25/08/2024 6:25 PM
Panasonic Electric Works Việt Nam - công ty sản xuất và cung cấp các loại công tắc, ổ cắm điện… sẽ mở rộng nhà máy và dải sản phẩm, nhằm đạt công suất 150 triệu thiết bị/năm trước năm 2030, tăng 1,8 lần so với mức hiện tại.

Tập đoàn Panasonic tiền thân là Xưởng sản xuất đồ gia dụng điện tử, được thành lập bởi Matsushita Konosuke từ năm 1918. Đến nay, Panasonic đã trở thành một trong những thương hiệu lớn trên toàn cầu với doanh thu năm vừa qua đạt khoảng 8.500 tỷ yên, với 512 công ty trực thuộc và 228.420 nhân viên.

Trong đó, Panasonic Electric Works, 1 trong 5 công ty thành viên thuộc Tập đoàn Panasonic hiện đang chiếm hơn 80% thị phần tại Nhật Bản và đứng thứ hai thế giới trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị nối dây.

Nhà máy Panasonic tại Bình Dương

Tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2024, vốn điều lệ của Panasonic Việt Nam đang mức 243 triệu USD với 7 công ty thành viên, bao gồm các hoạt động từ phát triển, sản xuất đến bán hàng.

Trong đó, Panasonic Electric Works Vietnam (PEWVN) được thành lập từ năm 2013 và bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2014. Công ty này hoạt động với tư cách là một “công ty quản lý tổng hợp sản xuất và bán hàng” tập trung vào mảng vật liệu điện, thiết bị chiếu sáng và IAQ.

Panasonic Electric Works Vietnam tập trung vào mảng vật liệu điện, thiết bị chiếu sáng và IAQ

Thông qua 3 lĩnh vực kinh doanh, PEWVN cung cấp “điện, ánh sáng, không khí/nước” và cơ sở hạ tầng toàn diện cho cuộc sống hàng ngày.

Cụ thể, mảng ECM gồm cung cấp sản phẩm cơ sở hạ tầng đảm bảo về điện như thiết bị nối dây, cầu dao, bảng phân phối điện… với thị phần số 1 tại Việt Nam, chiếm khoảng 50%.

Sản phẩm thiết bị nối dây Panasonic

Mảng Lighting cung cấp thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng cho nhà ở và cơ sở kinh doanh. Trong khi đó, mảng IAQ cung cấp sản phẩm cơ sở hạ tầng đảm bảo về không khí, nước như quạt trần, quạt thông gió, máy bơm…

Panasonic chiếm 50% thị phần thiết bị nối dậy tại thị trường Việt Nam. Nguồn: Panasonic

Đầu năm 2024, PEWVN đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thiết bị nối dây mới tại khu công nghiệp VSIP 2 - Annex, tỉnh Bình Dương. Nhà máy mới này có quy mô 3 tầng khoảng 10.940 m2, tổng sàn hơn 28.000 m2 với vốn đầu tư 240 tỷ đồng.

Quy trình lắp ráp tự động tại nhà máy Panasonic Bình Dương

PEWVN cho biết sẽ đẩy mạnh tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất của nhà máy mới cũng như các nhà máy hiện có nhằm rút ngắn thời gian sản xuất và giao hàng.

Đồng thời, sẽ tối ưu hóa dây chuyền sản xuất bằng cách tích hợp với giải pháp từ nhà máy Tsu với công nghệ sản xuất hiện đại từ chế tạo khuôn mẫu, lắp ráp theo quy trình khép kín. Qua đó nâng công suất lên 1,8 lần so với mức hiện tại, lên gần 150 triệu thiết bị/năm.

Về các sản phẩm thiết bị ổ cắm, phích cắm kinh doanh tại Việt Nam, PEWVN khẳng định nhấn mạnh vào yếu tố chất lượng cao, mang đến sự an toàn cho người sử dụng. Trong tương lai, PEWVN nhấn mạnh sẽ tập trung vào hệ thống dây điện, như MCCB (cầu dao công suất lớn sử dụng trong các chung cư…).

Lãnh đạo PEWVN cho biết, Việt Nam được xem là thị trường quan trọng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, do đó công ty tập trung nhiều nguồn lực để phát triển thị trường này.

Nhà sản xuất thiết bị nối dây này cũng cam kết sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các công nghệ và sáng kiến độc quyền giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, các sản phẩm thân thiện với môi trường và giảm phát thải CO2 trong sản xuất và các hoạt động liên quan, với mục tiêu đạt mức phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.