Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri đánh giá cao câu hỏi chất vấn của đại biểu vè các vấn đề đã theo đuổi suốt cả nhiệm kỳ, thể hiện được vai trò giám sát của Quốc hội. Trước những vấn đề thời sự và lĩnh vực chất vấn rộng, phần trả lời của các thành viên Chính phủ được đánh giá cao, nắm chắc vấn đề. Tuy nhiên, một số trả lời chưa đáp ứng được mong đợi của đại biểu và cử tri.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội)
Nhiều cử tri tâm đắc trước những chất vấn về vấn đề gìn giữ môi trường, bảo vệ rừng; đặt biệt là cách đặt vấn đề làm rõ nguyên nhân xảy ra lũ quét, sạt lở đất là do thiên tai hay nhân tai?
Ông Nguyễn Bá Côn (thành phố Thái Bình) nhận thấy, nội dung các chất vấn rất thời sự, như vấn đề lũ lụt, trồng rừng, thủy điện… Có những vấn đề lớn mang tính căn cốt, lâu dài, không thể giải quyết ngày một ngày hai.
Cử tri cho rằng, từ thiên tai lũ lụt, cần nhìn lại vấn đề thủy điện nhỏ, thủy điện và bảo vệ rừng để đảm bảo an toàn đời sống của bà con. Những vấn đề đó liên quan đến mối quan hệ kinh tế và xã hội, không thể đổ hết cho thiên tai được, có nguyên nhân do biến đổi khí hậu nhưng cũng có nguyên nhân từ con người.
Nhiều cử tri đồng tình cao với nhận định trong báo cáo của Chính phủ và Tổng Thư ký Quốc hội về tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp, quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện vừa và nhỏ còn chưa chặt chẽ, tác động mạnh đến môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành nông nghiệp, tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri.
Ông Lê Văn Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, sự giải thích của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường về thiên tai, bão lũ và sạt lở đất vừa qua mà nói rằng không liên quan đến vấn đề thủy điện là hưa hợp lý, dân chưa tán thành. Hiện nay nhiều nơi còn phải tạm dừng một loạt công trình thủy điện, xem xét lại giao đất giao rừng để làm thủy điện.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Đào (Đặng Xá, Gia Lâm) cho rằng, không bảo vệ được rừng mới dẫn tới lũ lụt. Đài, báo thông tin rất nhiều về tình trạng phá rừng, bao nhiêu xe cộ vào chuyển gỗ ra, mà các trạm kiểm lâm ở gần đó không biết trong khi báo chí lại biết… Những nội dung đó chưa được trả lời cụ thể, cần làm rõ để cử tri biết trách nhiệm thuộc về ai.
Ông Phạm Văn Đào cũng chưa đồng tình với phần trả lời chất vấn của tư lệnh ngành giáo dục trong câu chuyện 16 triệu USD để in ấn sách giáo khoa mới, nhưng giá sách giáo khoa vẫn cao hơn 2-3 lần những năm trước; rồi nội dung sách giáo khoa lớp 1 tiếp tục phải chỉnh sửa...
Nhiều cử tri ở Điện Biên bày tỏ sự đồng thuận với nội dung trả lời chất vấn của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Bà Nguyễn Thị Hà (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) mong muốn trong thời gian tới đây, các cơ quan pháp luật sẽ tiếp tục xử lý nghiêm minh các đối tượng tham ô, tham nhũng để giảm bớt thiệt hại kinh tế của đất nước.
Ông Nguyễn Sơn Nam (phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La) cũng bày tỏ sự phấn khởi khi nhiều vụ tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, qua nội dung chất vấn và trả lời chất vấn giữa các đại biểu và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ông cũng đánh giá cao việc gọn thời gian các đại biểu đặt câu hỏi và dành nhiều thời gian hơn để cho các thành viên Chính phủ trả lời.
Qua phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ thông tin Truyền thông, cử tri Nguyễn Trọng Bảo, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai bày tỏ tin tưởng mục tiêu các bộ, ngành, địa phương có thể cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ sẽ hoàn thành, dù đây là một mục tiêu khó.
Ông Bảo cho rằng, để làm được, đòi hỏi chính người dân cũng cần cập nhật về thông tin, công nghệ, chứ không chỉ tập trung chủ yếu vào các cơ quan hành chính nhà nước. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trình độ, nhận thức cho người dân để họ tiếp cận.
“Tôi cho rằng nếu các địa phương tập trung phấn đấu, gắn với điều kiện thực tế thì mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được trong năm nay”, ông Bảo nhận định.
-
Mưa lớn kéo dài, đường 27 tỷ đồng chưa bàn giao đã sạt lở nghiêm trọng
Tuyến đường từ Quốc lộ 28 vào danh lam thắng cảnh thác Liêng Nung (xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, đang trong giai đoạn hoàn thiện để bàn giao đã bị sạt lở nghiêm trọng.