điểm, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá. Theo đó, VCBS đánh giá lãi suất sẽ rất khó giảm thêm.
Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh lạm phát trong tầm kiểm soát; biến động của thị trường ngoại hối và việc giảm giá của VND ở mức hợp lý như kỳ vọng và triển vọng nguồn cung ngoại tệ ở mức ổn định và dồi dào tiếp tục hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, VCBS cho rằng NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và giải tỏa các áp lực lên lãi suất.
Theo đó, VCBS cho rằng, mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ và NHNN là có thể đạt được. Các chuyên gia phân tích dự báo mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%) và trần lãi suất 5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều khả năng sẽ được đảm bảo.
  • Lãi suất nóng vì ngân hàng “hăng” với tăng tín dụng

    Lãi suất nóng vì ngân hàng “hăng” với tăng tín dụng

    Ngân hàng và doanh nghiệp đang “hăng” trở lại với chuyện cho vay và đi vay. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất nhích lên gần đây.

  • Lãi suất chịu nhiều sức ép mới

    Lãi suất chịu nhiều sức ép mới

    Nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng đang có chung nhận định “lãi suất không những không có cửa giảm mà nhiều khả năng sẽ tăng”.

  • Áp trần lãi suất: Ngân hàng lúng túng trước "giờ G"

    Áp trần lãi suất: Ngân hàng lúng túng trước "giờ G"

    Từ tuần tới, quy định về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho đối tượng chịu sự điều chỉnh, khiến thị trường tài chính hoang mang không rõ mình phải thực thi theo luật nào.

  • Lãi suất đang phân hóa mạnh

    Lãi suất đang phân hóa mạnh

    Ngày 20/12, một tuần sau sự kiện một số nguyên lãnh đạo cao cấp bị bắt, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho biết, các hoạt động vẫn ổn định, nguồn vốn huy động mới tiếp tục gia tăng.

Trần Thúy (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.