Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) công bố tổng số 775 ngân hàng Mỹ tương đương khoảng 10% tổng số ngân hàng tại nước này hiện đang được xếp vào diện “có vấn đề”.
Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản thương mại “đè nặng” lên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Việc lĩnh vực này tiếp tục đi xuống ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng. Số lượng các khoản vay bị trả chậm ít nhất 3 tháng tăng đến quý thứ 16 liên tiếp.
Bà Sheila Bair, chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ, nhận xét: “Hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết và vì thê chúng ta sẽ không thể lờ đi khả năng thị trường tài chính sẽ tiếp tục biến động mạnh.”
Cuối năm 2008, số ngân hàng thuộc “danh sách đen” của Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ là 252. Đến cuối năm 2009, con số này là 702 và ở thời điểm ngày 20/05/2010, con số đó đã lên tới 775.
Quan chức thuộc FDIC dự báo số lượng các ngân hàng “có vấn đề” sẽ lên đỉnh cao trong năm sau khi tăng liên tục trong suốt 3 năm qua.
Từ đầu năm đến nay, các nhà điều tiết ngành ngân hàng Mỹ đã đóng cửa 72 ngân hàng, cao gấp đôi con số của cả năm 2009.
Tốc độ đóng cửa các ngân hàng được dự báo sẽ tăng đều đặn trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.
Từ đầu năm 2008 đến nay, 237 ngân hàng Mỹ đã sụp đổ.
Quan chức thuộc Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ cho biết họ nhìn thấy những tín hiệu lạc quan đầu tiên. Quý 1/2010, các ngân hàng, tổ chức tiết kiệm tại Mỹ lãi 18 tỷ USD, con số cao nhất từ đầu năm 2008, cao gấp 3 lợi nhuận của nhóm này quý 1/2009.
Hơn nửa nhóm ngân hàng chịu bảo hiểm công bố lãi ròng trong quý 1/2010, con số cao nhất trong hơn 3 năm, các ngân hàng dự phòng rủi ro thua lỗ ít hơn.
Số liệu từ FDIC cho thấy ngân hàng lớn tại Mỹ kinh doanh tốt hơn nhóm ngân hàng nhỏ.
Cafeland.vn
Theo Dân Trí/WSJ